Thầy cô nhắn học sinh học làm người tử tế trước khi nghĩ đến 'ông nọ, bà kia'

Các thầy cô giáo bày tỏ mong muốn học sinh hãy học một cách thực chất, để trở thành người tử tế từ những việc nhỏ nhất.

Sáng 1/6, trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cũng như các học sinh đã dành nhiều thời gian tri ân cố nhà giáo Văn Như Cương (người sáng lập trường THCS và THPT Lương Thế Vinh) và triết lý giáo dục của ông. Những quan điểm giáo dục của ông, theo nhiều người, vẫn còn giá trị ở cuộc sống hiện tại và ngành giáo dục.

GS Đỗ Đức Thái cùng cô Trịnh Thu Tuyết (trái) và Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương (phải) chia sẻ với học sinh trường THCS và THPT Lương Thế Vinh.

GS Đỗ Đức Thái cùng cô Trịnh Thu Tuyết (trái) và Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương (phải) chia sẻ với học sinh trường THCS và THPT Lương Thế Vinh.

GS Đỗ Đức Thái, nguyên Trưởng khoa Toán – Tin trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của cố nhà giáo Văn Như Cương, chia sẻ: “Những điều mà thầy Cương cũng như tất cả mọi người mong muốn đó là giáo dục phải làm được việc “thực học, thực nghiệm”.

GS Thái cho hay, các em học sinh cần phải hướng đến việc “học thật”. “Học để sau này có thể có một nghề nghiệp lao động thực sự vững vàng để nuôi được bản thân, gia đình của riêng mình và đóng góp cho sự phát triển của cả xã hội, đất nước. Học để thành người tử tế - nói thì dễ, nhưng làm khó lắm. Học để làm người tử tế đòi hỏi suốt đời phải phấn đấu mới có thể làm được”, ông Thái nói.

Các học sinh trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Các học sinh trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Những điều này cùng với nhiều tư tưởng khác nữa được học từ cố nhà giáo Văn Như Cương, giờ đây, bản thân ông vẫn thực hiện trong các công việc hàng ngày.

“Giá trị cuối cùng của một con người không phải được đo bằng tiền bạc, sự giàu có, địa vị xã hội, hay sự thành công trong nghề nghiệp, học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ... mà giá trị đích thực của một người là giá trị nhân cách, nhân văn và sự đóng góp của người đó với tư cách một con người bình thường nhất đối với xã hội”, GS Thái nói. Ông cho rằng, đó cũng là một trong những tư tưởng căn bản xuyên suốt cuộc đời cố nhà giáo Văn Như Cương.

Những điều này theo ông Thái, trước đây được chú trọng nhiều. Giờ đây do bối cảnh xã hội thay đổi, ít được chú trọng hơn.

Ảnh: Thanh Hùng.

Ảnh: Thanh Hùng.

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết, người có rất nhiều năm tham gia giảng dạy tại trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, cho rằng, trước khi trở thành "người nọ người kia", các em học sinh hãy hướng mình trở thành những người tử tế.

Gần 30 năm công tác tại trường, cô Tuyết cho hay, có lẽ trong ấn tượng của các học sinh cô là một trong những giáo viên không hề dễ tính.

“Khái niệm tử tế thật ra nó cũng không phải là điều cao siêu gì cả. Đó là những việc làm rất nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi bắt đầu một năm học, tôi thường dành hẳn một tiết đầu tiên chỉ để chia sẻ và nói với các học sinh một vài quy định nhỏ nhưng trở thành một nguyên tắc, tất cả các khóa học sinh đều biết đến. Đó là khi tôi bước vào lớp, mép bàn ghế của các em ngồi học phải ngay ngắn, thẳng hàng; còn trên bàn của thầy cô phải sạch sẽ, ngăn nắp. Với những lớp tôi dạy, cũng không bao giờ được tồn tại việc khi cô bước vào, học sinh chưa quét lớp. Tôi muốn giáo dục cho các em hãy là người tử tế từ những việc nhỏ nhất đó”, cô Tuyết chia sẻ.

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh chia sẻ với các học sinh.

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh chia sẻ với các học sinh.

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, cũng nhắn nhủ các học sinh, việc tử tế đôi khi đến từ những việc rất nhỏ ngay với chính những người xung quanh hằng ngày.

“Có thể các em còn bắt bố mẹ làm, phục vụ nhiều việc cho mình, hay lúc nào cũng cần phải có người giúp việc. Một số em về đến nhà chỉ biết vứt cặp sách xuống, không biết gấp quần áo... chỉ biết học mà không biết được rằng bố mẹ phải tốn bao nhiêu công sức, tiền của, trăn trở dành cho mình. Đó cũng là một sự thiếu tử tế”, bà Dương chia sẻ.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thay-co-nhan-hoc-sinh-hoc-lam-nguoi-tu-te-truoc-khi-nghi-den-ong-no-ba-kia-2286797.html