Thảo luận Tổ 01: Cần coi khoa học xã hội nhân văn là hồn cốt, sức mạnh của dân tộc
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 01
Thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), đa số đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra và khẳng định, việc xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”. Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nội dung về phát triển điện hạt nhân, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân…
Nhiều điểm mới được coi là “khoán 10” đối với nhà khoa học
Cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết, nhất là trong thời điểm Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, điểm nổi bật của dự thảo Luật này là nhấn mạnh va trò của đổi mới sáng tạo bên cạnh khoa học công nghệ; phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm công nghệ mới. Bên cạnh đó, rất nhiều khái niệm mới được đưa vào như liêm chính khoa học, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, kiểm thử thí điểm, hệ thống đổi mới sáng tạo, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu… Đây là điểm mới rất tiến bộ, nhằm khuyến khích sáng tạo, dám thử nghiệm.

Đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong bối cảnh sự chuyển dịch sản xuất giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nếu không quan tâm đầu tư vào đổi mới sáng tạo, sau một chu kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh, nền kinh tế dễ gặp nguy cơ bong bóng bất động sản, nguy cơ mất cân đối thị trường lao động, thị trường tài chính.
“Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt quan trọng, là luật đầu tiên giúp khơi thông khu vực kinh tế tư nhân, vai trò của khu vực công – tư; luật có sự tinh giản, cô đọng về cấu trúc, có đổi mới tư duy trong tiếp cận đầu ra, là nền tảng để hình thành thị trường khoa học công nghệ”, đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định.
Về quy định liên quan đến thương mại hóa sản phẩm, có một số ý kiến băn khoăn về đề xuất phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ hay phân chia lợi nhuận sau thuế. Đại biểu Lê Quân cho rằng, quy định theo hướng phân chia lợi nhuận sau thuế, sau khi chuyển giao, trừ chi phí, còn lại lợi nhuận để phân chia (tối thiểu 30% cho nhà khoa học, tối thiểu 30% cho các cá nhân có liên quan đến quá trình chuyển giao, còn lại dành cho các hoạt động khác) là phù hợp.
Đại biểu cho rằng, đây là điểm mới, có thể coi là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học, bởi nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và kết hợp với thị trường và doanh nghiệp sẽ mang lại nguồn thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn thương mại hóa sản phẩm trong một số trường hợp vì mục đích an ninh, quốc phòng hay hoạt động hợp tác có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, nên áp dụng theo cơ chế thỏa thuận.
Một số ý kiến cho rằng, khi xây dựng luật, cần coi cơ sở giáo dục đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Đại biểu cho biết, các trường đại học của nhiều quốc gia trên thế giới đều có tổ hợp nghiên cứu; các nhà giáo ở trường đại học đều là các nhà nghiên cứu và không phân biệt nhà giáo và nhà nghiên cứu. Dự thảo luật chỉ đề cập đến cơ sở giáo dục đại học 15 lần, trong khi các tổ chức khoa học công nghệ đề cập 33 lần, như vậy có khoảng cách rất lớn giữa những việc cơ sở giáo dục đại học và tổ chức khoa học công nghệ được làm. Đại biểu đề nghị thống nhất trong dự thảo luật theo hướng đơn vị nào có đủ năng lực có thể tham gia vào hoạt đông nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cần coi khoa học xã hội nhân văn là hồn cốt, sức mạnh của dân tộc
Đánh giá cao dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến và đề cập đến khoa học cơ bản và đầu tư cho khoa học cơ bản, một số đại biểu đề nghị cần chú ý đến khoa học xã hội và nhân văn – bởi đây là hồn cốt của dân tộc, giá trị truyền thống, mang lại sức mạnh của dân tộc. Nhưng không giống với các ngành khoa học khác, khoa học xã hội nhân văn cần có cơ chế đặc thù là nhà nước đảm bảo kinh phí nghiên cứu, giúp các ngành khoa học xã hội nhân văn phát triển.

Đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu
Phân tích thêm vai trò của ngành khoa học xã hội và nhân văn, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo luật đã xác định rõ khoa học xã hội nhân văn là bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia, có vai trò quan trọng trong cung cấp luận cứ về xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Đây là định hướng đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay; kết hợp hài hòa giữa khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, so với tầm vóc và nhiệm vụ của khoa học xã hội nhân văn trong giai đoạn hiện nay, cần bổ sung vào dự thảo luật. Bở quy định như dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa đủ mạnh mẽ, chưa đủ cụ thể, nhất là quy định về chính sách tài trợ, lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, cơ chế hỗ trợ cho khoa học xã hội nhân văn… vẫn chưa tạo động lực để khoa học xã hội nhân văn bứt phá và đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Qua tham khảo kinh nghiệm các nước, đại biểu cho biết, các nước đều coi trọng sự phát triển của khoa học xã hội nhân văn, coi đây là trụ cột quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; các quốc gia đều có các cơ quan chuyên trách về khoa học xã hội, khoa học hành vi; có chính sách đầu tư riêng và chính sách tài trợ dài hạn về lĩnh vực này. Do vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị quy định rõ hơn việc xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn. Điều này vừa thể hiện sự coi trọng lĩnh vực này, vừa tạo khuôn khổ để triển khai đồng bộ tại trung ương và địa phương.
Tại khoản 3, Điều 29 của dự thảo luât quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, một số đại biểu đề nghị cần xác định các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của khoa học xã hội và nhân văn trong kỷ nguyên mới, như: nghiên cứu về xã hội số; tác động xã hội của chuyển đổi số, dữ liệu xã hội, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, xã hội học về môi trường, kinh tế học hành vi, an ninh phi truyền thống... Đây là những lĩnh vực được nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, cuộc cách mạng 4.0, biến đổi khí hậu…
Một số hình ảnh tại Tổ 01:

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Các đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93917