Thay đổi tư duy để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạt tầng giao thông

Chiều 7.6, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông – vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Cơ bản triển khai hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ được giao

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ Giao thông – Vận tải luôn lắng nghe tiếp thu đầy đủ các ý kiến và đang nỗ lực hết sức quyết tâm thực hiện thắng lợi những chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm kịp thời hoàn thành những công trình hạ tầng giao thông chiến lược, hiện đại và an toàn để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; đóng góp hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành giao thông - vận tải. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự đồng hành, ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội, toàn ngành giao thông – vận tải đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, qua đó đã cơ bản triển khai hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ được giao.

Điển hình như công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã đạt trên 96,5% kế hoạch; 5 tháng đầu năm 2023 đã đạt trên 30% kế hoạch, tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Tiến độ hoàn thành các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông – vận tải cơ bản được bảo đảm, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 566km đường cao tốc từ đầu nhiệm kỳ. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế được Bộ và các địa phương triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ được giao và sẽ khởi công vào cuối tháng 6.2023. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm ở cả ba tiêu chí. Công tác hoàn thiện thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số cho ngành giao thông – vận tải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho rằng, ngành còn những tồn tại, hạn chế cần quyết liệt xử lý như: tai nạn giao thông tuy đã được kéo giảm nhưng còn ở mức cao; sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác đào tạo sát hạch, cấp, quản lý, thu hồi giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực…

Khẳng định nhiệm vụ của ngành giao thông – vận tải từ nay đến cuối năm 2023 và các năm tiếp theo còn rất nặng nề, thách thức, bản thân Bộ trưởng mới có 7 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là động lực để Bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có những đột phá

Trước đó, trong Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương và của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta đã có những đột phá đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đến nay nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, cũng như góp phần hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Trong đó, mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km (từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành 566km/3 năm bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây khoảng 1.163km) góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.071km; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công các đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và một số tuyến cao tốc để hoàn thành thêm khoảng 344km, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc.

Hệ thống hạ tầng đường sắt cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, trong đó đã hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh góp phần rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn; đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại, hoàn thành năm 2025; đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn: Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Bộ trưởng cũng cho biết, hệ thống cảng biển đến nay đạt được những kết quả đáng ghi nhận; đường thủy nội địa đã cải tạo, đưa vào khai thác 17 tuyến vận tải, cơ bản từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải thủy; hệ thống cảng hàng không đã cải tạo và đưa vào khai thác 22 cảng cơ bản đáp ứng nhu cầu hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, theo Bộ trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn những điểm nghẽn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vốn đầu tư mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã đề ra; việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành tại một số dự án chưa bắt kịp yêu cầu, chậm đổi mới. Việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án.

Do vậy, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạt tầng giao thông, Bộ Giao thông – Vận tải đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo, thực hiện gồm: Thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận; huy động sự nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương; mạnh dạn phân cấp từ trung ương đến địa phương. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng.

Huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực, xây dựng và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các cảng biển, cảng hàng không quan trọng. Tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác...

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thay-doi-tu-duy-de-hoan-thien-he-thong-ket-cau-hat-tang-giao-thong-i331740/