Thấy gì trong bức tranh bầu cử Iran?

Sau 5 ngày quốc tang chính thức dành cho cố Tổng thống Ebrahim Raisi, Iran bắt đầu bước vào chiến dịch tìm kiếm người kế nhiệm ông - cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức trong thời gian ngắn nhất lịch sử. Hiện có 20 ứng cử viên đang được đề cập đến, nhưng các nhà phân tích đã tập trung vào một bức tranh rõ ràng hơn với 5 gương mặt nổi bật.

Một tháng cho tất cả

Cơ quan Bầu cử Iran cho biết, các ứng cử viên bắt đầu đăng ký tranh cử từ ngày 31.5 đến ngày 3.6. Những điều kiện và trình độ mà ứng cử phải đáp ứng bao gồm: phải người gốc Iran, quốc tịch Iran, có thành tích và danh tiếng tốt, đồng thời cam kết tuân thủ các nguyên tắc và cơ bản cũng như tôn giáo chính thức của đất nước đạo Hồi.

Từ trái sang là các ứng cử viên: Mohammad Mokhber, Mohammad Bagher Ghalibaf, Ali Larijani, Saeed Jalili và Mohammad Javad Zarif. Ảnh: The National News

Từ trái sang là các ứng cử viên: Mohammad Mokhber, Mohammad Bagher Ghalibaf, Ali Larijani, Saeed Jalili và Mohammad Javad Zarif. Ảnh: The National News

Sau khi đăng ký thành công, các ứng cử viên sẽ tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử từ ngày 12 đến 27.6 và cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày 28.6. Như vậy, quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử chỉ diễn ra trong đúng một tháng, bao gồm các khâu hậu cần, thẩm tra tư cách ứng cử viên, vận động tranh cử và bỏ phiếu.

Một trong những điều kiện quan trọng đối với các ứng cử viên là phải được sự chấp thuận của Hội đồng Giám hộ - một cơ quan gồm 12 giáo sĩ, trung thành với vị lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Hội đồng Giám hộ sẽ công bố danh sách các ứng cử viên được phê duyệt khoảng hai tuần trước cuộc bỏ phiếu. Theo tiền lệ, có thể có tới 10 ứng cử viên được phép tham gia vòng đầu tiên, mặc dù thực tế chỉ có 4 ứng cử viên thực sự qua được “vòng” của Hội đồng Giám hộ tại cuộc bầu cử năm 2021. Trong cuộc bầu cử năm nay, có 5 gương mặt được đánh giá là tiềm năng nhất.

Tổng thống lâm thời Mohammad Mokhber

Một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất cho cuộc đua vào tháng tới là quyền Tổng thống Mohammad Mokhber, người rất được lòng lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống thứ nhất vào năm 2021, ông Mokhber lên nắm quyền Tổng thống theo quy định của Hiến pháp Iran sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng.

Trên cương vị Phó Tổng thống Iran, ông Mokhber đã trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên bình diện ngoại giao khi được tin tưởng giao phó tiếp xúc với các quan chức cấp cao Nga, Syria, Trung Quốc - 3 trong số những đồng minh thân cận hàng đầu của Iran. Ông cũng là người được đích thân Tổng thống Raisi chỉ định phát triển kế hoạch chiến lược về công nghiệp và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Không chỉ là một nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc trong lĩnh vực chính trị, nhà lãnh đạo sinh năm 1955 này còn nắm rất nhiều quyền lực kinh tế của Iran. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống, ông Mokhber đã có 14 năm làm Giám đốc Setad - một tập đoàn kinh tế hùng mạnh, được thành lập theo lệnh của lãnh đạo tối cao.

Ngoài ra, những kinh nghiệm lâu đời về quản lý các tổ chức và định chế tài chính lớn tại Iran như quỹ Mostazafan, Ngân hàng Sinai đã giúp ông Mokhber "lọt mắt xanh" của nhân vật quyền lực nhất Iran và từng bước thăng tiến nhanh chóng trên chính trường.

Cựu Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani

Cho đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn về việc liệu ông Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội trong 12 năm và là người theo chủ nghĩa trung dung đầy kinh nghiệm, có ra tranh cử hay không. Đó là bởi gánh nặng tâm lý của ông từ cuộc tranh cử Tổng thống năm 2021 khi ông bị Hội đồng Giám hộ loại khỏi danh sách ứng cử viên 3 tuần trước cuộc bầu cử bất chấp vào thời điểm đó ông được coi là ứng cử viên sáng giá.

Nếu tham gia, ông Larijani có lẽ là ứng cử viên Tổng thống có trình độ cao nhất trên chính trường xét về số lượng vị trí mà ông từng đảm nhiệm trong bộ máy của Cộng hòa Hồi giáo: Từng là chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, trước đây ông từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo, đồng thời là người đứng đầu Đài Truyền hình Nhà nước. Dưới thời cựu Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, ông từng giữ chức thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao đầy quyền lực trong 2 năm và trở thành nhà đàm phán hạt nhân cấp cao với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Sau đó ông trở thành Chủ tịch Quốc hội và giữ vị trí này từ năm 2008 đến năm 2020.

Nếu ông lọt vào danh sách tranh cử lần này, đây sẽ là một dấu hiệu chứng tỏ chế độ nhận thấy sự cần thiết của một vị trí Tổng thống có quyền lực thực sự.

Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf

Ông Ghalibaf, 62 tuổi, là Chủ tịch Quốc hội Iran từ năm 2020. Nếu tham gia trong cuộc bầu cử sớm năm nay, đây sẽ là lần tranh cử thứ tư của ông. Năm 2009, tư cách ứng cử viên của ông đã bị Hội đồng Giám hộ bác bỏ. Năm 2013, ông giành vị trí thứ hai, sau cựu Tổng thống Hassan Rouhani. Năm 2017, trong nỗ lực tranh cử lần thứ ba của mình, ông Ghalibaf đã rút lui để mở đường cho cuộc chiến giữa ông Rouhani và ông Raisi.

Là một nhân vật nổi bật trong giới an ninh, ông từng là Chỉ huy lực lượng không quân của IRGC từ năm 1997 đến năm 2000; Bộ trưởng Công an từ năm 2000 - 2005 và là Thị trưởng Tehran từ năm 2005 - 2017. Ông luôn sử dụng hình ảnh cứng rắn của mình và vận động chống lại giới thượng lưu giàu có.

Nguyên trưởng đoàn đàm phát hạt nhân Iran Saeed Jalili

Ông Saeed Jalili, 58 tuổi, là một trong những ứng cử viên đã tuyên bố tranh cử hôm 26.5. Hai lần là ứng cử viên cho chức Tổng thống, trong cuộc bầu cử năm 2021, ông quyết định rút lui để ủng hộ ứng viên sau này trở thành Tổng thống Iran Raisi.

Là một quan chức đảm đương nhiều vai trò quan trọng của Iran, ông có bằng Tiến sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Sadeq và là nhân tố then chốt định hình chính sách ngoại giao của Iran trong nhiều thập kỷ. Ông nổi tiếng với quan điểm cứng rắn và luôn có niềm tin vững chắc vào hệ thống các nguyên tắc của Cộng hòa Hồi giáo. Ông từng là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran trong nhiều năm và là đại diện của lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei tại Hội đồng.

Từ năm 2007 - 2013, ông là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, nổi tiếng là người kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và không chấp nhận nhượng bộ với phương Tây.

Ông hiện là Ủy viên Hội đồng Biện pháp Khẩn cấp, một cơ quan có trọng trách giải quyết những khác biệt và xung đột giữa Quốc hội và Hội đồng Giám hộ. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chiến lược Iran.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif

Ông Zarif, 64 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Iran từ năm 2013 đến năm 2021. Ông được đào tạo ở Mỹ và thông thạo tiếng Anh. Nhiệm kỳ ngoại trưởng của ông đánh dấu một giai đoạn quan hệ khá thân thiện với phương Tây khi ông là người dẫn đầu phái đoàn đàm phán đạt được Thỏa thuận lịch sử vào năm 2015 (có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung - JCPOA), theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tên tuổi của ông đã được nhắc đến nhiều trong những tuần gần đây sau khi ông tham dự Hội chợ sách quốc tế Tehran hàng năm để giới thiệu cuốn sách mới nhất của mình có tên gọi “Chiều sâu kiên nhẫn”, thu hút rất nhiều độc giả quan tâm.

Lựa chọn cải cách hay bảo thủ?

Trong các cuộc bầu cử gần đây, Hội đồng Giám hộ thường có xu hướng không ủng hộ những ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách. Trước cuộc bầu cử Quốc hội Iran ngày 1.3 vừa qua, hàng chục nghìn ứng cử viên cải cách và ôn hòa đã bị loại bỏ. Xu hướng này khiến các cuộc bầu cử gần đây chứng kiến sự sụt giảm số lượng cử tri đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 3 ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ năm 1979. Vì vậy một số tờ báo theo xu hướng cải cách của Iran cho rằng, nếu chính quyền cho phép nhiều ứng cử viên tham gia tranh cử lần này sẽ tạo ra hy vọng đối với người dân và thúc đẩy cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ cao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghiêng về hướng cho rằng, giới giáo sĩ và lãnh tụ tối cao Khamenei có thể sẽ muốn có một Tổng thống tương tự như ông Raisi, một người có đường lối cứng rắn, kiên quyết trong mối quan hệ với Mỹ và Israel.

Một số phương tiện truyền thông Iran cũng dự đoán, nếu cuộc đua trở nên khó lường, Tổng thống lâm thời Muhammad Mokhber, nhân vật bảo thủ đang được lòng vị lãnh tụ tối cao, có thể được yêu cầu ra ứng cử và đảm nhận công việc này trong 5 năm. Kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và uy tín trong chính trị, bao gồm cả việc xử lý phần lớn công việc riêng của nhà lãnh tụ tối cao, khiến ông trở thành một nhân vật đáng tin cậy.

Quốc Đạt (Theo The National News, The Guardian)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thay-gi-trong-buc-tranh-bau-cu-iran--i373306/