Thành lập Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7, trụ sở đặt tại Thanh Hóa
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 được thành lập sẽ quản lý 4 địa phương, gồm: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; trụ sở đặt tại tỉnh Thanh Hóa.
Thành lập Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7
Ngày 4/4/2025, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức công bố quyết định và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7. Đồng thời, tổ chức hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7.
Sự kiện này do ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì.
Ngoài ra, còn có lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các sở/ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành nghề và một số doanh nghiệp thuộc 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 Trần Thế Hùng trao quyết định bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7
Theo quyết định thành lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa. Sau khi thành lập, trụ sở Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 đặt tại Thanh Hóa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Khu vực 7. Cụ thể: Ông Trần Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước giữ chức Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 7.
Các Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 7 bao gồm: Ông Tống Văn Ánh, ông Đặng Văn Kim, ông Nguyễn Văn Khiết, ông Ngô Lam Sơn. Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đã trao quyết định cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 cùng các trưởng, phó phòng.
Sau khi sắp xếp, tổng số công chức, người lao động Khu vực 7 là 193 người. Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 sau sắp xếp gồm 7 phòng: Phòng Tổng hợp; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khu vực; Phòng Quản lý, giám sát ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác; Phòng Quản lý, giám sát quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô; Phòng Kế toán - Thanh toán; Phòng Tiền tệ - Kho quỹ; Phòng Hành chính - Nhân sự.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng phát biểu tại sự kiện
Cũng tại sự kiện này, hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7, nằm trong chuỗi các hội nghị được Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các khu vực đã được tổ chức. Hội nghị đã trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn và hiệu quả
Cũng trong ngày 4/4/2025, Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với hệ thống ngân hàng Khu vực 7 để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất sau khi Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 đi vào hoạt động theo mô hình mới.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 Trần Thế Hùng cho biết, ngay sau hợp nhất, sáp nhập với mô hình mới, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 đã chủ động, tích cực bám sát nội dung, định hướng, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thành lập Ngân hàng Nhà nước khu vực để triển khai đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu.

Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với hệ thống ngân hàng Khu vực 7
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, công chức trong khu vực, bảo đảm hoạt động của ngân hàng trên địa bàn được thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng trên địa bàn đã có báo cáo về tình hình hoạt động hiện tại của đơn vị, tác động của mô hình hoạt động mới của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 đối với hoạt động của tổ chức tín dụng. Cùng với đó, nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất. Đại diện các đơn vị vụ, cục thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, cũng đã trao đổi, giải đáp thỏa đáng các kiến nghị.
Kết luận phiên làm việc, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã trả lời, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 và tổ chức tín dụng trong khu vực; đồng thời đưa ra nhiều chỉ đạo, định hướng về tổ chức, hoạt động trong thời gian tới.
Phó Thống đốc đề nghị khẩn trương phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tập trung rà soát, hoàn thiện ban hành và triển khai các quy trình, quy chế nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Khu vực, các hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước khu vực đảm bảo an toàn, thông suốt.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 cần tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực để thực hiện tốt chức năng quản lý hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn. Theo dõi, bám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng để kịp thời chỉ đạo, định hướng các hoạt động của tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động ngân hàng; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng trên địa bàn; tăng cường giám sát, quản lý, thanh tra, kiểm tra.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành việc tổ chức lại 63 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 Ngân hàng Nhà nước khu vực, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán, an ninh tiền tệ, kho quỹ cho hệ thống ngân hàng.