Thành phố 'Hoa Phượng Đỏ'

Tôi đến thành phố Hải Phòng vào một ngày trời âm u. Và hoa phượng vĩ cũng chưa bung nở trên cành để vị khách phương Nam ngẩn ngơ tiếc nuối vì không được ngắm trọn vẻ đẹp của Hải Phòng – nơi được mệnh danh là 'thành phố Hoa Phượng Đỏ'.

Mấy lần nghĩ về “danh xưng” đó, tôi thấy lạ, có nơi nào trên đất nước Việt Nam mà chẳng có hoa phượng? Dù ở tít tắp trong miền Tây phía trời Nam xa xôi, dọc dài duyên hải miền Trung hay giữa vùng đất Tây Bắc hùng vĩ, hoa phượng vẫn khoe sắc mỗi độ hè về.

Hải Phòng không nằm trong kế hoạch ban đầu của tôi. Vậy mà khi chọn book vé máy bay, giữa Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng), tôi bất chợt chọn Cát Bi, phần vì giá vé rẻ, phần vì nhân tiện đến thăm Hải Phòng để có thể tự tin mà khoe với bạn tôi rằng “mình đã đi trọn năm thành phố trực thuộc trung ương của đất nước”.

Máy bay hạ cánh, đất cảng đón tôi bằng cơn gió từ biển lồng lộng thổi vào. Ngồi trên taxi từ sân bay Cát Bi về khách sạn, anh tài xế – không biết có phải vô tình hay cố ý – mở bài Thành phố hoa phượng đỏ của nhạc sĩ Lương Vĩnh như một lời chào nồng hậu của người “đất cảng” dành cho vị khách phương Nam.

Đêm đầu tiên ở Hải Phòng, tôi gọi taxi đến Lạch Tray, thưởng thức một tô bánh đa cua nóng đầy trong làn gió mát lành của đất cảng. Bánh đa cua sợi bánh mềm dẻo dai, nước thơm ngon béo ngậy. Bà cụ bán hàng biết tôi vừa từ xa đến, thả thêm vào bát tôi ít bánh đa như món quà dành cho người lữ khách.

Ngày hôm sau ở Hải Phòng, trời lất phất mưa. Vẫn cái sắc trời đượm buồn của những ngày chưa thật là hạ, cũng chẳng còn dấu vết gì của mùa xuân. Tôi lòng vòng trong thành phố, thấy được sự hiện đại, xa hoa của thành phố cảng. Xe đi ngang qua Nhà hát Thành phố, Ga Hải Phòng… tôi thả kính xuống, ngắm cho kỳ hết nét đẹp của nó.

“Hải Phòng là vậy đó, em! Không quá sôi động như những thành phố lớn trong Nam, cũng không quá trầm mặc như nhiều thành phố thuộc khu vực Trung bộ. Nếu có thời gian, em thử đến đây sống trọn mùa hoa phượng vĩ nở đỏ sẽ thấy Hải Phòng đẹp và vương vấn đến nhường nào” – anh tài xế taxi, cũng là người hôm qua mở cho tôi nghe bài hát của nhạc sĩ Lương Vĩnh, nói với tôi như thế.

Từ trung tâm thành phố, qua chiếc cầu mang dáng hình cánh chim biển bắc qua sông Cấm – cầu Hoàng Văn Thụ, tài xế đưa tôi đi về phía huyện Thủy Nguyên, nơi có nhiều vết tích của cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm cách đây hơn mười thế kỷ.

Về Hải Phòng, tôi thấy mình như kẻ độc hành ngược dòng lịch sử để tìm về quá khứ. Khu di tích Bạch Đằng Giang tọa lạc bên dòng sông Bạch Đằng – con sông là chứng tích của lịch sử, oằn mình trong những năm tháng nước ta đầy biến động.

Len lỏi qua con đường mát rượi dưới chân đồi dẫn ra Quảng trường Chiến Thắng, nơi có bức tượng của Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo trong tư thế vững vàng, oai vệ trấn giữ non sông. Tôi chợt nhớ đến mấy câu phú bất tử cùng năm tháng của Trương Hán Siêu trong Phú Sông Bạch Đằng, khẽ đọc:

“Sông Đằng một dải dài ghê

Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông

Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

Ngắm Bạch Đằng Giang huyền thoại, bãi cọc tái hiện lại một thời kỳ lịch sử đau thương những hào hùng vĩ đại, cả những dấu vết lịch sử còn sót lại như chiếc cọc gỗ từng đâm thủng thuyền giặc, những vũ khí được sử dụng trong trận chiến năm xưa… tôi thấy mình như lửng lơ giữa hai chiều thời gian: hiện tại và quá khứ. Những chênh vênh của ngày hôm qua, hôm kia bất chợt vụt biến đâu đó, nhường chỗ cho tinh thần dân tộc trỗi dậy trong huyết quản của tôi.

Tôi nhận ra du lịch đâu chỉ là tìm đến những nơi hiện đại, sầm uất, phát triển. Tìm đến những di tích lịch sử, nơi ông cha ta đã từng đổ máu xương để cho ta vững bước chân trên mảnh đất này là một cuộc “chữa lành” đầy ý nghĩa và cảm xúc rồi!

Hải Phòng trong mắt tôi là thành phố cảng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, là nơi lưu giữ hào khí của buổi đầu dựng nước, nuôi dưỡng hồn dân tộc trong suốt dặm dài của Tổ quốc thiêng liêng.

Trên chuyến xe rời Hải Phòng để đi tiếp hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước, khám phá chính mình, tôi đã nhìn những cảnh vật cuối cùng của Hải Phòng vút qua ô cửa, bất chợt trông thấy sắc đỏ của hoa phượng vĩ bung nở trên cành như một lời tạm biệt và gọi mời đầy luyến lưu thương nhớ trước khi người khách lạ đi sang miền đất khác.

Tôi thấy lòng mình rộn rã. Mỗi thành phố ta qua, mỗi dặm đường ta trải đều tự nó biết cách làm cho ta vui, xóa tan những muộn phiền vốn dĩ của cuộc sống đầy nghịch lý, để ta biết yêu và gắn bó với mỗi tấc đất trên quê hương Việt Nam mình, để ta biết rằng đời có lắm niềm vui, cớ gì cứ mãi u sầu, xót xa trong mớ hỗn độn, rối rắm…

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thanh-pho-hoa-phuong-do/