Thanh Hóa: Quyết tâm tháo gỡ các 'điểm nghẽn' để nâng cao chỉ số PCI
Xác định tầm quan trọng của việc nâng điểm PCI sẽ giúp cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, bởi vậy, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp để từng bước khắc phục, cải thiện bộ chỉ số này. Trong đó, đáng chú ý nhất là trong vòng 3 năm liên tiếp, tỉnh đã công bố chỉ số cạnh tranh năng lực cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI). Bước đầu, kết quả mang lại là rất khả quan.
DDCI - cạnh tranh gay gắt
Với quyết tâm cao trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong điều hành chính sách kinh tế. Đặc biệt, từ năm 2021, với việc triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI), Thanh Hóa đã thể hiện rõ quan điểm và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh nhằm khắc phục tình trạng ‘các sở, ngành và chính quyền cấp dưới không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh’ - 1 khía cạnh trong chỉ số thành phần về tính năng động của chính quyền, dẫn tới các chủ trương ở cấp trên chưa được thực thi hiệu quả ở cấp dưới, một thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay ở xứ Thanh.
Hội nghị công bố chỉ số DDCI năm 2023 đánh dấu năm thứ 3 Thanh Hóa thực hiện đề án với những kỳ vọng lớn hơn. Theo ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình thì việc xác minh, kiểm tra chéo thông tin người trả lời khảo sát đã được thực hiện với tỷ lệ lớn hơn so với năm 2022. Ông Hiệu ước tính, có khoảng gần 8.000 doanh nghiệp (DN) đã tiếp cận với bảng câu hỏi và được mời tham gia khảo sát bằng các hình thức khác nhau, chiếm khoảng 30% số DN đang hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa. Sau khi thu được phiếu khảo sát, xác minh thông tin DN, đã có 2.751 phiếu khảo sát hợp lệ để đưa vào xử lý dữ liệu và tính toán.
Kết quả, khảo sát DDCI ở khối UBND các huyện, thị, thành phố năm nay có sự biến động với top 6 dẫn đầu với lần lượt là: Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Đông Sơn, TP Thanh Hóa. Trong đó, quán quân thuộc về UBND huyện Hoằng Hóa với tổng điểm là 90,83, cao nhất từ trước tới nay. Tuy vậy, xét về điểm trung vị của 27 đơn vị cấp huyện tham gia khảo sát năm 2023 thì con số chỉ đạt 60,99 điểm, thấp hơn 6,2 điểm so với năm 2022. Điều này cho thấy, mặt bằng chất lượng điều hành chung của các cơ quan, địa phương chưa có sự cải thiện so với năm trước. Ở khối các sở, ngành, kết quả DDCI ghi nhận Sở Công thương là đơn vị dẫn đầu với 88,01 điểm. Cũng giống khối UBND cấp huyện, điểm trung vị của khối sở, ban, ngành năm 2023 chỉ là 60,76 điểm, thấp hơn so năm 2022 (66,80 điểm).
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan khẳng định: Kết quả công bố DDCI năm 2023 là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương có dịp nhìn lại cách điều hành của đơn vị mình để từ đó, có những giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện, đưa ra những quyết sách đúng đắn để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
PCI – chuyển biến rõ rệt
Ngày 9/5/2024, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố chỉ số PCI năm 2023. Với 66,79 điểm, chỉ số PCI của Thanh Hóa năm 2023 đã cải thiện được 17 bậc, vươn lên xếp ở vị trí thứ 30 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Trong đó, đáng chú ý là có khá nhiều chỉ số thành phần quan trọng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm số so với năm trước đó, như: Chi phí thời gian tăng từ 6,78 lên 8,09 điểm; tính năng động của chính quyền tăng từ 6,38 lên 7,17 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ 6,76 lên 7,19 điểm; chi phí không chính thức tăng từ 6,5 lên 6,74; gia nhập thị trường từ 6,54 lên 7,04 điểm…
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI chia sẻ: Trong 3 năm liên tục tham gia tư vấn, hỗ trợ thực hiện khảo sát DDCI Thanh Hóa, ông nhận thấy quyết tâm của chính quyền tỉnh trong việc cải cách điều hành, quản lý kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ vậy, bước đầu, việc triển khai đánh giá DDCI đã mang lại những hiệu quả tích cực khi giúp chỉ số PCI của tỉnh đã lọt top 30 cả nước..
Theo ông Tuấn, ngoài các chỉ số có sự cải thiện tốt, Thanh Hóa cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp cải thiện các chỉ số vẫn đang nằm trong top sau, đó là: Chỉ số về gia nhập thị trường đang đứng thứ 49/63; chi phí không chính thức xếp thứ 54/63; cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 56/63, tiếp cận đất đai xếp thứ 43/63. ‘Khảo sát PCI năm 2023 ghi nhận một số khó khăn đối với môi trường ở Thanh Hóa như 63% DN phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; 54% gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng; 45% phản ánh thị trường nhiều biến động; 19% DN phản ánh gặp khó khăn do biến động chính sách, pháp luật...’, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá rằng: Bước đầu, kết quả thay đổi tích cực trong bộ chỉ số PCI là rất đáng mừng. Tuy nhiên, khát vọng đưa Thanh Hóa lọt top 10 địa phương dẫn đầu về PCI trong cả nước vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi những yêu cầu ngày một cao hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn, chuyển biến toàn diện, tích cực hơn.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Thi đề nghị những người đứng đầu các các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp cần thẳng thắn, cầu thị, chú trọng rà soát, khắc phục những rào cản, điểm nghẽn, nút thắt nội tại, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho DN đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả DDCI và PCI cùng các các khuyến nghị của VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình, ông Thi giao các cơ quan, đơn vị, tổ chức tập trung phân tích, nghiên cứu, đánh giá những kết quả đạt được để xây dựng kế hoạch, có giải pháp khắc phục các ‘điểm nghẽn’ còn tồn đọng.