Tháng Chạp ta về…

Đến rồi đi theo vòng quay của vũ trụ, vậy mà tháng Chạp vẫn lạ lẫm, vẫn xôn xao, vẫn rưng rưng trong cái lạnh buôn buốt... của những người con xa xứ. Tháng Chạp nhắc nhớ trong ta về một miền quê yên ả, người thân đang chờ đón, khơi gợi thẳm sâu ám ảnh cội nguồn...

Ảnh minh họa: Quốc Nhật

Theo chân tháng Chạp ta về với giấc ngủ ngắn ngủi bởi những lo toan khi Tết cận kề của mẹ cha tất tả ruộng đồng. Vụ cấy đông xuân với mùa đổ ải, làm mạ giống, cày, bừa rồi cấy nhộn nhịp. Thêm khoản rau Tết, hoa Tết cần bàn tay của mẹ cha chăm bẵm cho kịp những phiên chợ Tết cuối năm. Ruộng đồng những ngày tháng Chạp đông đúc như ngày hội. Tiếng cười đùa con người, tiếng trâu, bò gọi bạn, tiếng của những con chèo bẻo trên cành gạo tao tác hòa lẫn khúc nhạc xuân rộn ràng được nối từ những chiếc loa liên xóm trong xã. Tất cả đã tạo nên một âm thanh tháng Chạp rất riêng của quê nhà yêu dấu.

Theo chân tháng Chạp ta về với lối về tuổi thơ, nơi con đường dẫn vào thôn xóm hai bên đầy hoa xuyến chi nở rộ. Cỏ gà, cỏ mần trầu, cỏ may phơ phất trước gió đông ngọt ngào. Con đường làng đất đỏ duyên dáng, đáng yêu là nơi nâng bước chân ta từ lúc còn chập chững đến khi rời bước lên phố lập nghiệp mưu sinh. Ta tìm chút hoài niệm, ký ức thơ dại khi dạo chân trần lên bờ đê cỏ nội lạnh mát. Hình bóng của bản thân ta hai thập kỷ trước ùa về. Ngay tại nơi này, ta từng cùng đám bạn tóc vàng hoe thả diều trong buổi chiều tà. Bờ đê vẫn cao vút như thuở nào. Nhưng không còn những đàn trâu thong dong gặm cỏ, những khúc đồng dao ngày xưa cũng biến mất bay đi...

Theo chân tháng Chạp ta về với những ô ruộng xanh ngắt bạt ngàn rau cỏ. Ở đó có bóng dáng mẹ ta cặm cụi sớm hôm bên vuông cải bắp, vuông su hào, cà rốt... Rau Tết như một phần hồn của làng quê lối xóm. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ngoài trông chờ vào hai vụ lúa còn thêm vụ rau. Những đứa con đi xa, hồ hởi sung sướng về được sà vào vuông rau của mẹ, nâng niu từng cọng rau non tơ. Và trong thấp thoáng bóng dáng trên vuông rau là phiên chợ ngày mai tấp nập kẻ bán người mua... Cũng nhờ có rau mà cái Tết trọn vẹn hơn phần nào, lúc đó ta có áo mới, dép đẹp, đi trong ngày xuân phơi phới. Theo chân tháng Chạp ta về với mùa đổ ải của cha. Những đêm cha thức trắng đi dẫn nước vào ruộng. Tháng Chạp trời lạnh buốt, chân cha nẻ toác như ruộng vào mùa khô hanh, cha dùng cuốc vét khơi thông đường dẫn, những con nước ăm ắp về. Tháng Chạp là mùa cấy, người dân luôn dồn sức để hoàn thành trong năm. Với họ, tất cả phải hoàn thành trước Tết thì ăn Tết mới ngon, đỡ thấp thỏm, âu lo. Theo con nước, vài chú cua đồng bò lổm ngổm lối bờ bãi. Tự nhiên ta thương vô cùng năm tháng ấu thơ khổ cực, thương những ngọt ngào vô tư vô lo của đồng quê bát ngát...

Theo chân tháng Chạp ta về với phiên chợ Tết đầy mê hoặc. Tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê đều ao ước, mong chờ Tết sắp đến để được đi chợ. Đi chợ Tết với lũ con nít không vì mua bán mà chỉ để ngắm, để “thưởng thức” không khí nhộn nhịp. Chỗ kia là hàng quần áo bày la liệt, chỗ nọ là bán hoa quả, bán hương nhang, bánh trái. Chỗ khác, nơi góc chợ những trò chơi dân gian đang được diễn ra với người dẫn chương trình nghiệp dư nhưng cũng hấp dẫn không kém. Lúc về được cha mẹ mua cho quả bóng bay con thỏ, tấm áo mới, đôi dép đẹp mà lòng lâng lâng sung sướng...

Theo chân tháng Chạp ta về để thấy đường thời gian là muôn nẻo, thấy bản thân cần sống chậm lại, quan tâm hơn đến cha mẹ, người thân trong gia đình. Tháng Chạp là cả một khoảng lặng để ta nhìn nhận lại một năm qua, điểm lại được, mất trong đời và ta trưởng thành nhận ra qua bao nhiêu thăng trầm, mất mát, buồn vui thì cuộc sống vẫn vô tình, vẫn hồn nhiên trôi đi và mọi thứ rồi cũng sẽ qua... Dù ồn ào, hay lặng thầm một năm dài vất vả, thì tháng Chạp về cũng đủ để xóa nhòa đi những vui, buồn. Ta dọn lòng mình, khép lại năm cũ, đón chào năm mới với bao nhiêu điều tốt đẹp...

Đào Thanh Tùng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoc-nghe-thuat-hung-yen/202301/thang-chap-ta-ve-4fb0c98/