Tết là cùng nhau xây mộng bình thường
Tết từ muôn đời nay vẫn thế, dường như thiên nhiên và cả lòng người bồi hồi, xao xuyến rạo rực đón chờ một năm mới sang, với thật nhiều hy vọng về một năm thuận hòa, bình an, tươi sáng.
Mùa xuân năm nay thật đẹp, tiết trời lạnh và chút mưa, chút gió khe khẽ đưa xuân. Những cánh hoa nhạt nhòa trong gió: hoa đào thắm đỏ, nhất chi mai chúm chím phớt hồng, cành lay dơn đậm màu truyền thống...
Tết bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo về chầu trời, ngày bao sái ban thờ, thắp hương sắp lễ rồi soạn sửa đón con thật sớm, đưa con trẻ đi thả cá để hiểu truyền thống từ lúc mới bập bẹ tiếng mẹ, tiếng cha.
Nguồn cội, là sự kế thừa những nghi lễ truyền thống, là thứ văn hóa được "di truyền trong gen" từ đời này, qua đời khác; có thể thay đổi cho hợp với thời đại, nhưng không mất đi, không lãng quên.
Tết đối với gia đình tôi có nghĩa là sự sum vầy. Một mùa Tết đẹp và êm là một mùa Tết được mang về bởi đôi bàn tay người phụ nữ của gia đình. Mỗi năm, chiều ba mươi Tết, mẹ tôi thường chuẩn bị một nồi nước mùi già thật thơm để cả nhà tắm rửa. Không chỉ gột rửa bụi trần mà còn xóa đi những mỏi mệt, u sầu và đớn đau của năm cũ.
Mùi hương nguồn cội đánh thức mọi giác quan, thả những buồn rũ đi về nơi quá vãng, để lại tinh khôi như đứa trẻ mới chào đời, đón một năm mới với tâm thế của sự trong trẻo, tươi mát và hồn nhiên.
Bây giờ thì tôi đã làm mẹ, nồi nước mùi già vẫn lan tỏa mùi thơm trong căn bếp nhỏ, không chỉ thanh tẩy bụi người mà còn thanh tẩy cả không gian của một ngôi nhà cũ với những bộn bề quanh năm suốt tháng. Mùi hương ấy tỏa khắp góc bếp, lâng lâng, xao xuyến, bồi hồi. Tôi thấy mình êm êm trong làn nước thơm ấm rồi bâng khuâng trong tuổi thơ đã qua của tôi, rồi thấm cho con mình một mùi Tết bồi hồi như tôi đã từng có, để chúng len lỏi vào ký ức tuổi thơ, dù chỉ là ý niệm.
Tết bình thường nhưng đầy thương mến trong những mong cầu gửi vào mâm ngũ quả. Người phụ nữ của gia đình sẽ đi chợ Tết từ những ngày trước đó, gửi tâm tư vào quả bưởi còn núm lá xanh, nải chuối còn nguyên đầu ruồi, quả thanh long sẫm đỏ... rồi lại tự tay rửa lau, tự tay bày biện.
Triết lý dân gian thật giản dị mà đầy ý nghĩa: "Cầu vừa đủ xài", ai ai cũng có thể hiểu được triết lý nhân sinh là biết đủ, xin cho được đủ. "Cầu vừa đủ", chứ không mong hơn, không cần thêm, không tham lam, không để cho lòng mình vượt quá những gì đáng có và nên có để luôn biết trân trọng và quý giá những ân phúc cuộc đời.
Trong những phút giây sum vầy nhưng thật khác đó, tiếng pháo ran ran báo hiệu năm mới sang. Trên bầu trời rực rỡ sắc màu của pháo hoa, bên tai là âm thanh đùng đoàng xé tan màn đêm tĩnh lặng. Một năm mới sang với bao điều lành, lành từ trong tâm khảm, trong lời nói, trong hành động và thái độ dịu dàng.
Lành khi ai cũng biết giữ gìn ý tứ những ngày đầu này. "Có kiêng có lành" - không chỉ là phong tục mà còn là lời nhắc nhở: ái ngữ, hoan hỉ, vui tươi, hòa ái... Giữ bản thân tinh tươm và tỉnh thức đâu chỉ trong ba ngày Tết mà còn là giữ mình cả một năm, được sáng suốt, chan hòa, được từ ái trước sóng cả, gió to. Để một năm có thể đôi lúc không thuận ý nhưng "chân cứng đá mềm".
Ngày đầu năm mới, gia đình quây quần bên nhau, bà tôi năm nay thượng thọ, mặc áo đỏ để con cháu hân hoan mừng tuổi trong niềm hạnh phúc dâng trào. "Một mẹ già bằng ba lần giậu" - người già trong nhà quý giá biết bao nhiêu. Là chỗ nương tựa tinh thần của con của cháu, là sự nhắc nhở về nếp nhà thuận hòa trên dưới. Bà là mẹ, là bà rồi là cụ. Niềm hạnh phúc vô bờ ấy khiến chúng tôi trân trọng tháng ngày, biết ơn phúc đức sâu dày của tổ tiên, dòng họ.
Con tôi chạy nhảy tung tăng trong tà áo mới, chơi bóng với anh với em, tay còn giấu chiếc kẹo rồi lẻn vào đòi mẹ bóc. Cả năm, Tết là dịp để lũ trẻ từ thành phố được trở về quê hương, được gặp mặt họ hàng, anh chị em trong gia tộc, được "hòa nhịp" vào nếp sống của một gia đình tứ đại đồng đường. Những dư vị của Tết đó, sẽ thấm vào hơi thở và là nguồn sống, cho những đứa trẻ sau này sẽ thành công dân toàn cầu nhưng không quên vị nước sông, nước giếng quê hương.
Xuân năm nào tôi cũng đi lễ chùa, dù không phải là tín đồ của đạo Phật. Nhưng khoảnh khắc chắp tay khấn nguyện trước lư hương trầm mặc và làn khói bảng lảng linh thiêng, lòng tôi cũng như thắp lên tín ngưỡng của riêng mình, với đức tin thuần thành vào sự thiện lương và tự nhủ mình phải ăn ở sao cho hiền lành, đúng mực. Phút giây ấy, là khoảnh khắc tôi "gặp" chính bản ngã của mình và cùng một lòng một dạ, "ký cam kết" cho một năm tự thân nỗ lực, để tốt hơn, tử tế hơn, nên người hơn.
"Con trong dạ, mạ đi tu"... Có lẽ, những đứa trẻ được hoài thai bởi người mẹ đã tái sinh chính cuộc đời của người mẹ, trong những ý niệm của sự thiện lương, trong sự thức tỉnh về đức khiêm nhường, học làm người và học sống cho ra người để con cái mình từ đó lớn lên, tràn yêu thương, sống làm người đường hoàng.
Tôi làm mẹ của ba đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ một khác. Nhưng cuộc đời quá nhiều đau thương đã dạy tôi về hai chữ "yêu thương". Trái tim vô lượng của người cha người mẹ cố vươn lên để mong một cuộc sống bình thường, tiệm cận sự khỏe mạnh, để nhà luôn là tổ ấm, rộn tiếng cười vang; với tôi, cũng là một nỗ lực phi thường.
Xuân đến, xuân đi như sự tuần hoàn của đất trời vạn vật. Tết cũng là dịp để tỏ bày sự biết ơn cho một năm sum vầy đủ đầy. Tết là khoảnh khắc cúi đầu thành kính mong cầu năm mới được còn trong tay nhau, cùng nhau xây mộng bình thường bằng tình yêu thương, bằng nghị lực và bằng tất cả những tháng ngày đã được vun đắp bởi rất nhiều đau thương.
Cầu một năm mới bình an tới tất cả mọi nhà.