Thận trọng với các món ăn từ côn trùng

Những năm gần đây, các món ăn được chế biến từ côn trùng tự nhiên xuất hiện khá phổ biến ở các gia đình và là đặc sản để thu hút khách ở các nhà hàng. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm từ những món ăn này.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tuyên truyền người dân thực hiện 10 nguyên tắc vàng về an toàn thực phẩm.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tuyên truyền người dân thực hiện 10 nguyên tắc vàng về an toàn thực phẩm.

Các loại côn trùng chủ yếu là bọ xít, châu chấu, dế mèn, trứng kiến, ve sầu, nhộng ong, sâu chít... được chế biến thành thành các món rang, nấu, hấp; một số loại côn trùng được sử dụng để ăn sống hoặc ngâm rượu. Nguyên nhân dẫn đến ngô độc là do nhiều loại côn trùng giống nhau về hình dạng, nên người dân dễ nhầm lẫn giữa các loại côn trùng có độc và không có độc; côn trùng có nhiều protein lạ gây dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm, dẫn đến bị dị ứng khi ăn, khó thở và sốc phản vệ nếu không cấp cứu kịp thời. Người dân thường có tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn. Các vụ ngộ độc thực phẩm này thường xảy ra tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.

Ông Đặng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Chi cục đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, ý thức của người dân về việc lựa chọn và sử dụng các loại côn trùng. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại côn trùng không chắc chắn hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên làm thực phẩm. Trường hợp sau ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường, như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Châu chấu cũng là một món ăn khá phổ biến.

Châu chấu cũng là một món ăn khá phổ biến.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn 1.200 buổi nói chuyện cho trên 6.600 lượt người về các nội dung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó lồng ghép tuyên truyền về ngộ độ thực phẩm từ ăn côn trùng. Cung cấp gần 700 đĩa DVD truyền thông và phát hơn 2.400 lượt tin, bài tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn, nội dung chủ yếu về 10 nguyên tắc vàng an toàn thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm từ nấm, côn trùng; hướng dẫn lựa chọn, sản xuất, chế biến bảo quản thực phẩm an toàn...

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm từ ăn côn trùng. Theo đó, ngày 12/7, tại bản Lòng Hồ, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu, đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn bọ xít rang, làm 6 người bị ngộ độc, trong đó 3 người ngộ độc nhẹ được điều trị tại Trạm Y tế xã Tà Lại, 3 trường hợp nặng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên. Đến ngày 20/7, sức khỏe các bệnh nhân ổn định và xuất viện.

Ông Hà Văn Lung, bản Lòng Hồ, là một trong những người bị ngộ độc, cho biết: Loại bọ xít này do gia đình tôi bắt từ vườn nhà về chế biến. Sau 8 giờ sử dụng món ăn thì cả 6 người đều có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi. Sau lần ngộ độc này, gia đình tôi sẽ không bắt bọ xít về chế biến món ăn nữa và sẽ thận trọng hơn khi lựa chọn, chế biến các món ăn từ côn trùng.

Một số loại côn trùng có hàm lượng dinh dưỡng cao nên khi con người sử dụng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc chế biến món ăn từ côn trùng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, vì vậy, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/than-trong-voi-cac-mon-an-tu-con-trung-52247