Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp cảng biển kết nối hợp tác
Là khu vực có số lượng và quy mô cảng biển lớn nhất cả nước, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong việc xuất, nhập khẩu (XNK) của Việt Nam. Tuy vậy, việc khai thác tối ưu hệ thống cảng biển trong khu vực hiện vẫn là bài toán cấp thiết.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng kết nối, hợp tác cùng nhau nhằm xanh hóa cảng biển, ứng dụng công nghệ, tránh phân tán nguồn lực là mong muốn chung của các địa phương cũng như doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng cảng biển.
* Quy mô lớn nhất nước
Hiện vùng ĐNB có cụm cảng biển lớn nhất cả nước (Tân Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu) và đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với cả nước cùng hệ thống kho bãi đa dạng. Gần 90 khu công nghiệp phát triển cùng với hàng hóa của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã và đang tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động XNK thông qua cụm cảng của vùng.
Ngoài ra, vùng còn có 6 luồng hàng hải công cộng đang hoạt động khai thác gồm: luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, Sông Dinh, Soài Rạp, Đồng Tranh - Gò Gia, luồng hàng hải Đồng Nai.
Tại Đồng Nai, cùng với hệ thống cảng Đồng Nai ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) và Gò Dầu (H.Long Thành), tỉnh đang đầu tư thêm cảng biển Phước An (H.Nhơn Trạch) có quy mô lớn; đó là chưa kể cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không lớn nhất cả nước đang được tập trung xây dựng. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, DN trên địa bàn Đồng Nai sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc XNK hàng hóa, ngân sách tỉnh cũng có thêm những nguồn thu lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm cảng biển ở ĐNB đang bộc lộ nhiều bất cập; đặc biệt là tình trạng thiếu đồng bộ hạ tầng và mất cân đối cung, cầu giữa các cảng. Vai trò cửa ngõ quốc tế của các cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác chưa hiệu quả... Cảng Cát Lái (TP.HCM) mặc dù đang hoạt động vượt công suất nhưng về lâu dài sẽ gặp khó khăn và mất dần lợi thế hiện có. Các cảng biển khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang cạnh tranh với nhau, chưa có sự hợp tác chặt chẽ để cùng khai thác.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa cho rằng, một trong những điểm khiến hệ thống cảng biển chưa phát huy tốt là do hạ tầng giao thông kết nối các cụm cảng vẫn thiếu đồng bộ, chưa kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến cao tốc. Hạ tầng giao thông này phải bảo đảm để phát triển vận tải đa phương tiện, từ đường bộ tới đường sắt, đường thủy…, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhiều chủng loại hàng hóa của cảng biển. Các cảng mới đầu tư theo hướng tiếp cận gần hơn với biển nhưng lại xa các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và chưa được đầu tư đúng mức cơ sở hạ tầng.
Nhóm cảng biển ở ĐNB có vai trò quan trọng hàng đầu trong 6 nhóm cảng trên phạm vi cả nước, đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
* Cần sớm gỡ các điểm “nghẽn”
Bên cạnh điểm nghẽn về kết nối hạ tầng giao thông thì hệ thống cảng biển khu vực ĐNB cũng còn những vấn đề cần giải quyết. Cụ thể là phải có dịch vụ cung cấp hàng hóa đi kèm, cần thêm trung tâm kiểm tra chuyên ngành để các chủ hàng ít tốn thời gian và chi phí lưu bãi...
Dù hệ thống cảng biển có bước phát triển nhanh, nhưng hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế, thiếu hụt các mạng lưới dịch vụ kho tổng hợp hàng hóa, ICD, kho lạnh, dịch vụ container, đóng gói hàng hóa theo yêu cầu…
Ngoài ra, việc liên kết giữa các DN sản xuất, XNK và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Chỉ tính riêng tại Bà Rịa - Vùng Tàu, các hoạt động cảng biển, kho bãi, kho vận… đang tương đối độc lập, thiếu việc liên kết với nhau. Do đó, việc liên kết với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lại càng hạn chế hơn. Yêu cầu đặt ra là tính liên kết của hạ tầng đối với khu vực này cần phải thúc đẩy mạnh hơn, đồng thời có chính sách đồng bộ để có môi trường sinh thái cho hoạt động liên kết logistics.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải có bước tiến nhảy vọt về sản lượng hàng hóa. Điều DN mong muốn là các tỉnh, thành trong khu vực có sự kết hợp chặt chẽ với nhau hơn trong việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Trong dài hạn, việc triển khai xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp gỡ nút thắt phát triển cho khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Điều này nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, logistics từ các khu công nghiệp trong vùng đến cụm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam này, đặc biệt là khi kết hợp cùng cảng hàng không quốc tế Long Thành, từ đó tạo ra sự lan tỏa cho những cảng biển trong khu vực.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng nhận định, Hiệp hội và các thành viên, nhất là khu vực ĐNB, cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trực tuyến, giải quyết nhanh công việc để phục vụ cho nhu cầu quản lý, khai thác cảng biển. Hiệp hội đã kiến nghị cơ quan nhà nước ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển và nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển.
Bên cạnh đó, các DN trong ngành khai thác cảng cũng cần liên kết để gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai Nguyễn Văn Ban cho rằng, hợp tác giữa các DN cảng biển sẽ góp phần tránh rủi ro về dư thừa hạ tầng, cạnh tranh không cần thiết, phân tán nguồn lực dẫn đến tiềm năng không được tận dụng, tăng chi phí và rủi ro tài chính.