Thảm kịch hàng không giữa 'cơn bão chính trị' tại Hàn Quốc

'Cơn bão chính trị' tại Hàn Quốc chưa hạ cấp thì trong những ngày cuối cùng của năm 2024, đất nước này lại xảy ra vụ tai nạn hàng không gây thương vong lớn nhất trong lịch sử khiến 179 người thiệt mạng, đặt ra thách thức lớn đối với quyền Tổng thống Choi Sang-mok.

Chuyến bay mang số hiệu 7C2216 do hãng Jeju Air khai thác bằng máy bay thân hẹp Boeing 737-800 gặp nạn khi hạ cánh tại sân bay Muan ngày 29/12, khiến 179 người trên máy bay thiệt mạng, chỉ có hai người sống sót. Đây là tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ năm 1993, sau thảm kịch xảy ra với máy bay của hãng Asiana Airlines.

Hiện trường nơi máy bay rơi. Ảnh Reuters

Hiện trường nơi máy bay rơi. Ảnh Reuters

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Hàn Quốc ngày 30/12 công bố rằng thi thể của 141 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay đã được xác định sơ bộ. Nhiều thành phố và tỉnh ở Hàn Quốc đã có kế hoạch tổ chức các lễ tưởng niệm chung cho các nạn nhân vào cuối ngày 30/12. Chính quyền địa phương của thành phố Gwangju và tỉnh Nam Jeolla, nơi có tổng cộng 157 cư dân thiệt mạng trong vụ tai nạn, sẽ lập ít nhất ba bàn thờ, tại Quảng trường Dân chủ 18/5, tòa nhà chính quyền tỉnh Nam Jeolla và khu liên hợp thể thao ở Muan. Các hoạt động tưởng niệm sẽ được tiến hành cho đến khi kết thúc thời gian quốc tang kéo dài 7 ngày, tức ngày 4/1 tới.

“Chính phủ xin gửi lời chia buồn chân thành nhất đến các gia đình có người thân thiệt mạng và sẽ cố gắng hết sức để phục hồi sau vụ tai nạn này và ngăn ngừa thảm họa tái diễn”, quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok phát biểu khi đến thăm hiện trường vụ rơi máy bay. Quyền Tổng thống Choi đã gặp Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik ngày 30/12 để thảo luận các biện pháp giải quyết hậu quả của thảm kịch cũng như hỗ trợ của chính phủ dành cho các nạn nhân của vụ việc, theo ông Park Tae-seo, thư ký cấp cao về các vấn đề công cộng của Quốc hội Hàn Quốc. Cả hai ông Choi và Woo trong cuộc họp đều đeo ruy băng đen như một cử chỉ để tưởng niệm các nạn nhân, theo Yonhap.

Khi quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đến hiện trường vụ rơi máy bay của hãng Jeju Air, hôm 29/12, ông chỉ mới đảm nhiệm vị trí này chưa đầy 48 giờ. Ông Choi, người cũng là Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và Bộ trưởng Tài chính, đã trở thành lãnh đạo tạm thời của chính phủ Hàn Quốc vào tối 27/12 sau khi Tổng thống tạm quyền Han Duck-soo bị luận tội. Ông Han Duck-soo giữ chức Tổng thống tạm quyền kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bị luận tội và đình chỉ quyền lực vào ngày 14/12, sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn ngủi của ông hồi đầu tháng.

Mặc dù không thực sự có mối liên kết, vụ rơi máy bay xảy ra trong bối cảnh chính trị rối ren ở Hàn Quốc đang có nhiều tác động. Rõ ràng nhất là các đảng phái chính trị đối thủ tại nước này đã đưa ra các sáng kiến riêng biệt để ứng phó với thảm họa, dường như gạt bỏ sự thù địch của những tuần gần đây.

Tờ báo Hankyoreh đưa tin, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, Lee Jae-myung, đã đến Muan, nơi ông dự định ở lại lâu dài để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ. Trong khi đó, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm tập trung vào việc điều tra vụ tai nạn và hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Quyền lãnh đạo của đảng, Kweon Seong-dong, sẽ sớm đến thăm Muan trong tuần này cùng với các thành viên của lực lượng đặc nhiệm để “xem xét các biện pháp ứng phó và chiến lược phòng ngừa”, cũng như gặp gỡ các gia đình có người thân thiệt mạng.

Thảm họa ập đến khi vẫn còn đó loạt thách thức đối với lãnh đạo Hàn Quốc. Sự bất ổn chính trị lan sang cả Bộ Nội vụ, cơ quan điều phối quan trọng ứng phó với các tình huống như vụ rơi máy bay Jeju Air, hiện do một quyền bộ trưởng lãnh đạo sau khi người tiền nhiệm của ông từ chức vì vụ thiết quân luật. Ngoài việc ứng phó hậu quả và phục hồi sau thảm họa hàng không, quyền Tổng thống Choi còn phải đối mặt nhiều khó khăn khác: đồng tiền Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và gia tăng lo ngại về an ninh sau khi một số chỉ huy quân đội bị bắt vì cáo buộc liên quan đến kế hoạch thiết quân luật.

Trong một diễn biến khác, đơn vị điều tra chung của Hàn Quốc đã yêu cầu lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol, Reuters đưa tin. Kể từ khi bị tạm đình chỉ chức vụ, ông Yoon đã không đáp lại nhiều lệnh triệu tập thẩm vấn của cảnh sát và văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao, những bên đang cùng nhau điều tra xem tuyên bố thiết quân luật ngày 3/12 của ông có phải là hành vi nổi loạn hay không.

Đây là lần đầu tiên lệnh bắt giữ được đề xuất đối với một Tổng thống đương nhiệm ở Hàn Quốc. Đề xuất này đã được gửi lên một tòa án tại Seoul, nơi sẽ quyết định có nên ban hành lệnh bắt giữ hay không. Nổi loạn là một trong số ít tội danh mà Tổng thống Hàn Quốc không được miễn trừ. Yoon Kab-keun, luật sư của Tổng thống Yoon, nói với hãng tin Yonhap rằng cơ quan chống tham nhũng không có thẩm quyền điều tra các tội danh nổi loạn.

Cùng với đó, một phiên tòa của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đang diễn ra để xem xét liệu có nên phục chức cho ông Yoon hay cách chức ông vĩnh viễn. Tòa có 180 ngày để đưa ra quyết định. Hôm 27/12, tòa án đã tổ chức phiên điều trần chuẩn bị đầu tiên. Tòa án cho biết họ sẽ hành động nhanh chóng.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tham-kich-hang-khong-giua-con-bao-chinh-tri-tai-han-quoc-i755079/