Thầm lặng nghề công tác xã hội

Công việc nhiều hơn, đối tượng yếu thế tăng lên, nhưng nguồn lực làm công tác xã hội (CTXH) vẫn chưa đảm bảo, nhất là nhân lực kế thừa.

Nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh gánh trên vai nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề. Họ tiếp nhận chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, đây là những người bất hạnh, yếu thế trong xã hội. Không thể qua loa hay làm cho có, mà mỗi người luôn coi đây là những người thân của mình, coi trẻ như con của mình, vừa đóng vai trò là mẹ, là cô, mục tiêu giúp trẻ trưởng thành và là người công dân tốt cho xã hội. Còn đối với các cụ, nhân viên ở đây đóng vai trò là người con, người cháu chăm sóc người mẹ, người ông, người bà, lấy niềm vui của họ làm niềm vui của chính mình để phục vụ.

Công việc của các nhân viên ở đây bắt đầu từ 4 giờ sáng và thời gian kết thúc tùy thuộc vào công việc lẫn bệnh trạng của các đối tượng cần chăm sóc. Không chỉ đút từng muỗng cơm, hỗ trợ dọn vệ sinh cá nhân, tắm rửa... họ còn kiêm luôn vai trò "chuyên gia" tâm lý, trò chuyện và lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự vu vơ, những ký ức không tròn trịa. Cứ vậy, họ bị cuốn vào guồng công việc không ngơi tay, vất vả nhiều, nhưng chưa bao giờ họ bỏ cuộc hay than thở.

Nhân viên công tác xã hội thay phiên chăm sóc các cụ già.

Nhân viên công tác xã hội thay phiên chăm sóc các cụ già.

Anh Dương Văn An, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, đã gắn bó suốt 5 năm với công việc này nhưng chưa bao giờ thấy nụ cười vụt tắt trên môi anh. Bởi anh nghĩ đơn giản rằng, bản thân vui vẻ sẽ truyền được năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Anh An tâm sự: “Những cụ ở đây mắc nhiều căn bệnh mãn tính của người già, tiểu tiện bất tiện. Với các em nhỏ thì có một số em khuyết tật bẩm sinh không thể tự chăm sóc. Tất cả đều cần tôi cũng như các anh em. Mình nhìn thấy hoàn cảnh và mình thương, mỗi ngày chăm sóc lại vô hình tạo nên sợi dây kết nối đặc biệt. Tại trung tâm còn có một nhóm đối tượng đặc biệt, đó là các thương binh, vợ con liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng... họ đã từng cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của đất nước. Ðây là những người mà chúng ta phải tri ân, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn".

Từng là trẻ mồ côi được Trung tâm bảo bọc, khi trưởng thành, Nguyễn Kiều My nỗ lực học tập và trở về gắn bó với nơi đã nuôi dưỡng mình. Hiện chị là nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Chị My tâm sự: “Quá trình công tác gặp nhiều khó khăn, nhờ anh chị em ở đây đoàn kết, chưa bao giờ thấy buồn hay nản. Chúng tôi hiểu, những người lớn tuổi gặp nhiều bệnh mãn tính nên thay đổi thất thường về tâm sinh lý, còn trẻ khuyết tật nặng cũng nhiều vấn đề nảy sinh. Ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh... phải theo lịch trình, đòi hỏi người làm công tác xã hội phải có kỹ năng chăm sóc, phải hiểu tâm sinh lý của đối tượng để kết nối". Theo chị, làm việc ở đây phải được đào tạo và có kinh nghiệm, đồng thời phải có sự kết nối giữa các đồng nghiệp để hỗ trợ nhau.

Bên cạnh các cụ già, trẻ khuyết tật cũng là đối tượng được chăm sóc tại trung tâm.

Bên cạnh các cụ già, trẻ khuyết tật cũng là đối tượng được chăm sóc tại trung tâm.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cấp ngân sách. Nhân viên tại đây được trả lương theo quy định, ngoài ra còn được thêm các khoản phụ cấp đặc thù theo nghị quyết của HÐND tỉnh ban hành nhằm động viên, khích lệ anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài chính sách, chế độ được Ðảng, Nhà nước hỗ trợ, lãnh đạo Trung tâm cũng rất quan tâm đến nhân viên mình. Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết: "Chúng tôi xây dựng các chế độ, như nâng cao chất lượng bữa ăn cho anh em, thưởng vào các ngày lễ, Tết... Ngoài ra, còn xây dựng quy chế nghỉ phép, thưởng phép để anh em sắp xếp công việc gia đình, yên tâm làm việc".

Về lực lượng kế thừa, ông Tấn trần tình: “Chúng tôi tự đào tạo là chính. Anh em ở đây chỉ mới học xong cấp ba, chúng tôi tạo điều kiện cho họ vừa làm vừa học đại học ngành Công tác xã hội ở Ðồng Tháp, TP Hồ Chí Minh... Anh em cực lắm, vừa học vừa làm, có gia đình vẫn cố gắng học nâng cao tay nghề để được vào biên chế. Ðào tạo nghề đã khó, giữ người càng khó, thực tế đã có nhiều người chịu không nỗi áp lực phải bỏ cuộc. Ðây cũng là một vấn đề nhức nhối nhưng cảm thông được, bởi chúng ta chăm sóc người nhà còn khó, huống chi người có hoàn cảnh đặc biệt như thế”.

Bên cạnh Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, như cơ sở điều trị cai nghiện, tâm thần... cũng như các đơn vị liên quan đều có bố trí nhân sự làm công tác xã hội, bởi tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn tăng không ngừng. So với số lượng công việc và áp lực tăng mỗi ngày, đội ngũ làm công tác xã hội hiện nay quá mỏng. Mục tiêu của tỉnh Cà Mau đến năm 2030 là đẩy mạnh công tác xã hội tại các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn. Thế nên, rất cần tạo thêm nguồn nhân lực mạnh hơn, không chỉ là chất lượng nghề mà còn cần cái tâm để gắn bó với cái nghề tưởng đơn giản nhưng rất vất vả này./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tham-lang-nghe-cong-tac-xa-hoi-a38349.html