Thách thức lớn với thị trường lao động

So cùng thời điểm những năm trước, thị trường lao động trong nước năm nay có sự khác biệt. Không có sự xáo trộn về nguồn lao động, do phần lớn công nhân sau kỳ nghỉ Tết đã quay trở lại làm việc. Nhưng, một vấn đề mới phát sinh là nguồn lao động cung ứng cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang bị thiếu hụt. Sự bùng phát bất ngờ của dịch Covid-19 (nCoV) càng khiến cho tình hình thêm khó khăn. Thực trạng đó cho thấy, cần có những kế hoạch dài hơi hơn cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Doanh nghiệp “khát” lao động

Khảo sát thực tế tại nhiều DN, tình trạng thiếu lao động đang làm ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bà Đoàn Thị Oanh, cán bộ phụ trách công tác tuyển dụng, đào tạo của Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Ánh Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, công ty đang cần tuyển gấp ít nhất 40 lao động nhằm cung ứng nhân sự cho một số DN, tòa nhà chung cư, ngân hàng... Tương tự, Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông (Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội) đang ráo riết tuyển dụng khoảng 100 công nhân. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị đã tổ chức tuyển thêm lao động từ trước Tết Canh Tý, nhưng vẫn không tìm được người. Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho biết, dịp này TP Hồ Chí Minh cần khoảng 30.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các ngành như: dệt may - da giày, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh - thương mại, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, tài chính - kế toán…

Đối với tỉnh Đồng Nai, những năm trở lại đây, nhu cầu lao động luôn ở mức khoảng 90.000 đến gần 100.000 người mỗi năm. Từ giữa năm 2019, nhiều DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất nhưng không tuyển đủ. Vì thế sau kỳ nghỉ Tết, các DN này tiếp tục tuyển dụng thêm khoảng 75.000 người mới, nhưng với tình hình hiện nay khó mà tìm được đủ số lao động theo yêu cầu.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho rằng, việc thiếu lao động phổ thông mang tính cục bộ, từng vùng, miền. Nhưng nhìn trên tổng thể, nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam đang bắt đầu qua thời kỳ dân số vàng. Cụ thể, 15 năm trước, mỗi năm cả nước sẽ có thêm khoảng 1 đến 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động, nhưng 5 năm gần đây, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người. Sau 15 năm nữa, dự kiến mỗi năm chỉ tăng 200.000 người hoặc ít hơn.

Thêm nữa, vào thời điểm này người đi tìm việc có tâm lý e ngại di chuyển tìm việc, do lo ngại dịch Covid-19 (nCoV). Một số người đi tìm việc cho biết, chỉ vài ngày sau khi đăng ký ứng tuyển cho vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng đã được DN gọi đến phỏng vấn. Tại một địa phương đang phát triển công nghiệp mạnh mẽ là tỉnh Hà Nam, hai năm qua, do thiếu lao động, nhiều DN phải “treo thưởng” cho công nhân, ai tuyển được người thân, họ hàng đến làm sẽ được thưởng một triệu đồng. Nhiều DN thậm chí không cần hồ sơ, chỉ yêu cầu người xin việc đăng tuyển bằng chứng minh nhân dân. Điều đó cho thấy DN đang rất “khát” người lao động.

Nguy cơ tiềm ẩn từ sự dịch chuyển lao động

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 92.000 lao động nước ngoài đang làm việc, đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo bốn vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, nhưng với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được. Các hình thức lao động của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay phát sinh chủ yếu ở dạng hợp đồng lao động, di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (DN), được công ty mẹ cử sang hoặc thực hiện các hợp đồng kinh tế thương mại. Đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần chú trọng thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, buộc các DN nghiêm túc thực hiện đúng pháp luật Việt Nam.

Nhìn nhận thực trạng, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Việc làm, cho rằng: điều này sẽ đặt ra những thách thức đối với việc quản lý nhóm lao động này cũng như chính sách bảo hộ việc làm cho lao động trong nước. Trong đó, khó khăn nhất là việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của DN, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng DN tự ý tuyển lao động là người nước ngoài mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Trước những vi phạm này không ít đơn vị đã bị xử lý. Cuối năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt hai DN đóng trên địa bàn huyện Cam Lâm, mỗi đơn vị 135 triệu đồng vì đã sử dụng hàng trăm lao động nước ngoài trái phép. Trước đó, cơ quan chức năng TP Nha Trang cũng xử lý hai đơn vị vi phạm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng lao động người nước ngoài khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng sẽ gây những tác động lớn đến thị trường lao động trong nước.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sử dụng và đào tạo lao động

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 về sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, trong đó có nội dung quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành ở địa phương hiện chưa thật sự hiệu quả và đồng bộ. Còn tình trạng lao động “chui” thông qua hình thức du lịch. Việc kiểm tra, giám sát các DN có lao động nước ngoài chưa tốt. Đó là chưa kể đến chuyện chính các DN cũng thiếu ý thức chấp hành pháp luật trong tuyển dụng lao động là người nước ngoài.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do Covid-19, nhiều DN thuộc lĩnh vực kinh doanh, du lịch, nhà hàng khách sạn…; các DN phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong lúc khó khăn, các DN có thể tăng ca sản xuất. Thêm nữa, trong dài hạn, thay vì bị động đi tuyển người, thậm chí tuyển lao động phổ thông trình độ thấp thì cần tập trung các giải pháp tăng chất lượng nguồn lao động.

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ người lao động có kỹ năng giúp nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng người lao động theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và bảo đảm tính linh hoạt của người lao động. Mặt khác, thực hiện đồng bộ theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật việc làm và pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nhằm chuẩn hóa lực lượng lao động trên cơ sở khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia theo hướng tiệm cận với trình độ kỹ năng khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gồm việc tăng cường gắn kết đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; tăng tính tự chủ của các đơn vị đào tạo”.

Tổ chức thực hiện:

VŨ MAI HOÀNG, PHƯƠNG THẢO, VĂN HỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/43270102-thach-thuc-lon-voi-thi-truong-lao-dong.html