Thách thức giảm tỷ lệ sinh con thứ ba ở Mường Chà
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Mường Chà trong 9 tháng năm 2024 chiếm 23,7%. Kết quả này dù đã giảm so với các năm trước nhưng Mường Chà vẫn là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao của tỉnh. Bài toán giảm tỷ lệ sinh con thứ ba ở Mường Chà đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong công tác truyền thông thay đổi nhận thức của người dân.
Thiệt thòi những đứa trẻ
Chúng tôi cùng cán bộ Trạm Y tế xã Na Sang đến nhà anh Lý A Dính, bản Nậm Bó - một trong những hộ đông con của bản với 5 người con. Không gặp được bố mẹ bởi vợ chồng anh Dính đã lên rừng từ sớm, nhưng chúng tôi lại chứng kiến cảnh mấy đứa trẻ nhếch nhác, lếch thếch, đứa lên 8, lên 10 trông em nhỏ đứa lên 3, đứa đang tập đi. Vừa cõng trên lưng vừa dỗ dành đứa em đang khóc ngặt nghẽo, Lý Thị Dinh, 8 tuổi, con thứ 3 của vợ chồng anh Dính thỏ thẻ: “Thỉnh thoảng cháu phải nghỉ học để ở nhà trông em cho bố mẹ đi nương. Nếu bố mẹ không đi nương sẽ không có cái ăn”.
Cũng bởi suy nghĩ chững chạc, lớn hơn cái tuổi lên 8 “ăn chưa no, lo chưa tới” với bé Dinh, mọi việc nhà từ rửa bát, nấu cơm, trông em, chăn bò Dinh đều làm thuần thục. Ở cùng độ tuổi ấy, những việc làm trên đối với nhiều đứa trẻ chỉ là “học kỹ năng sống” thì đối với Dinh đó lại là công việc thường ngày phải làm, “bản năng sinh tồn”, làm nhiều thành quen tay.
Nhà có 6 người con nhưng nguồn thu chỉ trông chờ vào mảnh nương, mỗi vụ cho thu hoạch chưa đến 5 bao ngô. Để có tiền nuôi cả gia đình, vợ chồng phải đi làm thuê tính công từng ngày nhưng chỉ được bữa nay lo bữa mai - đó là hoàn cảnh của gia đình chị Đi Seo Hủi và anh Lò Seo Lú ở bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng. Vì cuộc sống quá khó khăn, hai con đầu của chị Hủi đã phải bỏ học giữa chừng đi làm thuê, phụ giúp bố mẹ nuôi em. Trong ngôi nhà khung sắt được hỗ trợ thông qua chương trình “Mái ấm nông dân nghèo” của vợ chồng chị Hủi, thứ đáng giá nhất có lẽ là vài bao ngô, thóc xếp ở góc nhà.
Khi được hỏi vì sao hoàn cảnh khó khăn mà vẫn sinh nhiều con, chị Hủi giãi bày: “5 đứa con đầu đều là con gái. Cuộc sống cũng khổ lắm rồi nhưng nếu chưa sinh được con trai thì vợ chồng tôi vẫn sinh tiếp. Cũng may, đứa con thứ 6 là con trai nên giờ tôi không sinh nữa”.
Những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi, cuộc sống thiếu thốn đủ đường cũng bởi sinh nhiều con. Vậy nhưng những trường hợp như gia đình chị Hủi, anh Dính ở Mường Chà không phải là ít. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, trong 9 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ sinh con thứ 3, vi phạm chính sách dân số tại Mường Tùng chiếm 39,4%; Sá Tổng 30%; Ma Thì Hồ 30,6%; Huổi Lèng 29,1%...
Truyền thông thay đổi hành vi
Sinh con đông không chỉ là gánh nặng trực tiếp cho các gia đình mà còn là gánh nặng cho công tác dân số, cho sự phát triển của xã hội. Thời gian qua, huyện Mường Chà đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, trong đó, xác định công tác truyền thông là khâu then chốt.
Xã Na Sang có 10 bản, trong đó 5 bản vùng cao với hơn 95% dân số là người dân tộc thiểu số, dân tộc Mông chiếm gần 60%. Để giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, mỗi cán bộ Trạm Y tế xã là một tuyên truyền viên, đổi mới phương pháp truyền thông. Trạm y tế thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền với các đợt tiêm chủng, cuộc họp bản và tổ chức vào buổi tối để tập hợp đông đảo người dân tham gia. Từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã Na Sang tổ chức trên 70 buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của việc sinh con thứ 3.
Chị Trần Thị Bình, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Na Sang chia sẻ: Làm tốt công tác truyền thông nên những năm qua tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu năm 2020 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã là hơn 27% thì đến thời điểm này đã giảm xuống còn 16,2%.
Đẩy mạnh truyền thông, thực hiện kế hoạch hóa gia đình là một trong những biện pháp được chú trọng để điều chỉnh mức sinh. Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình duy trì và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thường xuyên ở Trạm Y tế các xã, thị trấn; thực hiện cấp biện pháp tránh thai miễn phí (triệt sản, dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, cấy tránh thai, thuốc uống tránh thai). Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã triển khai đặt vòng tránh thai cho 485 người; cấp miễn phí trên 4.760 vỉ thuốc tránh thai và 5.320 bao cao su…
Nhiều giải pháp đã được triển khai song tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, vi phạm chính sách dân số của huyện Mường Chà vẫn luôn thuộc top đầu của tỉnh. Năm 2023, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của toàn huyện là 25,3% và 9 tháng đầu năm 2024 là 23,7%.
Cùng với chị Hoàng Thị Thanh Bình, cán bộ phụ trách dân số xã Mường Tùng đi tuyên truyền, vận động người dân tại bản Huổi Chá, nơi 100% hộ dân là dân tộc Mông, chúng tôi thấu hiểu phần nào những khó khăn của cán bộ làm công tác này. Vừa ân cần hỏi han đời sống bà con, vừa tranh thủ tuyên truyền, giải thích về những hệ lụy của việc sinh đông con để người dân hiểu, làm theo. Vậy nhưng khi được hỏi có sinh đông con nữa không thì người dân vẫn trả lời bằng những câu hỏi ngược: Không sinh con thì lấy đâu ra người làm nương? Không đẻ nhiều làm gì có người đi chăn trâu? Không đẻ được con trai sau này chết đi lấy ai làm lý?!...
Trên đường trở về, chị Bình giải thích cho chúng tôi: Những câu nói ấy của bà con chúng tôi nghe quen rồi. Khi đến tuyên truyền, người dân có ngồi nghe, nhưng để bà con thực hiện thì cần cả chặng đường dài bởi những tư tưởng lạc hậu như: “Trời sinh voi sinh cỏ, đông con hơn nhiều của”, trọng nam khinh nữ… vốn đã bám rễ sâu trong tiềm thức của nhiều gia đình.
Ngoài ra, còn do nhiều nguyên nhân khác như: Sự hiểu biết của người dân về chính sách dân số còn hạn chế; tình trạng tảo hôn; chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm chính sách dân số còn nhiều bất cập và gần như không thể xử lý… khiến bài toán giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Mường Chà chưa có lời giải.
Với gần 95% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, nhận thức người dân khó thay đổi… là những vấn đề Mường Chà cần tìm giải pháp để thực hiện chính sách dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.