Tham vọng 10 tỷ USD của Bách Hóa Xanh
Xu hướng chuyển dịch từ chợ truyền thống sang mô hình siêu thị tiện lợi được Chủ tịch Thế giới Di Động kỳ vọng là 'chìa khóa' cho sự tăng trưởng của Bách Hóa Xanh, với kỳ vọng doanh thu 10 tỷ USD trước 2030. Tuy nhiên, sự phục hồi của bán lẻ chưa thực sự nổi bật và áp lực cạnh tranh không thấp có thể là yếu tố cản bước mục tiêu tham vọng này.
Tham vọng 10 tỷ USD của Bách Hóa Xanh
Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) vừa tổ chức buổi gặp mặt nhà đầu tư, công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 và những định hướng trong thời gian tới.
Năm 2024 doanh nghiệp này ghi nhận 134.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ. Lãi ròng đột biến 3.700 tỷ đồng, gấp hơn 21 lần. Riêng chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) thu về 41.100 tỷ đồng, tăng 30%. Tính tới cuối năm, chuỗi này sở hữu hơn 1.770 cửa hàng, bắt đầu tăng lại quy mô sau thời gian cấu trúc lại hoạt động.
Vừa có lãi trở lại sau thời gian tái cấu trúc, Bách Hóa Xanh cho biết đặt mục tiêu trở thành chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng đầu, doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030. 10 tỷ USD, tương đương hơn 250.000 tỷ đồng, sẽ gấp khoảng 6 lần quy mô doanh thu năm 2024 của chuỗi này.
Theo ông Vũ Đăng Linh - Giám đốc Tài chính MWG, 10 tỷ USD là con số lớn, nhưng không phải bất khả thi. Với quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng ở Việt Nam ước tính 50 - 60 tỷ USD, tham vọng của MWG là chiếm được thị phần khoảng 20% trong “miếng bánh này”.

Bách Hóa Xanh kỳ vọng doanh thu 10 tỷ USD trước 2030. Ảnh minh họa.
Định hình Bách Hóa Xanh như thế nào?
Từng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của MWG, sau sự thành công của hai chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy, nhưng cho tới 2023 - tức 7 năm liên tiếp từ khi thành lập - Bách Hóa Xanh liên tục báo lỗ. Cuối năm 2022, "hy vọng" của MWG buộc phải tái cơ cấu toàn diện để chuyển mình.
"Thời điểm này, chúng tôi có thể chia sẻ kế hoạch cho năm 2025, nhưng để nói trước cách thức triển khai đến năm 2027 hay xa hơn thì vẫn còn quá sớm, bởi thị trường liên tục biến động và cần sự linh hoạt" - Giám đốc tài chính MWG cho biết.
Thu hẹp quy mô hoạt động thông qua việc đóng cửa các cửa hàng yếu kém, đồng thời chú trọng hơn vào giá cả là những bước đi để Bách Hóa Xanh tìm lại chính mình.
Để đạt được kế hoạch tham vọng, theo dự tính của ban lãnh đạo MWG, Bách Hóa Xanh phải phát triển nhiều mô hình kinh doanh khác, kết hợp kênh online và offline.
Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), kênh bán lẻ hiện đại đang dần thay thế kênh truyền thống với thị phần gia tăng từ 19% năm 2018 lên 23% năm 2024 nhờ xu hướng tiêu dùng ngày càng đề cao tính tiện lợi và chất lượng. Theo Euromonitor, trong giai đoạn 2024 - 2028, tăng trưởng CAGR của kênh bán lẻ hiện đại được dự báo ở mức 9%/năm.
Theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG, làn sóng thay đổi này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các chuỗi bán lẻ hiện đại. "Vấn đề là ai tận dụng trọn vẹn được cơ hội từ sự dịch chuyển ấy" - ông Tài nói.
Thực tế, quá trình bùng nổ của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh từng cho thấy rõ một xu hướng: Khi thị trường từ kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ chuyển sang hệ thống bán lẻ quy mô, những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ đã vươn lên vượt trội.
"Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công" - Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG nêu quan điểm. "Điều đó cho thấy khác biệt không nằm ở việc ai nhận ra xu hướng trước, mà chính ở năng lực triển khai và chiếm lĩnh thị phần hiệu quả".

Ảnh minh họa.
Tham vọng không dễ dàng
Theo khảo sát người tiêu dùng của PwC năm 2024, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng từ việc giá cả thực phẩm, năng lượng, nhà ở và các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao, tác động đáng kể đến chi tiêu của họ.
Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh sự lan tỏa của khu vực sản xuất chưa thật sự mạnh mẽ, thu nhập người tiêu dùng chưa nhiều cải thiện, xu hướng thắt chặt tiêu dùng vẫn còn tiếp diễn.
"Sức mua trong nền kinh tế tương tự với tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, có sự hồi phục tuy nhiên tốc độ tương đối chậm" - nhóm phân tích từ Chứng khoán KB Việt Nam nhận xét.
"Chúng tôi sẽ bước vào năm 2025 với tâm thế cẩn trọng, nhưng vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội tăng trưởng" - Giám đốc tài chính MWG nêu quan điểm, thêm rằng biến động địa chính trị toàn cầu, chính sách kinh tế, lãi suất và tỷ giá đều là yếu tố khó lường, có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, việc tìm mô hình phù hợp và "sức nóng" cạnh tranh trong mảng bán lẻ cũng là yếu tố cần tính tới. Sự thành công trước đây của Thế giới Di Động với hai mô hình bán lẻ điện thoại và điện máy chịu sự cạnh tranh kém khốc liệt hơn, nếu so với hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Mô hình chợ truyền thông, tiểu thương vẫn chiếm một tỷ trọng nhất định trên thị trường. Trong khi đó, các đối thủ, như Winmart, Satrafoods, Coop Food, cũng được hậu thuẫn bởi một doanh nghiệp có tiềm lực.
WinCommerce (WCM) - công ty con của Masan vận hành chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Win - ghi nhận doanh thu tăng trưởng hai chữ số, nhờ các mô hình cửa hàng mới, gồm Win (thành thị) và WinMart+ Rural (nông thôn). Năm nay, chuỗi này dự kiến đẩy nhanh việc mở cửa hàng mới với 400-700 siêu thị mini, cùng chiến lược tập trung theo khu vực.
Với tốc độ mở rộng và đầu tư không kém cạnh, cuộc đua trên thị trường bán lẻ sẽ khốc liệt hơn với MWG, so với những thị trường trước đây mà doanh nghiệp này từng thành công./.