Thanh âm giữa đại ngàn Trường Sơn - Kỳ 2: Khi văn hóa trở thành cầu nối du lịch
Văn hóa không chỉ là di sản mà còn là động lực phát triển du lịch. Dân ca, lễ hội truyền thống được đưa vào hoạt động du lịch sẽ vừa được gìn giữ bản sắc vừa tạo sinh kế cho cộng đồng, mở ra hướng phát triển bền vững.


Dưới màn đêm vùng cao, chúng tôi dừng lại ở homestay Hương Danh (A Roàng, A Lưới) sau chặng đường dài di chuyển từ trung tâm huyện. Ngay trước sân nhà sàn, ánh lửa bập bùng soi rõ những bóng người đang xếp thành vòng tròn, hòa mình vào tiếng cồng chiêng, tiếng khèn réo rắt. Những thiếu nữ Tà Ôi trong trang phục truyền thống nhịp nhàng múa giã gạo, trong khi những chàng trai vừa đánh trống, vừa cất lên câu hát giao duyên ngọt lịm.
Đón khách ngay cổng, Viên Đăng Phú - chàng trai 8X, chủ homestay, cười rạng rỡ: “Các bạn đến thật đúng lúc. Đêm nay là một buổi giao lưu đặc biệt, mời các bạn cùng hòa vào không gian của người Tà Ôi nhé!”.
Bên bếp lửa bập bùng, Phú kể câu chuyện dài về hành trình đưa văn hóa truyền thống vào du lịch. Sinh ra trong một gia đình Tà Ôi gắn bó với núi rừng, Phú thấm nhuần từng làn điệu dân ca, từng nhịp trống, cồng chiêng ngay từ nhỏ. Khi lớn lên, anh trăn trở làm sao để những giá trị ấy không bị lãng quên, đồng thời giúp đồng bào có nguồn thu nhập bền vững. Từ suy nghĩ đó, anh tiên phong tổ chức các hoạt động trải nghiệm, biến chính ngôi nhà của mình thành một không gian mở để du khách có thể sống giữa văn hóa bản địa.

Mỗi tối, khoảng 20 người dân trong xã đến đây biểu diễn. Họ hát giao duyên, đối đáp, nhảy múa theo nhịp trống, tạo nên một lễ hội thu nhỏ ngay giữa núi rừng. Ngoài biểu diễn các tiết mục văn nghệ, Phú còn tái hiện những nghi lễ truyền thống như lễ Mừng lúa mới, Cúng dâng zèng hay đám cưới người Tà Ôi - nơi mà dân ca, dân nhạc, dân vũ hòa quyện với đời sống tâm linh của đồng bào. “Mình muốn du khách không chỉ xem để giải trí, mà còn thực sự cảm nhận được văn hóa của dân tộc mình”, Phú chia sẻ.
Tham gia biểu diễn đêm nay có bà Kăn Ngoan, 63 tuổi, một trong những người gắn bó lâu năm với hoạt động này. Bà Kăn Ngoan chia sẻ: “Trước kia, hát giao duyên hay múa giã gạo chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội, nhưng giờ đây, chúng tôi có cơ hội thể hiện những giá trị truyền thống của mình mỗi ngày. Tôi thấy vui lắm, vì vừa giữ được văn hóa, vừa có thêm thu nhập”. Nhờ mô hình này, nhiều người trẻ trong làng bắt đầu quay lại với dân ca, dân vũ, không còn e dè khi hát những giai điệu của cha ông.

Điều đặc biệt là du khách vừa được thưởng thức những tiết mục biểu diễn, vừa được hòa mình vào các điệu múa, các lễ hội được tái hiện tại nơi đây. Anh George Harrison, 27 tuổi, du khách người Anh bày tỏ: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ngồi giữa đại ngàn Trường Sơn, lắng nghe những bài hát truyền thống của người Tà Ôi. Cảm giác ấy rất đặc biệt, như thể tôi được trở thành một phần của cộng đồng nơi đây”.
Không ít du khách sau khi đến đây đã thử học một điệu múa, một bài hát dân gian. Có người còn cùng bà con dệt zèng, tham gia vào bữa cơm truyền thống, nơi mà câu chuyện về văn hóa được truyền đi một cách tự nhiên nhất. Sự tương tác gần gũi này khiến họ thêm yêu mến và trân trọng những giá trị bản địa.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, đánh giá cao mô hình của Phú: “Du lịch cộng đồng tại xã A Roàng là hướng đi rất ý nghĩa. Nhờ những người trẻ như Phú mà văn hóa dân gian được lưu truyền và phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là cách để người dân sống được với chính bản sắc của mình”.
“Để những mô hình như thế này phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ trong việc đào tạo, quảng bá và nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi văn hóa trở thành một phần của sinh kế, cộng đồng sẽ có động lực gìn giữ lâu dài”, bà Thêm cho hay.
Một buổi giao lưu văn nghệ của khách du lịch cùng đồng bào Tà Ôi, xã A Roàng. Clip: Bạch Châu
Huyện A Lưới cũng đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống như A Da Koonh, A Riêu Ca, A Riêu Piing, Mừng lúa mới, Âr Pục, Ân Ninh, Cúng dâng zèng… Các lễ hội không chỉ được phục dựng mà còn lồng ghép những hoạt động trải nghiệm dành cho du khách, từ học chơi những nhạc cụ dân tộc, thử múa điệu truyền thống đến tham gia các phiên chợ vùng cao với những tiết mục dân ca, dân nhạc, dân vũ đặc sắc. Cuối tháng 3 năm 2025, huyện A Lưới tổ chức chương trình Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới” với nhiều hoạt động đặc sắc, nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2025 do TP. Huế đăng cai tổ chức.
Huyện cũng tổ chức mở lớp truyền dạy chương trình văn nghệ dân gian cho các điểm du lịch cộng đồng A Roàng 2, xã A Roàng; A Nôr xã Hồng Kim, thị trấn A Lưới, thôn Pa Ris - Ca vin xã Lâm Đớt… tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị riêng có của mỗi dân tộc mỗi vùng miền trên địa bàn huyện và được khách du lịch đánh giá cao.

Ông Hồ Đàm Giang, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhận định: “Việc khôi phục, phục dựng các lễ hội đã giúp người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, mở ra hướng phát triển kinh tế thông qua du lịch cộng đồng. Những phiên chợ vùng cao kết hợp trình diễn nghệ thuật dân gian thu hút sự quan tâm lớn từ du khách trong và ngoài nước, tạo động lực để người dân gắn bó với văn hóa của mình”.


Nhắc đến Phú Lộc - một huyện miền núi phía nam thành phố Huế, là nhắc tới một nơi không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Tuy nhiên, việc đưa các giá trị này vào phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc bảo tồn và truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ. "Những hoạt động này vẫn chủ yếu dựa vào trí nhớ và phương thức truyền miệng của các nghệ nhân lớn tuổi. Các thể loại dân ca, nhạc cụ truyền thống, truyện cổ, ca dao, tục ngữ chưa được tư liệu hóa một cách bài bản. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc gìn giữ trong cộng đồng, chưa có một hệ thống lưu trữ dữ liệu để thế hệ sau có thể tiếp cận dễ dàng”, ông Hồ bày tỏ.
Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều người trẻ Cơ Tu rời làng đi làm ăn xa, khiến việc kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống bị hạn chế đáng kể. “Hiện này, huyện Phú Lộc chưa có nghệ nhân nào được công nhận chính thức, dù có nhiều người am hiểu và có khả năng truyền dạy. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian trong điều kiện hiện nay”, ông Hồ cho hay.

Một trở ngại khác là quy mô tổ chức các lễ hội vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo được sức hút mạnh mẽ với du khách. Dù một số lễ hội như lễ hội Mừng lúa mới, lễ hội truyền thống tại thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) đã được duy trì, nhưng chưa có định hướng phát triển dài hạn để kết nối với các tour du lịch sinh thái, cộng đồng.
Già làng Vường Văn Cưa, ở xã Thượng Lộ, người đã gắn bó cả đời với những làn điệu dân ca Cơ Tu, trăn trở: “Ngày xưa, tiếng hát, tiếng chiêng vang lên mỗi ngày trong làng. Giờ đây, lớp trẻ không còn nhiều người biết hết những điệu hát cổ. Nếu không có cách gì để truyền lại, e rằng vài chục năm nữa, những thanh âm này sẽ biến mất”.
Nghệ nhân Đoàn Văn Đông ở xã Thượng Long, một trong những người trực tiếp tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống, cũng bày tỏ lo lắng: “Tôi đã dạy nhiều lớp về dân ca, dân nhạc cho thanh niên trong làng, nhưng không phải ai cũng theo học đến cùng. Cuộc sống khó khăn khiến họ phải ưu tiên công việc kiếm sống hơn là dành thời gian học hát hay đánh cồng chiêng. Nếu có hỗ trợ từ chính quyền, tôi tin sẽ có nhiều người trẻ quay lại với văn hóa của mình”.
Trước thực trạng đó, huyện Phú Lộc đã đưa ra nhiều kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian gắn với du lịch. Một trong những hướng đi quan trọng là mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Phú Lộc cũng đang xây dựng kế hoạch tư liệu hóa các loại hình nghệ thuật dân gian, phối hợp với các nghệ nhân dân gian để ghi lại những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, tạo thành kho dữ liệu số giúp bảo tồn lâu dài.
Về phát triển du lịch, huyện đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ. “Bản Dỗi là nơi đã có chương trình đào tạo bài bản về dân ca, dân nhạc, dân vũ phục vụ du lịch. Mô hình này đang được du khách yêu thích và là tiền đề để nhân rộng ra các khu vực khác”, ông Hồ chia sẻ.

Việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách cũng được huyện cân nhắc triển khai định kỳ. Hướng đi này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn tạo ra thu nhập ổn định cho các nghệ nhân và cộng đồng địa phương.
Thời gian tới, Phú Lộc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Thực hiện các đề án như “Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu giai đoạn 2021 - 2025”, “Phát triển văn hóa du lịch giai đoạn 2021 - 2025” là bước đi quan trọng nhằm kết hợp giữa bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cho du lịch.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, kết nối các điểm đến văn hóa với du lịch sinh thái cũng được xem là chiến lược quan trọng. Khi văn hóa trở thành một phần của du lịch, vừa bảo tồn được giá trị truyền thống vừa giúp người dân địa phương có thêm sinh kế, phát triển kinh tế bền vững.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những định hướng đúng đắn, huyện Phú Lộc hoàn toàn có thể biến văn hóa dân gian trở thành một tài nguyên quý giá, giữ gìn bản sắc. Đồng thời, tạo đà cho sự phát triển của du lịch miền núi trong tương lai.
