Tháo nghẽn thể chế, lấy lại vị thế đầu tàu tăng trưởng cho TPHCM
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, tăng trưởng GRDP TPHCM có cải thiện và cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng vẫn thấp hơn thường lệ vốn có. TP cần sớm tháo điểm nghẽn thể chế, gỡ thắt hạ tầng, phát triển xứng tầm lấy lại vị thế đầu tàu tăng trưởng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong 9 tháng qua, nền kinh tế và các lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu… đã dần hồi phục, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Thế nhưng tăng trưởng GDP của cả nước chưa tạo đà đủ mạnh cho năm 2024?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Theo dự đoán của tôi tăng trưởng GDP cả nước năm 2023 không quá 5% và năm 2024 vào khoảng 5,5%. Năm 2024 vẫn là năm khó khăn đối với doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và DN ở TPHCM nói riêng.
Trong đó, sản xuất công nghiệp, nhất là chế tác, chế tạo và xuất khẩu không có cải thiện nhiều. Về dịch vụ, nhất là ăn uống, lưu trú và các dịch vụ khác liên quan đến du lịch quốc tế có thể cải thiện, nhưng khả năng cải thiện không nhiều và vẫn chưa thể vượt qua khó khăn.
Điểm sáng là hầu hết ngành đều có tăng trưởng. Tuy vậy, công nghiệp phục hồi dần nhưng mới bắt đầu có tăng trưởng dương, đến nay mức tăng trưởng vẫn thấp và năm nay khó có thể khôi phục lại như 2022 về trước. Xuất khẩu có cải thiện, nhưng vẫn giảm nhiều so với 2022. Dấu hiệu phục hồi xuất khẩu khá yếu, chưa rõ và còn thấp xa so với các năm trước, nên chưa thể hy vọng có đột biến trong năm 2024.
Dịch vụ được coi là động lực hy vọng nhất hiện nay, nhưng mức độ tăng đang có xu hướng giảm và khó có thể cải thiện trong quý IV và năm 2024. Chỉ có đầu tư công tăng mạnh; nhưng không dẫn dắt đầu tư tư nhân như mong đợi; đầu tư khác, nhất là tư nhân trong nước tăng rất thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tình hình có lẽ không có cải thiện đáng kể năm 2024. DN tạm dừng kinh doanh vẫn tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các ngành kinh tế, nhất là ở các ngành đã và đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
- Trong bối cảnh chung cả nước như vậy, theo ông kinh tế TPHCM có điểm gì cần lưu ý, cũng như có những cơ hội và thách thức nào?
- Tăng trưởng GRDP TPHCM có cải thiện, tăng trưởng quý III tiếp tục tăng cao hơn 2 quý trước và đạt 6,71%. GRDP 9 tháng của TP tăng 4,57%. Tuy tăng trưởng của TPHCM có cải thiện và cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng vẫn thấp hơn thường lệ vốn có.
Cơ cấu DN TPHCM theo ngành hầu như không thay đổi đáng kể, với khoảng 14% số DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; 11% trong xây dựng. Trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ là 40%. Tỷ trọng DN trong các ngành liên quan đến du lịch khá thấp.
Đáng chú ý, giá trị gia tăng công nghiệp xây dựng chỉ tăng 2,7%, thấp hơn các TP trực thuộc Trung ương khác (trừ Đà Nẵng là TP du lịch). Dịch vụ chỉ tăng 5,67%, thấp hơn bình quân cả nước.
Một số ngành như chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, nhà hàng khách sạn… vốn đã chịu tác động khá mạnh bởi đại dịch và có thể tiếp tục bất lợi trong giai đoạn hiện nay. Về cơ hội, trước hết cầu bên ngoài có thể cải thiện, nhưng chưa nhiều.
Thứ hai, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể có cải thiện hơn nhờ cú hích này, xuất khẩu cũng có thêm cơ hội.
Thứ ba, kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định; lạm phát trong khả năng kiểm soát. Tiếp nữa, xuất siêu tiếp tục duy trì. Sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định; và sản xuất công nghiệp phục hồi nhẹ và không còn tăng trưởng âm. Nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh và có mức tăng trưởng cao. Chính sách visa du lịch quốc tế tiếp tục phát huy tác dụng; nên du lịch quốc tế tiếp tục cải thiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 sẽ được khẩn trương thực hiện, nhiều dự án hạ tầng trong khu vực TPHCM sẽ được triển khai thực hiện như Vành đai 3, Biên Hòa-Đồng Nai, Sân bay Long Thành… sẽ tạo lợi thế và động lực cho TP. Đặc biệt, DN xây dựng TP có thể được hưởng lợi từ đầu tư công, nhất là thực hiện các dự án giao thông quan trọng quốc gia, các dự án giao thông đô thị theo Nghị quyết 98.
Nhưng cũng như nền kinh tế chung, sự phát triển của TPHCM có những yếu tố không tích cực. Đó là nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài vẫn thấp, nhất là từ các nước bạn hàng chủ yếu (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…).
Xuất khẩu vẫn khó khăn, nhất là sản phẩm chế tác chế tạo dù có cải thiện với mức không đáng kể. Đến nay vẫn có những dự đoán về sự suy thoái ở một số quốc gia bạn hàng chủ yếu. Các đối tác vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ; lãi suất và lạm phát vẫn cao hơn thông lệ và chuẩn mực phổ biến đang áp dụng; làm chúng ta không có dư địa giảm lãi suất và có thể gây nên biến động nhất định của tỷ giá.
- Ông có gợi ý gì về việc TPHCM triển khai thực hiện Nghị quyết 98?
- Tôi kỳ vọng Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để TP phát triển. Kỳ vọng TPHCM sẽ tháo gỡ được gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tháo được nút thắt về hạ tầng để thực sự phát triển xứng tầm lấy lại vị thế đầu tàu tăng trưởng.
Nghị quyết 98 thêm công cụ để chúng ta thực hiện tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông kinh tế cho TP. Nhưng nghị quyết chỉ đang tháo gỡ những thứ lâu nay TP đang gặp phải hàng ngày mà chưa gỡ hết.
Vì thế vẫn còn nhiều thứ phải làm. Hiệu quả của nghị quyết có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai. Không chỉ triển khai thành công Nghị quyết 98, mà phải xem cuộc sống của người dân thay đổi thế nào, kinh tế phát triển ra sao…
- Xin cảm ơn ông.
TPHCM đang quyết liệt triển khai để đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống; nỗ lực khai thác cơ chế đặc thù, phát triển nguồn lực nội sinh, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội… để bứt phá, tạo liên kết vùng, từ đó tạo đà kéo tăng trưởng chung cả nước.