Thảo luận giải pháp khử carbon và bảo đảm an ninh năng lượng
Tiến sĩ Sultan Ahmed Al Jaber, Chủ tịch kiêm nhiệm COP28 kiêm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) nêu rõ, ngành công nghiệp dầu khí đóng vai trò quan trọng giúp giải quyết các thách thức về năng lượng. ADIPEC 2023 sẽ là nơi để các nước thảo luận các giải pháp và thúc đẩy hành động, trước những thách thức lớn nhất về khí hậu và năng lượng mà thế giới phải đối mặt hiện nay.
Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) là tổ chức toàn cầu triển lãm và hội nghị năng lượng lớn, tập hợp các ngành công nghiệp với một mục tiêu chung - “khử carbon”. ADIPEC 2023 được tổ chức tại Abu Dhabi từ ngày 2 - 5.10, đã quy tụ hơn 160.000 người tham dự từ 160 quốc gia. Hơn 40 bộ trưởng và 120 Giám đốc điều hành toàn cầu sẽ đóng góp vào hơn 350 phiên hội nghị, hướng tới giải quyết các ưu tiên quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm giải quyết khí thải metal và khí thải carbon, tăng cường đầu tư vào công nghệ và năng lượng tái tạo, khử carbon trong các ngành công nghiệp nặng và phát triển năng lượng tái tạo.
"Cùng nhau thúc đẩy khử carbon nhanh hơn"
Đề cập đến nhu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, Tiến sĩ Sutan Ahmed Al Jaber cho biết, trong một thời gian dài, ngành này đã được coi là một phần của vấn đề, trong một số trường hợp thậm chí còn cản trở tiến độ, và thông qua sự kiện này, ngành công nghiệp dầu khí sẽ chứng minh vai trò giúp thúc đẩy các giải pháp. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng của UAE Suhail Bin Mohamed Al Mazrouei cho biết: “Hợp tác quốc tế là rất quan trọng để giải quyết các thách thức năng lượng, và ADIPEC sẽ đóng vai trò là nền tảng lý tưởng để đưa những nỗ lực tập thể về khử carbon lên một tầm cao mới và chúng tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác”.
Sở hữu một trong những ngành công nghiệp năng lượng sạch phát triển nhanh nhất thế giới, UAE đặt mục tiêu tạo ra tổng công suất 19,8 gigawatt năng lượng sạch vào năm 2030. Ngoài ra, UAE mong muốn trở thành nhà sản xuất và cung cấp hydro carbon thấp hàng đầu, hướng tới sản xuất 1,4 triệu tấn hydro carbon thấp mỗi năm vào năm 2031 và 15 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Chủ tịch ADIPEC 2023 và Giám đốc điều hành của ADNOC Offshore Tayba Al Hashemi cho biết, đến năm 2030, thế giới sẽ có thêm nửa tỷ người, và nhu cầu về năng lượng sẽ tăng lên mỗi năm. Cùng với đó là những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi các giải pháp khẩn cấp, mang tính thay đổi cuộc chơi để loại bỏ khí thải. Mỗi chính phủ, ngành công nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân đều có vai trò trong việc khử carbon và tạo ra tương lai năng lượng nhanh hơn, cũng như bảo vệ an ninh năng lượng và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ đề của ADIPEC 2023 là “Cùng nhau thúc đẩy khử carbon nhanh hơn”, đây còn là lời kêu gọi tập hợp các ngành cùng nhau hợp tác để chuyển đổi, khử carbon và hướng tới tương lai cho ngành. UAE mong muốn đẩy nhanh quá trình đổi mới và các hành động hữu hình cần thiết để tạo ra một tương lai phát thải ít carbon hơn và tăng trưởng cao hơn cho thế giới.
Tận dụng lợi thế và thúc đẩy đầu tư
Những người đứng đầu các tập đoàn dầu khí lớn đã tập trung tại ADIPEC 2023 để tái khẳng định cam kết của họ đối với các hành động cụ thể sẽ cho phép khử carbon và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường chi tiêu cho các công nghệ nhằm giảm lượng khí thải từ sản xuất nhiên liệu hóa thạch. 10 CEO nổi bật từ khắp nơi trên thế giới đã giới thiệu cách tiếp cận thống nhất của ngành trong việc thúc đẩy đầu tư và quan hệ đối tác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và kích thích đổi mới. Các công ty dầu mỏ đã bị chỉ trích vì không thực hiện đủ nhanh các mục tiêu về khí hậu, ngay cả khi tình trạng đầu tư thiếu hụt thường xuyên vào lĩnh vực dầu khí làm tăng thêm sự biến động của thị trường dầu thô. Dầu thô Brent, chuẩn mực cho 2/3 lượng dầu thế giới, tăng khoảng 22% trong quý 3 do việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ thắt chặt nguồn cung dầu thô.
Phát biểu tại ADIPEC 2023, Bộ trưởng al-Mazrouei nhấn mạnh, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quan tâm tới việc đảm bảo mức giá năng lượng phù hợp với người tiêu dùng về lâu dài, chứ không chỉ trong "thời gian rất ngắn". Do đó, ông cho rằng các nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt để đảm bảo giá nhiên liệu hợp lý. Trước đó, cũng tại sự kiện trên, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, đồng thời nói rõ rằng lời kêu gọi dừng đầu tư vào ngành này sẽ phản tác dụng.
Theo Tổng Thư ký OPEC, việc đầu tư vào lĩnh vực dầu khí rất quan trọng đối với an ninh năng lượng vì nhiều nước đang ở tình trạng công suất dự phòng cạn kiệt. Điều này đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan để nhận thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào dầu mỏ. Trong báo cáo công bố hồi tháng trước, OPEC cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 sẽ vượt các mức trước đại dịch Covid-19. Nhằm ổn định thị trường dầu mỏ, OPEC+ đã bắt đầu hạn chế nguồn cung từ cuối năm 2022. Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023, giá dầu Brent đã vượt mức 90 USD/thùng vào tuần trước.
Những người đứng đầu ngành năng lượng toàn cầu đang kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào các dự án dầu khí trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng hơn do cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo báo cáo, chi tiêu vốn ở thượng nguồn dầu khí đã tăng 39% lên 499 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2014, song chi tiêu thượng nguồn hàng năm cần tăng lên 640 tỷ USD vào năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn cung. Giám đốc điều hành của Occidental Petroleum (Oxy) Vicki Hollub cho biết, dầu và khí đốt rất cần thiết trên thế giới và có thể tiếp tục được sản xuất nếu chúng sản xuất theo cách tốt hơn. Theo đó, công ty có trụ sở tại Mỹ đang tìm cách sản xuất nhiều dầu hơn từ các hồ chứa hiện có đồng thời giảm lượng khí thải. Bà Vicki Hollub nhấn mạnh rằng, công ty này đang thực hiện điều đó theo cách đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và mang lại giá trị cho các cổ đông của công ty.
Vào hồi tháng 8, Adnoc và Oxy đã ký thỏa thuận đánh giá cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) tại UAE và Mỹ. Thỏa thuận này là một phần của Quan hệ đối tác Mỹ-UAE nhằm tăng tốc năng lượng sạch (Pace), mối quan hệ đối tác trị giá 100 tỷ USD giữa hai nước được công bố vào năm ngoái.
Cần một kế hoạch quản lý tốt và công bằng
Các nền kinh tế toàn cầu hiện đang phụ thuộc vào lượng dầu, khí đốt và than tương đương 250 triệu thùng mỗi ngày. Theo Tiến sĩ Sultan Al Jaber, nhu cầu là phải thay thế - hoặc khử carbon - để mở đường cho một tương lai bền vững. Một số xu hướng đang được khích lệ, chẳng hạn như thu hút khoản đầu tư 'công nghệ sạch' kỷ lục 1,7 nghìn tỷ USD, bổ sung 440GW năng lượng tái tạo vào lưới điện toàn cầu vào năm 2023 và doanh số bán xe điện tăng gấp ba lần trong ba năm. Tuy nhiên, điều cần thiết là một kế hoạch chuyển đổi năng lượng được quản lý tốt và công bằng.
Bên cạnh đó, ông Sultan Al Jaber cũng đã đề cập đến chiến lược ba hướng: Giảm lượng khí thải từ sản xuất năng lượng và giúp các công ty đạt được mục tiêu không phát thải. Loại bỏ việc đốt lửa thường xuyên vào năm 2030; Ngành năng lượng phải giúp đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp ba lần công suất tái tạo lên 11.000GW; Các lĩnh vực sử dụng nhiều như thép, xi măng, nhôm và giao thông vận tải phải áp dụng các giải pháp carbon thấp như hydro, thu hồi carbon, lưu trữ pin và nhiên liệu tái tạo.
Về mặt tích cực, việc áp dụng năng lượng tái tạo đã đạt được động lực, một phần do sự gián đoạn của thị trường dầu khí toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã kêu gọi tăng đáng kể chi tiêu cho năng lượng sạch, từ 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023 lên 4,5 nghìn tỷ USD hàng năm trong thập kỷ tới, để cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Ngoài ra, IEA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu lên 11.000 GW vào cuối thập kỷ này.