Tháng Tư, nhớ mãi Trường Sa!

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được đặt chân đến Trường Sa trong chuyến công tác kéo dài bảy ngày - hành trình đến với phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Dù lịch trình dày đặc, nắng gió khắc nghiệt, đôi lúc khiến ai nấy mệt nhoài, chuyến đi để lại trong mỗi người những xúc cảm sâu sắc và khó quên.

Đoàn công tác số 13 – “chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc” tại cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn công tác số 13 – “chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc” tại cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Châu)

Khi được Tòa soạn phân công tham gia chuyến công tác đến Trường Sa do Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, tôi mang tâm trạng vừa háo hức vừa xen lẫn chút lo âu. Háo hức vì lần đầu được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng cũng không khỏi băn khoăn liệu có đủ sức khỏe để thích nghi với “đặc sản” nắng gió khắc nghiệt nơi đầu sóng.

Thật may mắn, những ngày tháng Tư biển lặng, sóng êm, dù nắng đã bắt đầu gay gắt. Đoàn công tác số 13 của chúng tôi khởi hành từ Đà Nẵng ngày 20/4 trên tàu kiểm ngư KN390, bắt đầu hành trình thăm hỏi, giao lưu và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhà giàn DK1/8 Quế Đường trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Chuyến tàu lần này mang tên “Chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc”, quy tụ 160 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị. Đặc biệt có sự tham gia của 17 đại biểu Quốc hội khóa XV, 67 kiều bào từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 4 ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau ba hồi còi hú rền vang, tàu KN390 chào đất liền, cắt ngang sóng ra khơi, bắt đầu chuyến hải trình kéo dài một tuần (20-26/4) thăm sáu đảo (Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Tây A, Trường Sa) và một nhà giàn.

Đưa trái tim xa quê gần hơn với cội nguồn dân tộc

Với những người con từ đất liền như chúng tôi, hành trình ra Trường Sa đã là một chuyến đi thiêng liêng và đầy cảm xúc. Nhưng với kiều bào xa quê nhiều năm, “chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc” không chỉ đưa họ đến với biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mà còn là hành trình trở về bằng cả trái tim – trở về gần hơn với cội nguồn dân tộc, với đất mẹ thân yêu.

Cùng chung cảm xúc với rất nhiều người con xa xứ, chị Hoài Thương – Chủ tịch Trường Cộng đồng Việt ngữ Cây tre Osaka, Hiệp hội người Việt tại Kansai (Nhật Bản) không khỏi xúc động và tự hào khi vừa đặt chân đến nơi tiền tiêu của Tổ quốc. “Tận mắt chứng kiến cuộc sống, hoạt động công tác, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi càng thấm thía hơn hai chữ Tổ quốc.

Không chỉ là một địa danh, mà đó là máu thịt, là trách nhiệm, là tình yêu không điều kiện”. Với chị Hoài Thương, chuyến đi cũng là “hành trình của cảm xúc, của tinh thần đoàn kết dân tộc” và chị “sẽ mang hình ảnh Trường Sa kiên cường, nhà giàn DK1 bất khuất và những chiến sĩ anh hùng lan tỏa tới cộng đồng quốc tế, tới thế hệ trẻ người Việt đang lớn lên nơi đất khách”.

Dù tuổi đã cao nhưng cô Nguyễn Thị Ngân (65 tuổi), ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ vẫn xung phong tham gia đoàn công tác lần này vì sợ “không biết còn dịp nào để ra với các chiến sĩ”.

Cô kể: “Trước chuyến đi, nhiều bạn bè ái ngại khuyên cô nên cân nhắc vì địa lý xa xôi, cô lại lớn tuổi, rồi hay bị say sóng. Điều kỳ diệu là khi đặt chân lên tàu, mọi mệt mỏi lo âu đã dần tan biến, thay vào đó là niềm vui và sự háo hức. Sau chuyến đi lần này, cô muốn gửi lời kêu gọi cộng đồng chị em phụ nữ đang sinh sống tại Vương quốc Bỉ nói riêng và toàn châu Âu nói chung hãy đến với Trường Sa. Trường Sa là máu thịt của Việt Nam và kiều bào sẽ luôn là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”.

Sau “nhân duyên” tham dự chương trình Xuân Quê hương đầu năm nay, trở thành một thành viên của đoàn công tác số 13 tới Trường Sa vào giữa những ngày tháng Tư lịch sử khi cả nước hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) được thầy Thích Pháp Quang - Trụ trì tại Thiền viện Trúc Lâm Kandy (Sri Lanka) ví như “nhân duyên nối tiếp nhân duyên”.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Thích Pháp Quang cho biết: “Trước khi đến đây, thầy đã được nghe nhiều câu chuyện về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nếu như Ấn Độ là vùng đất tâm linh của các Phật tử khắp nơi trên thế giới, ai cũng muốn một lần đặt chân đến thì đối với thầy, Trường Sa chính là nơi tâm linh của những người con Việt Nam với tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc”.

Màu xanh của cuộc sống

Chuyến công tác lần này cũng là lần đầu tiên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên đến với Trường Sa. Chuyến đi thêm phần ý nghĩa khi được cùng Ủy ban đưa đoàn kiều bào về với nơi tiền tiêu của Tổ quốc trong “bầu không khí cả nước đang chuyển mình, với cuộc vươn mình thách thức nhưng cũng đầy triển vọng”. Nhiều kiều bào có dịp quay trở lại Trường Sa sau nhiều năm đã thực sự ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của Trường Sa về tổ chức, cơ sở hạ tầng, sự phát triển của các công trình nhưng đặc biệt là màu xanh của cuộc sống.

Tại đảo Đá Tây A, hình ảnh màu xanh cây lá hiện ra giữa trùng khơi khiến nhiều người trong đoàn xúc động. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, “đó là màu xanh của sự sống – thành quả từ sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân và sự chung tay của đồng bào cả nước”.

Ông khẳng định Trường Sa không chỉ là tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc, mà còn là nơi sinh sống, nơi có tiếng cười trẻ thơ, nơi sẽ phát triển các dịch vụ kinh tế biển – hiện thân của khát vọng vươn ra đại dương. “Chúng ta có hơn 300.000km² đất liền nhưng sở hữu tới ba triệu km² biển. Những nỗ lực hôm nay ở Trường Sa sẽ đặt nền móng để các thế hệ mai sau vươn xa, hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc biển,” ông nhấn mạnh.

Đoàn kiều bào xếp hình sao vàng năm cánh trên boong tàu KN390. (Ảnh: Hồng Châu)

Đoàn kiều bào xếp hình sao vàng năm cánh trên boong tàu KN390. (Ảnh: Hồng Châu)

“Biển này là của ta, đảo này là của ta”

Âm nhạc luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi chuyến công tác từ đất liền đến nơi đảo xa. Giữa sóng và gió khơi xa, âm nhạc, giai điệu của những lời ca, tiếng hát là sợi dây gắn kết người ở hậu phương với các chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Góp mặt trong đoàn nghệ sĩ lần này, chị Trần Thị Thùy Phương, giáo viên âm nhạc trường THCS Phan Sào Nam, thành phố Huế. Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi gắm cảm xúc vinh dự và tự hào thành lời ca chỉ trong một đêm sau khi tàu ghé thăm đảo Sinh Tồn. Cùng với nhạc sĩ Xuân Minh, ca khúc Trường Sa miền nhớ do chị Thùy Phương sáng tác đã được hòa âm, phối khí, quay MV ngay trên tàu và được chị biểu diễn trong những buổi giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ tại các đảo Đá Tây A, Cô Lin, Trường Sa.

“Chuyến đi không dài, nhưng đủ để lòng tôi lặng đi trước bao điều lớn lao, bình dị. Tôi đã khóc và vô cùng xúc động khi lắng nghe tâm sự của những người lính trẻ nơi hải đảo xa xôi, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, gia đình của họ”, chị Thùy Phương chia sẻ. Những tình cảm đó đã truyền cảm hứng cho chị viết nên ca khúc Trường Sa miền nhớ và quyết định hát tặng các chiến sĩ ngay trong chuyến đi. Và chắc chắn sau hải trình này, chị sẽ có thêm nhiều ca khúc về Trường Sa và đề tài biển đảo...

Không chỉ có Trường Sa miền nhớ, nhiều ca khúc như Trường Sa mãi trong tim (nhạc sĩ Xuân Minh), Tự hào người lính đảo (nhạc sĩ Trần Mạnh Cường), Trường Sa - Xa mà gần (nhạc sĩ Đoàn Phương Hải), Tình yêu người lính (nhạc sĩ Võ Đình Nam) cũng được các nhạc sĩ, ca sĩ sáng tác và dàn dựng ngay trong dịp này để kịp thời mang lời ca tiếng hát đến với các chiến sĩ. Giữa thanh âm của sóng và gió biển, bên cạnh những giây phút chào cờ nghiêm trang, trầm mặc dưới lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, những buổi giao lưu văn nghệ mang đến không khí rộn ràng, tươi vui, giúp gắn kết tình quân dân nơi đất liền và hải đảo.

Trong suốt chuyến hải trình bảy ngày lênh đênh trên biển, ca khúc Khúc quân ca Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Bổng thường được những chiến sĩ đảo Trường Sa hát vang trước biển trời bao la cũng dần trở thành ca khúc quen thuộc trên “chuyến tàu Đại đoàn kết dân tộc”. Hầu như ở sự kiện nào, từ giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ cho đến những bữa ăn trên boong tàu, hòa cùng tiếng sóng biển, những lời ca, giai điệu của Khúc quân ca Trường Sa luôn vang lên hào hứng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ…”.

Lời bài hát được chuyền tay nhau cứ thế vang lên ở khắp nơi – từ phòng ngủ, hành lang đến boong tàu. Những buổi chiều sau một ngày hoạt động “hết công suất” trên đảo, sáu chị em cùng phòng tôi lại rủ nhau tập hát, chia bè đầy hứng khởi. Có khi vừa cất tiếng, phòng bên cạnh cũng hòa nhịp theo, cả tàu rộn ràng tiếng cười, ánh mắt ai nấy đều ánh lên niềm vui...

Chuyến công tác kéo dài một tuần khép lại, nhưng những kỷ niệm về hành trình đặc biệt ấy vẫn neo lại trong lòng mỗi người, từ đó khắc ghi hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”.

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-tu-nho-mai-truong-sa-313737.html