Thật sự lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn vốn.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan...
Dù Trung ương và tỉnh rất quyết liệt, nhưng thực tế triển khai thực hiện các thủ tục hành chính vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng một số cơ quan bê trễ trong công việc, cán bộ né tránh, đùn đẩy gây khó khăn cho doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều nơi. Phát biểu tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa diễn ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan nêu quan điểm là đang có một “cơn bão ngầm” trong cải cách hành chính.
Dĩ nhiên không phải khâu nào, thời điểm nào doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc trong triển khai dự án, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, sau những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt bởi dịch bệnh COVID-19 cũng như phải đóng cửa để khắc phục hạ tầng phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới, nhiều doanh nghiệp đã trở nên suy kiệt, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi là rất cần thiết. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thì nhiều thủ tục hành chính khác cũng cần được đơn giản hơn, tiết giảm những yêu cầu không quá cần thiết.
Ngày 13-7-2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Công điện nêu rõ thời gian gần đây việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu phải ngay lập tức chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Mọi quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực và mục tiêu của sự phát triển. Cải cách thủ tục hành chính trên hết phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng phải tổ chức thực hiện quyết liệt, thống nhất và hiệu quả; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết. Trong thực hiện cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Doanh nghiệp là những chủ thể tạo ra việc làm và đóng thuế lớn cho ngân sách Nhà nước. Từ nguồn thuế này mới có kinh phí đầu tư phát triển, trong đó có tiền trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức. Vì sự phát triển thật sự, hài hòa lợi ích, mỗi cơ quan, địa phương và từng cá nhân được giao nhiệm vụ tiếp xúc, xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp hãy nhìn nhận, xác định lại tâm thế, trách nhiệm của mình, để phục vụ doanh nghiệp và người dân một cách tốt nhất, đảm bảo các quy định, nhất là tuân thủ nghiêm Công điện số 644/CĐ-TTg.