Nông thôn chuyển mình: Du lịch xanh và bài toán phát triển bền vững
Hội nghị Xúc tiến – Kết nối du lịch huyện Long Mỹ diễn ra vào sáng ngày 9/5/2025 đã gióng lên hồi chuông khai mở, thôi thúc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân địa phương mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp và cộng đồng.

Tháng Năm về, phượng vỹ đỏ ối suốt con đường quê, hai bên là những vườn mãng cầu xiêm ngút ngàn xanh ngát.

Bên những vườn cây ăn trái trĩu cành ngon ngọt, du khách trải nghiệm hái những mãng cầu xiêm căng tròn, mọng nước.

Nơi đây, Long Mỹ - Hậu Giang, vùng đất bình dị với những tiềm năng du lịch độc đáo đang ấp ủ khát vọng chuyển mình mạnh mẽ.
Thông điệp mạnh mẽ từ ông Lê Phước Chí - Trưởng phòng Văn hóa Khoa học và Thông tin huyện đã khẳng định quyết tâm khai thác triệt để giá trị bản sắc riêng, kiến tạo một tương lai du lịch xanh, bền vững, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng quê này.

Hội nghị Xúc tiến – Kết nối du lịch huyện Long Mỹ, Hậu Giang diễn ra vào sáng ngày 9/5/2025.
Nằm nép mình giữa những cánh đồng lúa xanh mướt của tỉnh Hậu Giang, Long Mỹ hiện lên như một bức tranh nông thôn yên bình. Với diện tích tự nhiên hơn 25.000 ha và dân số hơn 77.000 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ đáng kể (11,86%).
Long Mỹ mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên đặc sắc, đang chờ đợi được khám phá và lan tỏa. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức đáng lưu tâm.
Nhận thức rõ tiềm năng và những thách thức đặt ra, huyện Long Mỹ đã chủ động tìm kiếm những hướng đi mới, trong đó du lịch được xác định là một mũi nhọn quan trọng.

Việc Tổ chức Hội nghị chuyên đề lần này hết sức có ý nghĩa góp phần cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn tiếp cận tốt và sẳn sàng hơn để tham gia làm du lịch.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Phước Chí nhấn mạnh: "Trong nhiều năm qua, huyện đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đời sống người dân, và phát triển du lịch theo định hướng nông nghiệp, cộng đồng, khai thác các giá trị địa lý, lịch sử, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là một trong những giải pháp then chốt”.
Hội nghị lần này không chỉ cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản lý và doanh nghiệp, mà còn khơi dậy nhận thức và sự sẵn sàng tham gia làm du lịch trong cộng đồng, hướng tới một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho du lịch Long Mỹ.

Tại hội nghị, các diễn giả đã tập trung thảo luận về những yếu tố then chốt để phát triển du lịch Long Mỹ một cách bền vững.
Bản Sắc Địa Phương – Chìa khóa vàng phát triển du lịch bền vững
Một trong những chủ đề được đặc biệt quan tâm là khai thác giá trị riêng từ văn hóa và tự nhiên đặc sắc. Long Mỹ không chỉ sở hữu những cánh đồng trù phú, những vườn cây trái ngọt lành, mà còn là nơi giao thoa văn hóa của cộng đồng người Kinh và Khmer, tạo nên một bản sắc đa dạng và độc đáo.

Để du lịch cộng đồng Long Mỹ thật sự trở thành điểm nhấn riêng có của du lịch Hậu Giang và sau này là du lịch Cần Thơ, cần có các giải pháp đồng bộ.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty TNHH TVTT&SK Cánh Cam, đã có bài trình bày sâu sắc về "Phát triển du lịch cộng đồng - Tạo điểm nhấn riêng có của du lịch Long Mỹ". Bà nhấn mạnh rằng, du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, mà còn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những trải nghiệm chân thực và gần gũi cho du khách.
Theo bà Phan Yến Ly, phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân tại điểm du lịch thông qua làm các dịch vụ phục vụ du khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương.

Mâm cỗ thịnh soạn hiếm nơi nào có được với các món ngon độc đáo được chế biến từ trái cây đặc sản - mãng cầu xiêm xứ Long Mỹ.
Bà Yến Ly cũng nêu dẫn chứng rằng, hiện nay, nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã và đang quan tâm, chuẩn bị và đầu tư để phát triển mô hình du lịch cộng đồng như Bến Tre, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau,... Nhưng hầu như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khá ít mô hình du lịch cộng đồng nào đạt chuẩn.
Do đó, để du lịch cộng đồng Long Mỹ thật sự trở thành điểm nhấn riêng có của du lịch Hậu Giang và sau này là du lịch Cần Thơ, cần có các giải pháp đồng bộ như:
- Cần nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về du lịch cộng đồng và sự gìn gữ các giá trị truyền thống. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương
- Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và các sản phẩm làng nghề đặc trưng của địa phương trong đó nhấn mạnh bản sắc văn hóa địa phương; khai thác giá trị con người, nếp sinh hoạt và ẩm thực huyện Long Mỹ
- Thu hút các nguồn lực xã hội hóa bên cạnh việc đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời từ ngân sách nhà nước
- Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
- Liên kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm làng nghề để xây dựng các tour tuyến hấp dẫn du khách...

Phát triển dựa trên sự tham gia của cộng đồng: Chìa khóa thành công là huy động sự tham gia tự nguyện và tích cực của người dân địa phương vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.
Cùng nhận định, Ths. Đoàn Phương - Phó Giám đốc Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Lữ Hành Chim Cánh Cụt, với góc nhìn của một đơn vị lữ hành, đã đưa ra những nhận định và góp ý thiết thực về "Phát triển các sản phẩm du lịch tại huyện Long Mỹ".
Theo Ths. Đoàn Phương, Huyện Long Mỹ đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển du lịch theo hướng bền vững và khác biệt. Với sự đầu tư đúng hướng, chiến lược phù hợp và đặc biệt là sự chung tay, đồng lòng của Doanh nghiệp - Chính quyền - Cộng đồng, du lịch Long Mỹ hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch ĐBSCL.
Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và và những trải nghiệm khó quên cho du khách, đặc biệt là khẳng định “Rồng Đẹp” và "Huyện Long Mỹ - Vị ngọt thanh bình" trong định vị thương hiệu du lịch.

Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc khám phá vẻ đẹp nông thôn, du khách có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như thu hoạch nông sản.
Từ góc độ của một doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi nhận thấy huyện Long Mỹ có thể phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, tập trung vào trải nghiệm và khám phá nét đẹp bình dị, gần gũi với thiên nhiên, cụ thể như sau: Du lịch Sinh thái, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Văn hóa, Du lịch Cộng đồng.
Trong đó yếu tố du lịch cộng đồng được đánh giá là loại hình du lịch có tiềm năng lớn tại Huyện Long Mỹ, tích hợp các yếu tố sinh thái, nông nghiệp và văn hóa, đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương.
Truyền thông - Cánh tay nối dài để định vị và lan tỏa giá trị điểm đến
Để du lịch Long Mỹ thực sự "cất cánh", việc quảng bá hình ảnh và giá trị của địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. ThS. Nguyễn Thị Hồng Ly, giảng viên Đại học Văn Lang, đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về "Đồng bộ truyền thông đa kênh – Nâng tầm giá trị điểm đến huyện Long Mỹ".

Truyền thông đồng bộ - Nâng tầm vị thế điểm đến Long Mỹ, địa phương cần có cách tiếp cận mới trong truyền thông, nơi người dân là chủ thể kể chuyện, du khách là người đồng hành sáng tạo và nền tảng số là công cụ lan tỏa mạnh mẽ.
Truyền thông trở thành cánh tay nối dài quan trọng giúp định vị và lan tỏa giá trị điểm đến, tạo ra kết nối hiệu quả giữa địa phương với du khách, nhà đầu tư và cộng đồng. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, truyền thông giữ vai trò dẫn dắt nhận thức, cảm xúc và quyết định hành vi trải nghiệm của du khách.
Trong đó cần phải triển khai đồng bộ truyền thông đa kê bằng cách sử dụng cùng lúc nhiều nền tảng, công cụ và phương tiện để tiếp cận khách hàng ở mọi điểm chạm: từ truyền thống (pano, báo in, truyền hình) đến hiện đại (Facebook, TikTok, YouTube, Instagram, website, app du lịch, email marketing...).
Điều cốt lõi của chiến lược này là tính kết nối và nhất quán về thông điệp, hình ảnh, cảm xúc trên tất cả các kênh, nhằm tạo ra trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt trong tâm trí du khách.

Trong khuôn khổ hội nghị, Phòng VH, KH&TT H.Long Mỹ đã tổ chức chuyến Famtrip "Huyện Long Mỹ - Vị ngọt thanh bình" trong hai ngày 8 và 9/5.
Dịp này, đoàn đã ghé thăm Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ, một địa điểm mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa. Tiếp đó, đoàn đã đến với làng mãng cầu gai Thuận Hòa, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những vườn mãng cầu xanh mướt và thưởng thức hương vị đặc trưng của loại trái cây này.

Famtrip "Vị Ngọt Thanh Bình" – chuyến hành trình tham quan các điểm đến tại H.Long Mỹ đã đem lại nhiều trải nghiệm đầy cảm xúc.

Những sản phẩm từ những cây cỏ bình dị, qua bàn tay khéo léo cửa các “nghệ nhân nông dân” đã tạo tác thành các sản phẩm xuất khẩu độc đáo.
Một trải nghiệm độc đáo và thú vị trong chuyến famtrip là buổi giao lưu cùng "Vua Trâu" Hồng Ngự, cùng nhiều cậu chuyện độc đáo đậm nét văn hóa đặc sắc của vùng nông thôn Nam Bộ. Đoàn cũng đã có dịp ghé đến Ecoka tham quan mô hình đan giỏ lục bình, một nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn của vùng đất miền sông nước.

Chuyến đi đã tạo cơ hội cho các chuyên gia du lịch, công ty lữ hành và đại diện báo đài trực tiếp trải nghiệm những tiềm năng du lịch của huyện.

Việc kết nối các điểm đến, tạo ra các tour du lịch hấp dẫn và có tính trải nghiệm cao sẽ là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân du khách.
Cuối cùng, chuyến đi đã đưa đoàn đến với chùa Pô Thi Vongsa, một ngôi chùa Khmer cổ kính với kiến trúc mang đậm phong cách Phật giao Nam tông độc đáo. Nơi đây, du khách được thưởng thức nghệ thuật hát a-day, một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mang đậm bản sắc văn hóa Khmer.

Hát a-day mang một âm hưởng riêng biệt, vừa trang trọng, vừa da diết, dù không hiểu hết những ca từ nhưng tôi cảm nhận được như đó lời tâm sự da diết về cuộc sống của người dân Khmer nơi đây.
Lưu lại những dòng cảm xúc lắng đọng trên trang cá nhân mình, Nhà báo Dương Thủy xúc động viết: “Đặt chân đến khuôn viên thanh tịnh của chùa Pô Thi Vongsa vào một buổi chiều tháng Năm nắng vàng dịu nhẹ, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kiến trúc Khmer cổ kính, uy nghiêm mà vẫn gần gũi.
Nhưng điều khiến trái tim tôi rung động thực sự lại đến từ những thanh âm ngân nga, trầm bổng, đầy mê hoặc của giai điệu Nghệ thuật hát a-day, một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đang được cất lên giữa không gian linh thiêng này".