Thành Cổ Quảng Trị 1972 - cuộc chiến không khoan nhượng

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2025, đất trời Quảng Trị vẫn 'sụt sùi' bởi đợt lạnh cuối mùa và những cơn mưa rả rích. Khu vực Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị càng trở nên linh thiêng. Nơi đó, máu đào của hàng nghìn người con đất Việt vẫn còn nằm lại trong lòng đất mẹ, như hóa thân vào từng gốc cây, ngọn cỏ. Câu chuyện về cuộc chiến không khoan nhượng để bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị cứ thế mở ra theo từng bước chân và giọng nói truyền cảm đến lay động lương tri của cô hướng dẫn viên trẻ...

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Một góc thị xã Quảng Trị nhìn từ trên cao, với dòng sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm đầy bi tráng. Ảnh: Linh Trường

Một góc thị xã Quảng Trị nhìn từ trên cao, với dòng sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm đầy bi tráng. Ảnh: Linh Trường

Thành Cổ Quảng Trị được gọi là “nghĩa trang không nấm mồ”. Nơi đây chỉ có một nấm mồ chung chính là một ngôi mộ tập thể. Các anh, chị hy sinh, nhưng hình hài đa phần không còn được nguyên vẹn bởi bom đạn mà Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã điên cuồng trút xuống mảnh đất thị xã Quảng Trị trong cuộc chiến năm 1972. Đến giờ, mỗi lần nhắc đến Thành Cổ, không chỉ riêng người dân Quảng Trị, mà tất cả trái tim người Việt đều khắc họa một quá khứ tự hào, nhưng cũng đầy mất mát, hy sinh.

Trở lại sự kiện ác liệt bậc nhất thế kỷ của 53 năm trước, sau khi để mất Quảng Trị vào cuối tháng 5/1972, Mỹ - Ngụy điên cuồng mở cuộc tái chiếm tỉnh Quảng Trị với mật danh Lam Sơn 72, trong đó mục tiêu số một phải chiếm được Thành Cổ, vì chiếm được nơi đây cơ bản chiếm được tỉnh Quảng Trị. Tổng thống Mỹ Ních-xơn một mặt ra lệnh cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải chiếm lại tỉnh Quảng Trị, một mặt “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang có nguy cơ sụp đổ. Mỹ tăng gấp hai lần số máy bay ném bom chiến lược B52, triển khai lại các lực lượng không quân và hải quân chi viện hỏa lực trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn cho cuộc phản công. Chính quyền Sài Gòn hy vọng sẽ nhanh chóng chiếm lại thị xã, cắm cờ lên Thành Cổ trước ngày 10/7/1972. Theo cuốn sách: “Tổng kết tác chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị” của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội, năm 2006: “Đến ngày 27/6/1972, địch đã chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt cho cuộc tiến công lớn ra vùng giải phóng nhằm chiếm mục tiêu trước mắt là thị xã và Thành Cổ Quảng Trị”.

Địch đã huy động vào đây những sư đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng được trang bị tối tân, hiện đại nhất, được chi viện tối đa hỏa lực với khối lượng bom đạn khổng lồ. Suốt 81 ngày đêm, ngày nào địch cũng tiến hành rất nhiều trận đánh bằng bom pháo, bằng bộ binh có xe tăng, xe thiết giáp, xe phun lửa yểm trợ cho lính dù, lính thủy đánh bộ, lính biệt động tiến công, chỉ xoay quanh một tòa thành không đầy 300.000m2, trong một thị xã với diện tích gần 4km2, nhà cửa đổ nát hoang tàn... Có ngày, địch đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 quả đạn pháo, hàng ngàn tấn bom... Suốt chiến dịch, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã dội xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Với ta, tỉnh Quảng Trị là địa đầu của hai chiến tuyến, thị xã Quảng Trị, đặc biệt là Thành Cổ trở thành nơi tập trung sự quan tâm đặc biệt cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Cuộc chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị có ý nghĩa bảo vệ một mục tiêu có tính chất chiến lược trong thời điểm có tính nhạy cảm, với điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch chênh lệch nhau nhiều cả về số quân, trang bị vũ khí hiện đại, phương tiện vật chất trong một thời gian dài. Ta quyết giành thắng lợi ở trận đánh có tính bước ngoặt của cuộc chiến chung này.

Trước sức mạnh tàn phá, hủy diệt điên cuồng của địch, ban đầu ta gặp nhiều khó khăn. Hỏa lực của địch quá mạnh, nhiều thời điểm phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Trừ mấy tiểu đoàn của Tỉnh đội Quảng Trị, tất cả đều chưa thông thạo địa hình, phải vừa đánh vừa quan sát hiệp đồng tác chiến. Quân ta đã phát huy tính gan dạ và trí thông minh của từng cấp mà tạo ra cách đánh phù hợp, không chịu phòng thủ thụ động mà liên tục cải thiện thế phòng thủ, vừa giữ chốt vừa xuất kích phản kích, tập kích tìm địch mà đánh. Từ đầu tháng 9/1972, cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường. Thời tiết lúc này không thuận, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra gây mưa to gió lớn, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó, địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sĩ vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã... Cách Thành Cổ chừng hơn 200m là dòng sông Thạch Hãn vốn trong xanh hiền hòa, nhưng nhiều thời điểm nước trở nên màu đỏ bởi máu của các chiến sĩ đã hòa vào dòng nước. Nhiều đợt quân ta qua sông tiếp cận Thành Cổ đã bị pháo kích hy sinh nhưng lớp trước ngã xuống đã có lớp sau băng qua để vào thị xã.

Trung bình mỗi ngày, tại Thành Cổ Quảng Trị có hàng chục đoàn đến viếng, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trung bình mỗi ngày, tại Thành Cổ Quảng Trị có hàng chục đoàn đến viếng, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về ý nghĩa cuộc chiến đấu ở Quảng Trị là “trận quyết chiến có tầm quan trọng lớn về chính trị và về chiến lược”, chúng ta đã kiên cường bám trụ, nhiều trận phản kích đẫm máu của bộ đội ta diễn ra dưới chân Thành Cổ. Có thời điểm các chiến sĩ Trung đoàn 48 đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm “1 chọi 100” tiêu diệt Lữ đoàn dù số 2 của địch. Có ngày Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 đánh lui 13 đợt tiến công của địch.

Nhắc đến Thành Cổ Quảng Trị là nhắc đến biểu tượng của lòng quả cảm gắn liền với 81 ngày đêm khốc liệt từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, thị xã Quảng Trị đã trở thành “túi bom”. Không có sự so sánh nào nói lên hết sự khốc liệt của chiến tranh nhưng “nếu đem so với tất cả các trận đánh phòng ngự đô thị đã diễn ra trong lịch sử quân đội Nhân dân Việt Nam thì đây là đợt tác chiến dài ngày nhất và cũng là quyết liệt nhất”. Tất cả sự hy sinh ấy đều vì độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Theo các sử liệu sau này, tổng lực lượng tham chiến các đợt của ta khoảng 14.000 quân, trong khi phía địch huy động khoảng 35.000 quân. Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, đã có khoảng 4.000 người con đất Việt vĩnh viễn nằm lại chiến trường ác liệt này. Phía Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa có khoảng 7.776 người chết trận. Tinh thần kiên cường chiến đấu và niềm tin quyết thắng của những người lính khi tuổi còn đôi mươi đã khẳng định ý chí sắt đá của con người trước bom đạn và điều kiện sống khắc nghiệt nhất của chiến tranh. Sự hy sinh của họ là câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng nhất, cảm động nhất, thức tỉnh lương tri nhân loại về khát vọng cháy bỏng “độc lập, tự do, thống nhất” cho cả dân tộc. Sự hy sinh ấy đã làm sáng ngời chân lý: cái chết không làm chùn bước những người con yêu nước, vũ khí của kẻ thù dù có tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí thép gang và lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc tập, tự do là khát vọng của cả dân tộc và để có độc lập, tự do. Chính tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất và một cuộc sống hòa bình, với ý thức về cội nguồn dân tộc đã khiến sức mạnh con người chiến thắng sự tàn phá của vũ khí, bom đạn ác liệt của kẻ thù.

TS Trần Tuấn Sơn - giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng đã viết trên tạp chí Cộng sản: “Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định lòng yêu nước nhiệt thành, sự hy sinh cao cả cho chính nghĩa, vì sự nghiệp vĩ đại của Nhân dân Việt Nam”.

Bài và ảnh: Linh Trường

(Bài viết có sử dụng thông tin của Viện Sử học Việt Nam, tạp chí Cộng sản, sách “40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ” do Tỉnh ủy Quảng Trị và Bộ Quốc phòng phối hợp xuất bản năm 2012, cùng nhiều sử liệu khác).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thanh-co-quang-tri-1972-cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-246333.htm