Thay đổi khả năng đáp ứng miễn dịch sau mắc COVID-19 có thể liên quan tới giới tính

Theo kết quả nghiên cứu mới đây, khi tìm hiểu cơ chế COVID-19 tác động đến khả năng đáp ứng miễn dịch ở người khi nhiễm các mầm bệnh virus tiếp theo, các nhà khoa học đã nhận thấy có sự khác biệt giữa đáp ứng miễn dịch ở nam giới và nữ giới.

Đáp ứng miễn dịch với mầm bệnh ở nam giới khác với nữ giới sau mắc COVID-19

Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) Mỹ tiến hành phân tích đáp ứng miễn dịch của những người khỏe mạnh đã được tiêm vaccine cúm. Sau đó, họ so sánh đáp ứng miễn dịch ở những người chưa từng mắc COVID-19 với những người mắc COVID-19 nhẹ và đã hồi phục.

Nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên khi nhận thấy những nam giới bị mắc COVID-19 nhẹ có biểu hiện đáp ứng miễn dịch với vaccine cúm mạnh hơn so với phụ nữ bị mắc COVID-19 nhẹ hoặc những người thuộc cả hai giới chưa từng mắc COVID-19.

Tác giả nghiên cứu John Tsang, giáo sư về sinh học miễn dịch và kỹ thuật y sinh tại Đại học Yale ở New Haven (Mỹ) cho biết, điều này có nghĩa là trạng thái miễn dịch nền ở những nam giới bị mắc bệnh trước đó đã bị thay đổi dẫn tới sự thay đổi trong phản ứng với một loại virus khác.

"Đây là điều đáng ngạc nhiên vì phụ nữ thường có đáp ứng miễn dịch chung mạnh mẽ hơn đối với mầm bệnh và vaccine, nhưng cũng có khả năng cao hơn mắc các bệnh tự miễn dịch so với nam giới" - John Tsang cho biết thêm.

Theo nhóm nghiên cứu, ngay cả những trường hợp COVID-19 nhẹ cũng có thể gây ra phản ứng viêm mạnh hơn ở nam giới so với nữ giới. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi rõ rệt hơn đối với hệ thống miễn dịch của nam giới, thậm chí những thay đổi này tồn tại rất lâu sau khi hồi phục.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một số khác biệt về phản ứng miễn dịch giữa nam giới đã hồi phục sau mắc COVID-19 so với nam giới chưa từng mắc COVID-19 và phụ nữ đã hồi phục sau mắc COVID-19, cả trước và sau khi tiêm phòng cúm. Cụ thể, những nam giới đã từng mắc COVID-19 tạo ra nhiều kháng thể hơn đối với bệnh cúm cũng như tăng nồng độ interferon, là các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch để đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng hoặc vaccine. Thông thường, phụ nữ khỏe mạnh có đáp ứng interferon mạnh hơn nam giới.

Đáp ứng miễn dịch với mầm bệnh ở nam giới khác với nữ giới sau mắc COVID-19

Đáp ứng miễn dịch với mầm bệnh ở nam giới khác với nữ giới sau mắc COVID-19

Ý kiến chuyên gia

Theo các chuyên gia, với hơn 600 triệu người trên toàn thế giới đã mắc COVID-19, việc hiểu được những tác động kéo dài của COVID-19 đối với hệ thống miễn dịch là rất quan trọng. Đặc biệt, sự xuất hiện các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở một số người tiếp tục là mối quan tâm lớn về sức khỏe.

Theo các nhà khoa học, phát hiện mới này cũng tương đồng với một quan sát được thực hiện sớm trong đại dịch cho thấy rằng nam giới có nhiều khả năng tử vong do phản ứng miễn dịch quá mức cao hơn so với phụ nữ khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Rachel Sparks tại Viện nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết: "Kết quả nghiên cứu mới cho thấy rằng, bất kỳ tình trạng nhiễm trùng hoặc phản ứng miễn dịch nào cũng có thể làm thay đổi trạng thái miễn dịch để thiết lập trạng thái mới. Trạng thái miễn dịch của một người có thể được định hình bởi nhiều lần phơi nhiễm và nhiễu loạn miễn dịch trước đó".

"Kết quả nghiên cứu mới này có thể giúp các nhà khoa học tạo ra vaccine tốt hơn chống lại các mối đe dọa đa dạng của mầm bệnh" - Tsang cho biết thêm.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

BS. Nhật Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thay-doi-kha-nang-dap-ung-mien-dich-sau-mac-covid-19-co-the-lien-quan-toi-gioi-tinh-169230106125739639.htm