Thanh Hà gắn sản phẩm nông nghiệp với OCOP

Phát huy lợi thế của địa phương, huyện Thanh Hà đang tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp theo Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà đã có 7 sản phẩm được xếp hạng OCOP

Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà đã có 7 sản phẩm được xếp hạng OCOP

Khai thác thế mạnh

Năm 2020, Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà (ở xã Hồng Lạc) có 7 sản phẩm được xếp hạng OCOP, gồm 6 sản phẩm đã đạt 4 sao. Vốn là doanh nghiệp cung ứng nông sản an toàn vào các chuỗi cửa hoàng tiện ích, siêu thị trong và ngoài tỉnh nên việc được công nhận OCOP sẽ tạo thêm uy tín với đối tác. Từ lợi thế này, năm nay, công ty tiếp tục đăng ký 2 sản phẩm tham gia OCOP là đu đủ và vải tươi. Bà Phạm Thị Huyền Trang, đại diện công ty cho biết những tiêu chí của OCOP đòi hỏi sản phẩm phải có minh chứng cụ thể, rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng và kết nối tiêu thụ. Trong khi đây đang là vướng mắc cần sớm được tháo gỡ đối với các sản phẩm nông nghiệp. Công ty đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc liên kết với các hộ dân để xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Có thế mạnh này nên sản phẩm của đơn vị luôn chiếm lợi thế hơn trong cạnh tranh với sản phẩm khác khi tham gia OCOP. Hiện doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm có được thứ hạng OCOP cao nhất trong năm nay.

Dù mới thành lập được 3 năm nhưng HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập (HTX Vĩnh Lập) vẫn mạnh dạn gia nhập sân chơi OCOP để tìm kiếm cơ hội cho sản phẩm mắm rươi và mắm cáy. Ông Lê Văn Quạt, Giám đốc HTX Vĩnh Lập cho biết con rươi, con cáy vốn mang lại cho người dân địa phương thu nhập cao nhưng vẫn thiếu bền vững và chỉ theo mùa vụ. Do đó, HTX đã phát triển đặc sản này thành sản phẩm chế biến. Hiện mắm rươi, mắm cáy của HTX được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước và đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thành viên HTX đều mong muốn sản phẩm được gắn sao nhằm tăng độ tin cậy với khách hàng, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. "Sau khi được cơ quan chuyên môn tư vấn, chúng tôi nghiêm túc tiếp thu, bổ sung tiêu chí còn thiếu. OCOP vẫn còn mới mẻ, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe song các thành viên đều nỗ lực vì mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm", ông Quạt khẳng định.

Định hướng đúng

Năm 2020, Thanh Hà nằm trong tốp đầu các địa phương có sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao. Ngoài 7 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao thì vải tươi Lychee Queen của Công ty CP Ameii Việt Nam là 1 trong 2 đại diện của tỉnh được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Điểm khác biệt của Thanh Hà so với những nơi khác trong tỉnh khi tham gia OCOP là sản phẩm chủ yếu là nông sản tươi như vải, ổi, bưởi, rau ăn lá... Thường những sản phẩm thô, chưa qua chế biến sẽ không có nhiều ưu thế trong OCOP nhưng nông sản của huyện vẫn có thành tích cao. Đây là kết quả của việc định hướng phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở thực tế. Nông sản của huyện đa phần sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lại hình thành được chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu nên được đánh giá cao.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Thanh Hà là vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực của tỉnh nhưng sản phẩm làng nghề lại lép vế hơn nơi khác. Xác định OCOP là chương trình dài hơi, đòi hỏi phải có sự tính toán, lựa chọn hướng đi phù hợp, vì vậy thời gian đầu huyện sẽ khai thác lợi thế, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh thành sản phẩm OCOP để có được những ưu tiên trong sản xuất và tiêu thụ. Về lâu dài, từ các sản phẩm sẵn có, huyện định hướng phát triển những sản phẩm chế biến, chế biến sâu nhằm gia tăng tối đa giá trị.

Năm 2021, huyện Thanh Hà có 6 chủ thể tham gia OCOP với 14 sản phẩm, là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm cao trong tỉnh. Mặc dù vậy, huyện không chạy theo thành tích mà chú trọng tới chất lượng, đánh giá khả năng xếp hạng để có kế hoạch xây dựng phù hợp. Sau khi đơn vị chức năng khảo sát thực trạng đã tư vấn cho 3 chủ thể với 4 sản phẩm đề nghị không tham gia OCOP trong năm nay để chuẩn bị chu đáo hơn cho năm sau. Không chỉ phát triển các sản phẩm OCOP mới, huyện còn vận động các chủ thể tiếp tục nâng hạng sao. Những sản phẩm tiềm năng, có thể trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư. Đến hiện tại, các chủ thể đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chí sản phẩm OCOP, đang tiếp tục thực hiện tiêu chí mềm để giành điểm lợi thế. Với sự chủ động này, huyện Thanh Hà được kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm OCOP sáng giá trong năm nay.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/thanh-ha-gan-san-pham-nong-nghiep-voi-ocop-172814