Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục

Sáng nay (26/10), tại Hà Nội, Tổ chức HAGAR quốc tế tại Việt Nam về hỗ trợ bảo vệ, phục hồi và nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của mua bán người, bạo hành gia đình và xâm hại tình dục tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục'.

Báo cáo tại tọa đàm cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, đoàn thể đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại, nhưng thực trạng trẻ em bị xâm hại trong những năm qua vẫn ở mức báo động. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm nay, trong 27 ca bị xâm hại nghiêm trọng thì có 16 ca là trẻ em. Con số này cho thấy tính dễ bị tổn thương của trẻ em, đồng thời đặt ra yêu cầu về chất lượng cũng như giải pháp, bởi vì với các em không chỉ ảnh hưởng đến tuổi thơ mà cả cuộc đời của các em sau này sẽ bị ảnh hưởng bởi những sang chấn những tổn thương tâm lý khi một việc xảy ra với các em ở tuổi nhỏ.

Tọa đàm với chủ đề “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”

Tọa đàm với chủ đề “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”

Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong 9 tháng qua, tổng số cuộc gọi đến tổng đài là hơn 238.000 cuộc, trong đó 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục (năm 2021 là 205 ca, năm 2022 là 170 ca). Đáng lưu ý, có tới 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục. Phân tích 467 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng năm nay, số ca xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi) là 440 ca, với 442 trẻ em.

Các vụ việc trẻ em còn rất nhỏ đã bị xâm hại tình dục (14 trẻ em từ 0-3 tuổi, 33 trẻ em từ 4-6 tuổi). Có tới 28,2% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân của trẻ. Điển hình như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong; bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục bởi người quen của gia đình.

Bà Nguyễn Thuận Hải cho biết: “Trong 442 trẻ em bị xâm hại tình dục có 426 trẻ em gái (chiếm 96,4%) và 16 trẻ em trai (chiếm 3,6%). Số vụ việc xâm hại qua môi trường mạng đang có chiều hướng gia tăng, nhưng việc hỗ trợ can thiệp cho nhóm đối tượng trẻ em bị xâm hại trong môi trường mạng còn bất cập vướng mắc trong việc xác minh cũng như hỗ trợ can thiệp các vụ việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Báo cáo về thực tế vấn đề xâm hại tình dục trẻ em tại địa phương, bà Trần Thanh Huyền, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho hay, trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục).

“Những vụ xâm hại tình dục thì chúng tôi nhận thấy hầu hết xảy ra ở vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì các em tiếp cận được ít những thông tin và không lường trước được hậu quả của xâm hại tình dục cũng như là kết bạn rất nhiều trên mạng internet. Cha mẹ có hướng dẫn cũng như các kỹ năng thì hạn chế”, bà Trần Thanh Huyền nói.

Từ thực tế này, các đại biểu cho rằng, cùng với các chế tài luật pháp, cần sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, can thiệp hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó cần quan tâm đến vấn đề hỗ trợ can thiệp về tâm lý.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thach-thuc-va-giai-phap-trong-cong-tac-ho-tro-tre-em-trai-qua-xam-hai-tinh-duc-post1055080.vov