Thấy gì từ mùa hoa mận 'hot' nhất nhiều năm qua ở Mộc Châu?

Biên độ lợi nhuận của Mộc Châu có thể tiếp tục tăng khi các chủ vườn phát triển hoạt động bên lề cho khách du xuân hoa mận, thay vì chỉ đến, chụp ảnh và rời đi.

500-1.000 là số lượng khách ghé đến vườn mận của Trung Hải ở tiểu khu 34 Tân Lập mỗi ngày. Con số này gấp đôi vào ngày cuối tuần.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại một số vườn mận khác ở Mộc Châu như vườn ở thung lũng Nà Ka của anh Tráng A Náng…

Nhu cầu check-in với hoa mận cao kéo theo mức tăng trưởng đáng kể về công suất buồng phòng trên địa bàn thị xã. Cơ sở lưu trú tại đây đạt 100% tỷ lệ lấp đầy và có nơi kín khách đến hết tháng 2. Trong khi đó, con số này chỉ bằng một nửa vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.

Sức mạnh từ mùa hoa

Thời điểm xuân sang không chỉ hồi sinh thế giới tự nhiên mà còn đánh thức khả năng đón khách du lịch của Mộc Châu. Tại thị xã thuộc tỉnh Sơn La, hoa mận năm nào cũng nở. Song chưa năm nào bùng nổ lượng khách như năm nay.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu (Sơn La), cho biết trung bình mỗi ngày thị xã đón khoảng 15.000-20.000 lượt khách. Đặc biệt, dịp cuối tuần vừa qua (ngày 8-9/2), khách đạt trên 20.000 lượt/ngày. Tổng lượng khách trong 14 ngày (ngày 29/1-11/2) chạm ngưỡng 200.000 lượt, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ 2024.

Chủ vườn tiểu khu 34 Tân Lập cho biết hoa mận đồng loạt nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán là lý do dẫn đến làn sóng quan tâm ồ ạt từ du khách năm nay.

 Du khách cắm lều trú tại vườn khi Mộc Châu kín phòng hồi 10/2. Ảnh: Hoàng Minh Đức.

Du khách cắm lều trú tại vườn khi Mộc Châu kín phòng hồi 10/2. Ảnh: Hoàng Minh Đức.

Dễ thấy, những điểm tham quan rợp hoa như trên là yếu tố thu hút khách quan trọng, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch và hỗ trợ nền kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, số lượng khách và doanh thu từ mùa hoa tại đây cũng như một số địa bàn tương tự như Đà Lạt, Hà Giang, Sa Pa, Mù Cang Chải... đang bị giới hạn bởi du khách chỉ đến và dừng lại ở việc chụp ảnh. Sản phẩm mở rộng chưa có bởi du lịch không phải là đích đến ban đầu của nông dân.

Bà Hoa cho biết mục tiêu của bà con là trồng mận để bán quả. Sau đó, người dân chứng kiến mùa hoa mận nở rộ hút hàng vạn khách, rồi mới phát sinh ý định làm du lịch.

"Cơ sở lưu trú quá tải. Địa phương đang tính toán thu hút đầu tư nhằm mở rộng điểm nghỉ, đảm bảo chất lượng đón khách trong thời gian tới", bà Hoa nói.

Ngoài ra, điểm đến ở vùng cao nguyên như Mộc Châu, Đà Lạt với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm còn thích hợp để phát triển 4 mùa hoa, đáng chú ý là mùa xuân và mùa thu.

Độ phủ sóng của hoa vào các mùa trong năm có thể mang đến kinh tế ổn định cho chủ vườn và những người làm du lịch trên địa bàn. Tính khả quan của phương án trên là có cơ sở nếu dựa vào điểm đánh giá cảm xúc trải nghiệm của du khách theo mùa.

Du khách quây quần bên lều trại trong vườn mận ở Mộc Châu hồi đầu tháng 2. Ảnh: Hoàng Minh Đức.

Du khách quây quần bên lều trại trong vườn mận ở Mộc Châu hồi đầu tháng 2. Ảnh: Hoàng Minh Đức.

Theo đó, có đến 85,7% du khách có cảm xúc tích cực về trải nghiệm tham quan cảnh quan rừng và hoa. Mức độ phân bố cảm xúc cũng khác qua các mùa. Trong đó, mùa xuân và mùa thu thu hút đông khách nhất, dựa trên bài nghiên cứu Khám phá tác động của cảnh quan rừng theo mùa đối với cảm xúc của khách du lịch bằng cách sử dụng máy học năm 2024 của ông Zhengyan Chen (thuộc trường Cao đẳng Nghệ thuật Trường Kiến trúc Cảnh quan, Đại học Nông Lâm Phúc Kiến, Trung Quốc) cùng cộng sự.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu cho biết hết đợt hoa mận, địa phương dự kiến phát triển thêm một số mùa hoa đặc trưng như hoa cải, hoa ban... Đơn vị đang xây dựng các tuyến đường hoa. Ngoài ra, hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn dự định mở thêm đồi hoa theo chủ đề.

"Trong thời gian tới, du khách đến Mộc Châu cũng sẽ có hoa đẹp để chụp ảnh và thưởng ngoạn", bà Hoa nói.

Ngoài hoa, chính quyền còn hướng tới phát triển hút khách du lịch thông qua mùa quả.

Mộc Châu đang vào mùa dâu tây, địa bàn sẽ có các tour du lịch trải nghiệm như vào vườn hái dâu thu vé, thưởng thức dâu tươi tại vườn, bán kg mang về. Sắp tới vào mùa quả mận (từ tháng 5-6), vườn hồng, vườn cam cũng sẽ triển khai tương tự.

Ngành du lịch nông nghiệp bội thu ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản

Trên bình diện thế giới, du lịch nông nghiệp đã nổi lên như một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế, với các điểm tham quan dựa trên thiên nhiên như hoa anh đào ở Nhật Bản, lễ hội hoa tulip ở Hà Lan và những vườn bí ngô ở Mỹ.

3 quốc gia Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là ví dụ điển hình trong việc thành công xây dựng mùa hoa, mùa trái phục vụ du lịch. Trong đó, Mỹ đang thống trị thế giới bí ngô vào mùa thu và cánh đồng hoa hướng dương. Còn Hàn Quốc và Nhật Bản nổi tiếng châu Á về trải nghiệm ngắm hoa anh đào.

Theo báo cáo Boom in Bloom của Bókun (một công ty du lịch trực thuộc Tripadvisor), Mỹ là quốc gia có nhu cầu nhiều nhất về bí ngô với lượt tìm kiếm trung bình 152.000/tháng. Ấn tượng hơn, lượt tìm kiếm đã tăng vọt lên 1,08 triệu vào tháng 10/2024, tăng 611% so với mức trung bình trong mùa cao điểm trồng bí ngô. Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò to lớn của bí ngô trong việc ảnh hưởng đến du lịch theo mùa.

 Một bé trai đang lựa bí ngô tại vườn vào tháng 10/2023 ở Mỹ. Ảnh: PBS News.

Một bé trai đang lựa bí ngô tại vườn vào tháng 10/2023 ở Mỹ. Ảnh: PBS News.

Ở châu Á, chỉ riêng mùa hoa anh đào của Nhật Bản đã tạo ra 7,7 tỷ USD (1,140 tỷ yen) vào năm 2024, theo ông Katsuhiro Miyamoto, Giáo sư danh dự tại Đại học Kansai ở Osaka.

Ấn Độ, cụ thể là thị xã trồng hoa hướng dương Gundlupet, cũng đang hưởng lợi từ du lịch. Lượt tìm kiếm điểm đến này trung bình 1.000 lượt/tháng.

 Mùa xuân, theo truyền thống, khi hoa anh đào nở, người dân Hàn cắm trại, ăn uống dưới gốc cây. Ảnh: Nhật Linh.

Mùa xuân, theo truyền thống, khi hoa anh đào nở, người dân Hàn cắm trại, ăn uống dưới gốc cây. Ảnh: Nhật Linh.

Điểm chung của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản khi phát triển mùa hoa nằm ở việc đưa thông điệp len lỏi vào đời sống của người dân. Chẳng hạn ở Hàn Quốc.

Chính phủ xứ sở kim chi phát triển hình ảnh hoa anh đào là hiện thân của vẻ đẹp thuần khiết, sự tái sinh. Sự nở rộ ngắn ngủi của hoa khuyến khích người dân, khách du lịch trân trọng vẻ đẹp thoáng qua của thiên nhiên. Ngoài ra, hoa anh đào còn đại diện cho hòa bình của người Hàn Quốc trong lịch sử và gắn liền với lễ hội mùa xuân.

Với ý nghĩa sâu sắc cùng sự xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, điển tích, điển cố văn học, người dân Hàn Quốc phấn khích trước mỗi mùa hoa anh đào. Theo thekoreaninme, thời điểm hoa nở rộ là khoảng thời gian gắn kết gia đình, bạn bè quây quần bên nhau và củng cố kết cấu xã hội của từng địa phương.

Tường Vi - Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-mua-hoa-man-hot-nhat-nhieu-nam-qua-o-moc-chau-post1530924.html