Thách thức tại COP28

Các quốc gia tham dự hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc năm nay hy vọng sẽ tìm ra cách giữ cho Trái đất không bị nóng lên quá nhiều vào cuối thế kỷ này.

Các cuộc thảo luận tại COP28 sẽ xoay quanh việc “giảm” hay “loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch? Nguồn: AP.

Các cuộc thảo luận tại COP28 sẽ xoay quanh việc “giảm” hay “loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch? Nguồn: AP.

Thủ đô Dubai Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chào đón hàng nghìn người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 28 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28), diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, trong bối cảnh vẫn còn chưa chắc chắn về việc quốc gia giàu dầu mỏ này sẽ đi bao xa để giúp chấm dứt tình trạng khủng hoảng khí hậu chủ yếu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thế giới đã trở nên nóng hơn kể từ COP27 ở Ai Cập. Một số chuyên gia cho rằng, năm 2023 đã là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Bắc bán cầu đã đạt nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa hè này và Brazil trong tháng này đã chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm cao nhất mọi thời đại dù vẫn chưa đến mùa Hè.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, ngày càng thiếu sự chuẩn bị: Mùa gió mùa năm nay ở Ấn Độ đã gây thiệt hại tài sản trị giá gần 1,5 tỷ USD. Bão nhiệt đới Daniel hồi tháng 9 gây lũ lụt chết người ở Libya. Tháng trước, cơn bão Otis đổ bộ vào Mexico làm dấy lên lo ngại rằng, chính phủ sẽ chi nhiều tiền để tái thiết hơn là giúp đỡ người dân ứng phó.

Ngay cả khi những đợt lạnh cực độ quay trở lại – đang diễn ra ở Bắc Âu – thì các đường xu hướng chung cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tăng lên.

Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và thế giới cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu đó. Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, lượng carbon lưu hành trong khí quyển phải đạt đỉnh vào năm tới và giảm gần một nửa vào năm 2030.

Các nước phương Tây nằm trong số những nước thúc đẩy tham vọng tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030. Tuy nhiên, các nhóm vận động cho rằng, đây chỉ là động thái loại bỏ các vấn đề xung quanh và tránh vấn đề chính là giảm việc đốt than, dầu và khí đốt.

Dự kiến, các cuộc thảo luận tại COP28 sẽ xoay quanh việc “giảm” hay “loại bỏ”: Liệu các quốc gia có đồng ý giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như một số người mong muốn hay loại bỏ hoàn toàn hay không - mục tiêu lớn của các nhà vận động khí hậu khó có thể được xem xét nghiêm túc ở Dubai.

Sự nóng lên toàn cầu có những tác động to lớn. Nó có thể đảo lộn nền kinh tế địa phương, làm xấu đi các kiểu thời tiết, thúc đẩy người dân di cư và gây ra sự tàn phá đối với những người bản địa muốn giữ lại nền văn hóa truyền thống, cùng nhiều tác động khác.

Các nhà vận động khí hậu muốn yêu cầu những người ra quyết định ở các quốc gia giàu phải chịu trách nhiệm về mọi cam kết cao cả mà họ đã đưa ra nhưng chưa được thực hiện trong quá khứ và thúc đẩy những tham vọng lớn hơn nhằm thay đổi cách chúng ta sống từ Tokyo (Nhật Bản) đến Tegucigalpa (Honduras) hay Timbuktu (Mali).

Một thách thức lớn tại hội nghị khí hậu ở Dubai là huy động vốn cho các quốc gia nghèo hơn để chuẩn bị, ứng phó và đối phó với những thảm họa liên quan đến khí hậu. Năm ngoái, việc thành lập “Quỹ Tổn thất và Thiệt hại” là một thành tựu lớn, nhưng việc tìm ra cách lấp đầy quỹ này lại rất khó khăn.

Ông Sultan al-Jaber - người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi, đồng thời là người chủ trì COP28 - sẽ được xem xét kỹ lưỡng về mối quan tâm rõ ràng của đất nước ông đối với dầu mỏ và những lời kêu gọi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nhiều người muốn biết, liệu các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ có chi thêm tiền để giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang các công nghệ xanh hay không.

Xung đột vũ trang đã gây ra nhiều xao lãng. Trong khi năm ngoái, xung đột ở Ukraine đè nặng lên những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, thì năm nay, thế giới lại đổ dồn về Trung Đông - chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng trước.

Việc làm thế nào để thu hút sự chú ý trở lại đến các vấn đề khí hậu - vốn thường mờ nhạt sau khi các đợt nắng nóng giảm bớt - cũng là một thách thức không nhỏ tại COP28. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong những ngày gần đây đã tới Nam Cực để nêu bật những lo ngại về tình trạng băng tan. Nhiều công ty trông chờ vào các quyết định tại COP28, như công ty kinh doanh nông nghiệp Cargill của Mỹ đã công bố trong tuần này một “cam kết tăng tốc” nhằm chấm dứt nạn phá rừng ở Brazil, Argentina và Uruguay.

Bên cạnh đó, ngay cả khi xe điện đang xuất hiện nhiều hơn, nhu cầu mua những chiếc SUV ngốn xăng và những chiếc ô tô lớn hơn đang tăng lên trên toàn cầu bởi các nước đang phát triển muốn hưởng lợi từ những thứ xa xỉ - thường thải ra một lượng lớn carbon - mà các nước giàu có đã được hưởng từ lâu.

Áp lực lạm phát đã đẩy chi phí sinh hoạt lên cao trong những tháng gần đây, khiến việc mua các công nghệ xanh trở nên kém hấp dẫn hơn và nhiều người tiêu dùng mong muốn giá xăng thấp hơn. Nhiều quốc gia tiếp tục trợ cấp chi phí nhiên liệu để hạn chế khó khăn về tiền bạc.

Rất ít chuyên gia và nhà hoạch định chính sách mong đợi một bước đột phá lớn tại COP28. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch thải carbon vào khí quyển là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng sản lượng vẫn tiếp tục tăng. Theo các nhà vận động về khí hậu, những nỗ lực phát triển năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng thay thế khác vẫn chưa tiến triển đủ nhanh.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thach-thuc-tai-cop28-10267929.html