Thành công trong ghép gan lợn vào cơ thể người và không bị đào thải

Một lá gan lợn biến đổi gien được cấy ghép vào một bệnh nhân người dường như đã hoạt động bình thường trong suốt thời gian nghiên cứu mà không có dấu hiệu bị cơ thể người đào thải.

Nhóm bác sĩ thuộc Đại học Quân y số 4 ở Trung Quốc thực hiện ca ghép gan

Nhóm bác sĩ thuộc Đại học Quân y số 4 ở Trung Quốc thực hiện ca ghép gan

Nhóm bác sĩ thuộc Đại học Y khoa Quân đội số 4 ở Trung Quốc thực hiện ca ghép kể trên. Theo họ, trong 10 ngày, lá gan đã thực hiện các chức năng trao đổi chất cơ bản khi được ghép vào một bệnh nhân được chẩn đoán là chết não. Sự kiện này mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan giai đoạn cuối mà cấy ghép thường là lựa chọn điều trị duy nhất.

Một bước tiến trong ghép tạng

Bác sĩ chuyên khoa thận Rafael Matesanz thuộc Tổ chức Cấy ghép Quốc gia ở Tây Ban Nha, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới cấy ghép gan lợn biến đổi gien vào một người chết não. Đây là một thí nghiệm quan trọng, mở ra một con đường khác so với những gì đã được thử nghiệm cho đến nay ở cả các cơ quan quan trọng (tim) và các cơ quan không quan trọng (thận). Chẳng hạn như thay thế tạm thời gan bị bệnh cho đến khi có thể lấy được gan người để ghép hoàn toàn".

Việc có sẵn các cơ quan hiến tặng là một rào cản lớn đối với những bệnh nhân cần ghép tạng. Một giải pháp khả thi là ghép tạng dị chủng - lấy một cơ quan từ động vật biến đổi gien và sử dụng nó như một giải pháp tạm thời cho đến khi có người hiến tặng là người tương thích.

Các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp này cho đến nay có vẻ đầy hứa hẹn. Vào năm 2023, một lá gan lợn biến đổi gien đã được gắn bên ngoài vào cơ thể của một bệnh nhân chết não trong ba ngày. Các thí nghiệm với thận lợn biến đổi gien đã tiến xa hơn; nhiều nhóm khác nhau đã báo cáo hoạt động bình thường sau khi ghép bên trong bệnh nhân chết não.

Chức năng gan phức tạp hơn chức năng của thận, khiến việc ghép gan khó khăn hơn. Không phải tất cả các nhà khoa học đều cho rằng điều này là khả thi, đặc biệt là vì chất béo, protein và glucose do gan lợn tạo ra có thể gây ra phản ứng miễn dịch mạnh ở người và là trở ngại rất khó để ngăn chặn.

Ở một bệnh nhân chết não – tức là một người không có chức năng não được coi là thiết yếu cho sự sống –nhóm của bác sĩ Tao đã cấy ghép thành công một lá gan được lấy từ một con lợn biến đổi gien. Có sáu biến đổi di truyền, tất cả đều tập trung vào việc giảm thiểu tình trạng đào thải miễn dịch. Chúng bao gồm việc loại bỏ các gien trung gian đào thải cấp tính và đưa các gien của con người vào để làm cho cơ quan này tương thích hơn với cơ thể người.

Cần phải hiểu trong quá trình cấy ghép này không thay thế hoàn toàn gan của bệnh nhân, mà được gọi là ghép phụ trợ. Gan ban đầu không bị loại bỏ mà được giữ nguyên; gan lợn được đặt ở một vị trí khác trong khoang bụng, được kết nối và theo dõi.

Bác sĩ Lin Wang từ Đại học Quân y số 4 ở Trung Quốc và là người tham gia ca ghép cho biết: "Gan lấy từ con lợn với 6 biến đổi gien hoạt động rất tốt trong cơ thể người".

Nghiên cứu đã kết thúc sau 10 ngày theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân, nhưng gan vẫn hoạt động cho đến khi kết thúc. Hệ thống miễn dịch của bệnh nhân không đào thải mô cấy ghép nhờ việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch một cách thận trọng để ức chế hoạt động của tế bào T và tế bào B. Trong khi đó, lưu lượng máu qua gan được cấy ghép được duy trì ở vận tốc tốt và bản thân gan cũng sản xuất cả mật và albumin lợn theo đúng chức năng.

Vẫn cần đánh giá toàn diện hơn

Vì gan cũ của bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường nên rất khó để xác định liệu gan lợn có cung cấp đủ chức năng cho bệnh nhân bị suy gan hay không; đó là chủ đề cho các nghiên cứu trong tương lai.

Nghiên cứu cho thấy rằng các biến đổi di truyền ngăn ngừa tình trạng đào thải cơ quan cấp tính và số lượng tiểu cầu thấp liên quan đến ghép dị loại. Điều này rất có ý nghĩa và đây là một lựa chọn khả thi để khám phá thêm.

Nhà thần kinh học Iván Fernández Vega của Đại học Oviedo, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này đánh dấu một cột mốc trong lịch sử ghép dị loại gan, lần đầu tiên mô tả ca ghép gan lợn biến đổi gien vào người (trong trường hợp này là người chết não). Chất lượng công trình rất cao, xét về cả tính khoa học khắt khe và đặc điểm lâm sàng, miễn dịch, mô học và huyết động học toàn diện của quy trình".

Dù vậy, còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm. Trước mắt, chỉ có những dấu hiệu cơ bản nhất của chức năng gan là sản xuất mật và albumin được ghi nhận. Hơn nữa, nghiên cứu chỉ thực hiện một bệnh nhân duy nhất. Do vậy, cần nhiều hơn thử nghiệm để rút ra các kết luận mở rộng.

Nhà nghiên cứu về miễn dịch học cấy ghép Alex Sharlan từ Đại học Sydney, người không tham gia vào nghiên cứu mới này, cho biết khả năng kiểm tra chức năng gan của nghiên cứu này "khá hạn chế" vì gan ban đầu của bệnh nhân chưa được cắt bỏ. Khung thời gian ghép ngắn cũng khiến việc theo dõi một số chức năng chi tiết hơn của gan trở nên khó khăn hơn cũng như không thể xem xét hiệu quả hoạt động của gan trong thời gian dài.

Tuy nhiên, đây là một bước tiến đầy hứa hẹn khác, cho thấy một phương án cứu cánh tiềm năng trong tương lai cho những bệnh nhân bị suy gan không có lựa chọn điều trị nào khác trong khi họ chờ được hiến tạng phù hợp.

Vào tháng 5 năm ngoái, một người đàn ông 71 tuổi ở Trung Quốc đã trở thành người sống đầu tiên được ghép gan lợn biến đổi gien. Hai tuần sau ca phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật Sun Beicheng cho biết người đàn ông này "vẫn đang rất khỏe". Tuy nhiên, sau đó không có thông tin thêm về người đàn ông này.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thanh-cong-trong-ghep-gan-lon-vao-co-the-nguoi-va-khong-bi-dao-thai-230850.html