Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Khu Kinh tế Nghi Sơn
Xác định vai trò mang tính chất 'đầu kéo' cho tăng trưởng kinh tế, tỉnh và các sở, ngành luôn quan tâm mạnh mẽ tới công tác thu hút đầu tư, triển khai các dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) hiện hữu cũng luôn được tỉnh và các đơn vị đồng hành, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ tại Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1.
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức, nhiều DN tại KKTNS đã kiến nghị tới lãnh đạo tỉnh những vướng mắc cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, một số vướng mắc đã được các sở, ngành giải đáp trực tiếp.
Điển hình như Giám đốc Công ty TNHH Peci Việt Nam - ông AYE THAN kiến nghị: Trong thời gian bảo trì của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào tháng 8 sắp tới, công ty sẽ đưa đội ngũ chuyên gia người nước ngoài sang Việt Nam với số lượng nhiều và tập trung trong thời gian ngắn. Tuy nhiên hiện nay, việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục đang còn mất khá nhiều thời gian trong việc thực hiện các thủ tục chấp thuận vị trí, nhu cầu sử dụng lao động. Công ty kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng hành, tạo điều kiện hết sức về thủ tục đối với lao động người nước ngoài để DN tiến hành công việc được thuận lợi. Với kiến nghị này, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp đã tháo gỡ ngay tại cuộc họp. Theo đó, đơn vị đề nghị khi có nhu cầu đưa lao động nước ngoài sang làm việc, công ty có văn bản báo cáo Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp về nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc và các giấy tờ liên quan qua hình thức nộp trực tuyến. Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp sẽ hỗ trợ việc giải quyết nhu cầu của DN trong thời hạn nhanh nhất, thực hiện cấp giấy phép lao động nước ngoài trong thời gian chỉ từ 1 đến 2 ngày làm việc nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Với kiến nghị của Công ty CP Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, về vấn đề luồng ra vào Cảng cá Lạch Bạng bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, dẫn đến công ty bị thiếu nguyên liệu cho sản xuất, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải thông tin về công tác triển khai dự án và báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải các vấn đề vượt thẩm quyền. Được biết, Cảng cá Lạch Bạng nằm ở km0 của tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Mê. Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng được đầu tư từ năm 2009 và hoàn thành năm 2012. Các công trình sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả đầu tư trong việc phục vụ sản xuất thủy, hải sản và neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống luồng lạch ra, vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền bị bồi lấp, có dải đá ngầm trong luồng tàu và trong lòng bể làm cạn và thu hẹp bề rộng luồng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng cá và khu neo đậu. Trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Mê, đoạn luồng hiện nay bị bồi lấp, khan cạn nằm ở khoảng lý trình đoạn từ km0 đến km2.
Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn và kỹ sư Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa làm nhiệm vụ hỗ trợ tàu thực hiện dịch vụ xuất nhập khẩu trên cảng.
Theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải: Hiện các dự án nạo vét khu vực cảng cá và luồng đường thủy nội địa Lạch Bạng - Đảo Mê đã được đơn vị báo cáo lên Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng kế hoạch triển khai. Đối với đoạn tuyến từ km0 - km1 tuyến đường thủy nội địa Lạch Bạng - Đảo Mê, để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền nghề cá ra vào cảng cá và âu để tránh trú bão an toàn, bốc xếp thủy, hải sản và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực Cảng cá Lạch Bạng, ngày 22-11-2022, đơn vị đã có công văn gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị bổ sung dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm đoạn từ km0 - km1+00 tuyến Lạch Bạng - Đảo Mê vào kế hoạch bảo trì đường thủy nội địa năm 2023.
Đối với đoạn tuyến từ km1 - km2 tuyến Lạch Bạng - Đảo Mê, với vai trò là cơ quan được ủy quyền quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia này, Sở Giao thông - Vận tải cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai nạo vét khu vực đoạn cạn km1 - km2 tuyến Lạch Bạng - Đảo Mê trong năm 2023 bằng nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch bảo trì 2023. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đấu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan để báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, bố trí kinh phí trong thời gian sớm nhất để thực hiện cả 2 dự án này.
Cũng tại hội nghị, nhiều kiến nghị khác của các DN cũng đã được tỉnh, các sở, ngành tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo tháo gỡ như: Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa sớm quy hoạch khu vực đổ thải phục vụ duy tu, nạo vét bể cảng thường xuyên cho các DN khai thác cảng; Công ty CP Đầu tư, Dịch vụ và Du lịch Nghi Sơn kiến nghị về việc hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy phải điều chỉnh dẫn đến chậm trễ trong việc thẩm định hồ sơ xây dựng...
Kết thúc quý I-2023, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKTNS vẫn ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đạt gần 39.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Các DN đã nộp ngân sách Nhà nước 4.591 tỷ đồng, bằng 95% so với cùng kỳ. Hiện nay, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án mới, giá trị gia tăng cao; đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiện hữu đầu tư mở rộng quy mô, công suất, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1... có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động như: Nhà máy Xi măng Đại Dương 1 và 2, Nhà máy sản xuất lốp ôtô Radial, Nhà máy Sản xuất găng tay Nitrile Intco, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy khung tranh Intco, Nhà máy Hóa chất Đức Giang, các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư như: Nhà máy Luyện cán thép DST Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương, Khu nuôi trồng thủy hải sản VNC... để gia tăng giá trị sản lượng hàng hóa trong thời gian tới.