Tesla dẫn đầu đà tăng của S&P 500; Dầu giảm 1%

Chỉ số S&P 500 phục hồi vào thứ Năm (24/10), ghi nhận phiên tăng đầu tiên trong 1 tuần vốn đang bị ảnh hưởng bởi đà tăng lãi suất. Giá dầu giảm do lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở châu Âu có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.

S&P 500 ghi nhận phiên tăng đầu tiên trong 1 tuần

Kết phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0.21% lên 5,809.86 điểm và đứt mạch 3 phiên giảm liền. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.76% lên 18,415.49 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones trượt 140.59 điểm, tương đương 0.33%, còn 42,374.36 điểm. Chỉ số này đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2024.

Tesla là cổ phiếu hoạt động tốt nhất thuộc S&P 500. Cổ phiếu nhà sản xuất xe điện đã bật tốc gần 22% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 vượt kỳ vọng của các chuyên gia phân tích, ghi nhận phiên tốt nhất kể từ năm 2013. Cổ phiếu Molina Healthcare tăng vọt 17.7% nhờ kết quả doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Whirlpool và UPS cũng tăng sau khi công bố kết quả kinh doanh.

Ảnh hưởng tiêu cực đến Dow Jones là cổ phiếu IBM, cổ phiếu này đã bốc hơi hơn 6% khi doanh thu công ty tư vấn không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích. Cổ phiếu Boeing sụt 1,2% sau khi các thợ máy của công ty từ chối ký hợp đồng lao động mới.

Cho đến nay, khoảng 160 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận hằng quý, tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận không mấy ấn tượng. Theo FactSet, tỷ lệ tăng trưởng chung của S&P 500 là 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó không đạt như dự báo từ các chuyên gia phân tích.

Lợi suất trái phiếu giảm, rút khỏi mức đỉnh 3 tháng đã đạt được trong phiên trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 4.25% vào ngày 23/10 tại mức cao nhất trong phiên.

Dầu giảm do lo ngại tăng trưởng kinh tế ở châu Âu

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 58 xu, tương đương 0,77%, xuống 74,38 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 58 xu, tương đương 0,82%, còn 70,19 USD/thùng.

Vào đầu phiên, cả 2 hợp đồng dầu đều tăng hơn 1 USD/thùng.

Thị trường dầu tiếp tục biến động khi phí bảo hiểm rủi ro ở Trung Đông tăng và giảm gần như mỗi ngày. Kể từ khi Iran bắn tên lửa vào Israel vào hôm 01/10, giá dầu Brent đã nhảy vọt 8% trong tuần kết thúc ngày 04/10 do lo ngại Israel sẽ tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Giá dầu đã trượt 8% trong tuần kết thúc ngày 18/10 do có báo cáo rằng Israel sẽ không tấn công cở sở hạ tầng năng lượng, làm giảm bớt lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Iran là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và sản xuất khoảng 4 triệu thùng/ngày trong năm 2023, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy.

Theo các chuyên gia phân tích và báo cáo của Chính phủ Mỹ, Iran hướng đến ghi nhận xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng so với mức ước tính 1,4 triệu thùng/ngày hồi năm 2023.

Với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vốn có thể làm thay đổi chính sách dầu mỏ và Trung Đông của Mỹ, đang đến gần vào ngày 5/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục thúc đẩy hòa bình giữa Israel với Hezbollah và Hamas.

Tại châu Âu, hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro đã đình trệ trong tháng này, vẫn nằm trong vùng suy thoái do nhu cầu trong và ngoài khu vực đều giảm mặc dù các công ty hầu như không tăng giá, một cuộc khảo sát cho thấy.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tesla-dan-dau-da-tang-cua-sp-500-dau-giam-1-post117932.html