Tết ông Táo, ghé thăm làng sản xuất lò đất
Có một điều đặc biệt là những hộ làm lò đất ở Phú Thọ (huyện Phú Tân) không sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Không ai rõ bằng cách nào mà thế hệ ông bà đã hình thành nên một xóm lò duy trì qua mấy chục năm dù phải miệt mài đi chở đất phương xa như thế.
Nghề làm lò truyền qua lời kể của các gia đình nối nghề đều giống nhau. Đó là xuất phát từ nhu cầu mưu sinh, họ làm được, bán được, ông bà dạy nghề cho cha mẹ, rồi đến con cháu, cứ như vậy nối dài đến ngày nay.
Số hộ theo nghề hiện nay đã khá nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, những người còn gìn giữ quyết tâm không bỏ cuộc. Mùa Tết, nhà nào cũng tất bật làm liên tục để giao hàng, vì đây là thời điểm thị trường tiêu thụ mạnh nhất.
Bà Lan là nhân vật quen thuộc của các cơ quan báo chí mỗi khi đề cập giới thiệu về xóm làm lò này. Bà gắn bó với nghề đã hơn 30 năm, giờ chỉ có vợ chồng già đeo đuổi công việc chân lấm tay bùn, còn các con cháu thì chẳng ai mặn mòi nữa.
Đất sét nặn lò phải mua từ huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) và một số chỗ có nguyên liệu tương tự. Ở xã Phú Thọ hiện còn 33 hộ sản xuất lò đất, tuy không quy mô như làng nghề truyền thống được công nhận, nơi đây vẫn trở thành một xóm nghề lâu đời có tiếng. Sản phẩm vẫn được tiêu thụ đều đặn quanh năm, phân phối khắp miền Tây.
Hiện nay, trong xóm lò có những chuyển biến mới. Số ít hộ chuyển sang làm thêm các loại nồi, ơ, khuôn đổ bánh bằng đất để rộng đường tiêu thụ. Lại có hộ làm lò bằng chất liệu xi-măng đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Và một số nơi còn làm cả lò trấu.
Bếp lò truyền thống nấu củi vẫn chiếm số lượng ưu thế và được đa số thợ làm duy trì. Hễ thị trường còn "cầu" thì người sản xuất vẫn tiếp tục "cung".
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ cho các hộ sản xuất lò đất được vay vốn, tiếp tục giữ gìn nghề. Nhờ đó, các hộ còn theo nghề làm lò đều có thu nhập ổn định...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tet-ong-tao-ghe-tham-lang-san-xuat-lo-dat-a413941.html