Thanh Hóa: Cát nhân tạo có khả năng thay thế 50% - 60% cát tự nhiên
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 21 đơn vị có mỏ đá đã lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất cát nghiền - cát nhân tạo và 1 dự án đang triển khai đầu tư, có khả năng thay thế khoảng 50% - 60% tổng sản lượng cát tự nhiên sử dụng cho công trình xây dựng trên địa bàn.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương tại Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, thúc đẩy phát triển vật liệu mới trên địa bàn.

Các dây chuyền và dự án sản xuất cát nghiền - cát nhân tạo có khả năng thay thế khoảng 50% - 60% tổng lượng cát tự nhiên sử dụng cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa)
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 07 đơn vị chế biến khoáng sản nhóm II (khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, đá mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa). Trong đó có 05 đơn vị chế biến đá vôi để sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế 26,305 triệu tấn/năm, gồm: Công ty CP xi măng Bỉm Sơn 3,705 triệu tấn/năm; Công ty TNHH Long Sơn 9,2 triệu tấn/năm; Công ty CP xi măng Công Thanh 4,5 triệu tấn/năm; Công ty xi măng Nghi Sơn 4,3 triệu tấn/năm; Công ty CP xi măng Đại Dương 4,6 triệu tấn/năm. Có 02 đơn vị chế biến cao lanh để sản xuất gạch gốm ốp lát, với công suất thiết kế 18,5 triệu m2/năm, gồm: Nhà máy Vicenza 7,5 triệu m2/năm; Công ty CP đầu tư phát triển Piceza 11 triệu m2/năm.
Đến nay, Thanh Hóa cũng đã có 348 mỏ khoáng sản được cấp phép, trong đó 331 khu vực mỏ do UBND tỉnh cấp phép (214 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 62 mỏ đất làm vật liệu san lấp, 29 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 20 mỏ đất sét, 03 mỏ cát kết, sét kết làm gạch men, 03 mỏ quặng phân tán nhỏ lẻ) và 17 khu vực mỏ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu mới được đẩy mạnh, toàn tỉnh hiện có 21 đơn vị có mỏ đá đã lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất cát nghiền - cát nhân tạo, với tổng công suất thiết kế 2,03 triệu m3/năm và 01 dự án đang triển khai đầu tư tại xã Trường Lâm, với công suất 0,18 triệu m3/năm. Các dây chuyền và dự án này có khả năng thay thế khoảng 50% đến 60% tổng sản lượng cát tự nhiên sử dụng cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy nhanh tiến độ xây lắp các dây chuyền và dự án sản xuất cát nghiền - cát nhân tạo để sớm đưa vào hoạt động là rất cần thiết, bởi không chỉ góp phần quan trọng trong việc giải quyết nguồn cát tự nhiên đang khan hiếm, thiếu hụt hiện nay trên địa bàn mà còn giúp Thanh Hóa chủ động hơn về nguồn vật liệu cát trong nhiều năm tới.