Thầy hiệu trưởng 'biết tuốt' ở Hua Bum

Gần 20 năm gắn bó với Hua Bum, Nậm Nhùn (Lai Châu), thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Nhiệt được nhắc đến như một người 'biết tuốt' ở mảnh đất vùng biên này.

Những cây cầu trên hành trình đưa chữ về Hua Bum.

Những cây cầu trên hành trình đưa chữ về Hua Bum.

Từ đường đi cho đến con thác, dòng suối thầy đều thông thạo. Thầy biết cả những đứa trẻ trong bản ở Hua Bum lớn lên trong gian khó...

“Không nghĩ Hua Bum nghèo đến thế…”

Hua Bum là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn với hơn 14km đường biên giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của bà con còn nhiều vất vả, thiếu thốn và tồn tại nhiều tập tục lạc hậu.

Khó chồng khó, những giáo viên lên Hua Bum dạy học khi đó đối diện vô vàn gian khổ. Vượt lên trên những gian khó đó, có nhiều thầy, cô đã ở lại gắn bó cùng với mảnh đất biên viễn này. Trong đó có thầy Bùi Văn Nhiệt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hua Bum.

Những ngày cuối tháng 4, tiết trời Hua Bum nóng như đổ lửa, đón chúng tôi trong trường, thầy Nhiệt kể: “Ngôi trường này đã có từ lâu, khi tôi lên đây đã có rồi. Trước kia, đây là Trường Phổ thông cơ sở Hua Bum - một trường liên cấp thuộc huyện Mường Tè. Từ năm 2013, cấp THCS được tách ra, trường được giữ lại cho bậc tiểu học”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vào năm 1999, thầy Nhiệt về công tác tại Trường Tiểu học xã Yên Nghiệp. Sau 3 năm công tác, thầy Nhiệt vẫn chỉ làm giáo viên hợp đồng vì tỉnh Hòa Bình lúc đó không có chỉ tiêu biên chế.

Với mong muốn được cống hiến lâu dài trong ngành Giáo dục, thầy Nhiệt khi ấy đã lên Lai Châu làm hồ sơ tuyển dụng.

“Khi ấy, qua đài, báo, tôi được biết có 2 tỉnh Bình Phước và Lai Châu tuyển dụng giáo viên. So sánh về khoảng cách, tôi đã chọn Lai Châu để gắn bó”, thầy Nhiệt chia sẻ.

Tháng 9/2003, thầy Nhiệt về nhận công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Hua Bum, huyện Mường Tè (nay thuộc huyện Nậm Nhùn). Cái khó ở huyện biên giới Mường Tè khi đó có kể cả ngày cũng không hết. Còn Hua Bum lại là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của huyện. Hua Bum từng một thời được biết đến bởi những đặc trưng của đói nghèo, lạc hậu…

Thầy Nhiệt tâm sự: “Để đến được Hua Bum khi ấy, tôi phải đi bộ mất nửa ngày đường. Đến nơi, mọi thứ đều thiếu thốn. Không điện, không nước, trong khi tôi vốn quen với vùng quê không mấy khó khăn. Dù đã định sẵn trong đầu, lên vùng khó dạy học nhưng tôi không nghĩ Hua Bum lại nghèo đến thế”.

Thầy Bùi Văn Nhiệt trong một lần đi vận động học sinh.

Đưa ánh sáng về bản…

Năm đầu ở Hua Bum, thầy Nhiệt được phân công dạy ở điểm trường Nậm Nghẹ, cách trung tâm 4 tiếng đi bộ.

“Nậm Nghẹ vào năm 2003 chỉ có 29 hộ dân. Tôi được giao nhiệm vụ giảng dạy lớp ghép 1+2. Trong đầu tôi cứ nghĩ mọi việc đã sẵn sàng cho dạy và học. Nên sau quãng thời gian vượt đèo dốc đến bản, nơi đầu tiên tôi đến chính là lớp học”, thầy Nhiệt nói.

Thế nhưng, hiện ra trước mắt thầy giáo trẻ khi ấy là một căn nhà tạm, cột gỗ, vách thưng bằng cây sặt, mái lợp bằng tranh nhưng đã mục nát. Thầy Nhiệt kể, bản thân mình đã phải mất hơn 1 tuần vào nhà dân vận động, rồi nhờ giúp dựng lại căn nhà mới để làm lớp học. Thầy cũng tận dụng luôn những tấm bìa xẻ từ gỗ làm nhà của bà con để làm bàn và bảng.

Lớp học đã sẵn sàng, thầy bắt đầu tìm kiếm học sinh. Theo danh sách lúc đó, lớp của thầy có 12 học sinh với 7 em lớp 1 và 5 em lớp 2.

“Cầm danh sách trên tay, tôi đi gõ cửa từng nhà, vận động để có học sinh ra lớp. Thế nhưng, khi gặp học sinh tại gia đình, tôi không nghĩ các em còn trong độ tuổi lớp 1, 2. Học sinh khi ấy phải đang học lớp 5, lớp 6 mới đúng”, thầy Nhiệt kể.

Cái khó của giáo viên vùng cao rất nhiều nhưng theo thầy Nhiệt, khó hơn cả là việc bất đồng ngôn ngữ. “Học sinh của tôi chưa hiểu hết tiếng phổ thông. Tôi nhớ có lần giảng bài, một học sinh đứng dậy bảo: “Em không biết thầy nói gì!. Khi ấy, tôi chỉ nói chậm lại, giảng lại bài mà đầu chỉ nghĩ đến việc các em có hiểu bài hay không”, thầy Nhiệt chia sẻ.

Sau đó, thầy Nhiệt phải nhờ dân bản (người biết tiếng phổ thông) làm trợ giảng trong lúc lên lớp. Rồi thầy cũng tìm hiểu, học thêm tiếng dân tộc để hỗ trợ trong việc dạy học.

Khi ấy Nậm Nghẹ không có điện. Ngọn đèn dầu không đủ chiếu sáng giữa hoang vu núi rừng. Trong khi đó, mọi công việc, ngay cả việc soạn giáo án đều phải làm xong trong ngày. Vì vậy, sau 4 tháng công tác, thầy Nhiệt đã về quê mua máy phát điện nước lên trường. Thầy trở thành người đầu tiên đưa ánh điện về bản Nậm Nghẹ.

Thầy Nhiệt tâm sự: “Sau khi mua được máy phát điện, tôi nhờ bà con đến đắp đập, nắn dòng nước và dẫn dây điện về điểm trường. Sau vài ngày đắp đập, dẫn dây, ánh sáng điện đầu tiên đã về với bản Nậm Nghẹ. Dân bản thấy thế đã đến hỏi tôi địa chỉ mua máy. Tôi cũng hướng dẫn họ cách lắp máy, đấu dây để sao khỏi chập vì khi ấy, điện đều sử dụng dây trần”.

4 năm công tác tại Nậm Nghẹ, điều thầy Nhiệt tự hào là đã góp phần đưa ánh sáng về với bản. Lớp học sinh đầu tiên thầy dạy cũng đã tốt nghiệp tiểu học. Học sinh Nậm Nghẹ đến trường đông đủ hơn. Thầy trở về điểm trường trung tâm tiếp tục công việc dạy học.

Trường Tiểu học Hua Bum, huyện Nậm Nhùn.

Lớp học xuyên hè

Năm 2013, sau khi huyện Nậm Nhùn được thành lập, Trường Phổ thông cơ sở Hua Bum được tách thành 2 trường THCS và tiểu học. Thầy Nhiệt được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hua Bum. Đó là thành quả sau 10 năm nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng biên này.

Lúc ấy, bản Nậm Cười và Nậm Tảng cũng thuộc về xã Hua Bum. Theo thầy Nhiệt, trước đây, 2 bản này không thuộc huyện nào quản lý. Họ là 2 nhóm dân cư ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang di cư tự do đến. Họ gần như không có chứng minh nhân dân, trừ một số người lớn tuổi. Các em được sinh ra tại bản lúc bấy giờ gần như tách biệt với xã hội bên ngoài.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hua Bum khi đó nhận nhiệm vụ mở lớp tại 2 bản trên. Để dựng lớp, thầy cô phải đi xe máy từ trung tâm xã vào xã Vàng San của huyên Mường Tè. Sau đó, họ đi bộ khoảng 5 tiếng để đến bản Nậm Cười.

“Sau quãng thời gian đi xe, chúng tôi lại cùng dân bản vác vật liệu lên đến điểm trường. Nhờ dân giúp, nên trường cũng nấu cơm để cảm ơn. Khi ấy, mỗi bữa chúng tôi phải nấu hết bao gạo 50kg”, thầy Nhiệt cho biết thêm.

Dân góp công dựng lớp, thầy cô nhà trường tranh thủ làm giấy khai sinh cho học sinh. Để làm được việc này không hề dễ vì người dân không có hộ khẩu trong xã. Rất nhiều em hơn 10 tuổi mới có cơ hội bắt đầu học lớp 1.

Sau nhiều tháng chuẩn bị cho lớp học tại điểm bản, đến tháng 3/2014, điểm trường Nậm Cười chính thức đi vào hoạt động.

“Vì vào dạy muộn, nên chúng tôi phải tăng cường xuyên hè để hoàn thành nhiệm vụ năm học trước khi bước vào năm học mới”, thầy Nhiệt nhớ lại.

Người dân Hua Bum vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Biết để hiểu và đồng hành

Gần 20 năm gắn bó với vùng biên Hua Bum, những điều về mảnh đất này thầy Nhiệt đều biết rõ. Thầy biết được quá trình thành lập bản, tập tục sinh sống của người dân. Thầy biết luôn cả cách người dân đặt tên cho từng bản…

“Có một số bản như Nậm Nghẹ, Nậm Cười hay Nậm Tảng, tôi được nghe kể lại là bắt nguồn từ tiếng dân tộc Thái. Nậm là nước, còn từ đứng sau phụ thuộc vào tiếng vang của một con thác to nhất khu vực”, thầy Nhiệt chia sẻ.

Chính vì biết nhiều về Hua Bum nên đối với những giáo viên trẻ, mới đến, thầy Nhiệt đều chia sẻ. “Tôi động viên để thầy cô biết được những khó khăn của Hua Bum. Tôi mong thầy cô sẽ thấu hiểu và đồng hành, góp sức cho giáo dục vùng biên này”, thầy Nhiệt nói.

Thầy Quách Văn Xiêm, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hua Bum chia sẻ: “Khi lên đây công tác, tôi được thầy Nhiệt giúp đỡ rất nhiều. Thầy chia sẻ cho chúng tôi biết và hiểu tập tục của địa phương. Từ đó, nhiều khi bản có việc, chúng tôi lại xuống bản hỏi thăm, động viên bà con”.

Ông Chẻo Sần Phạ, Trưởng bản Nậm Cười nói: “Thầy cô ở đây ai cũng tốt. Họ luôn giúp đỡ dân bản. Còn thầy Nhiệt, dù là Hiệu trưởng nhưng vẫn thường xuyên đến thăm bản, thăm học sinh tại điểm trường. Chính vì thế, bà con dân bản cũng rất quý thầy”.

Còn với thầy Nhiệt, chứng kiến Hua Bum từ mảnh đất gian khó cho đến những đổi thay hiện tại không khỏi vui mừng: “Thấy Hua Bum từng bước đổi thay, trường học được xây dựng khang trang là tôi mừng. Và mừng hơn khi tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi ngày càng cao. Học sinh người Mảng, người Dao đều đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều thành tích trong học tập”.

Chúng tôi rời Hua Bum khi Mặt trời gác núi. Phía xa, những làn sương chiều mờ mờ mỗi lúc một dày thêm. Con đường nhựa dẫn chúng tôi qua Hua Bum về thẳng thị trấn Mường Tè. Những đổi thay từ cuộc sống của người dân Hua Bum làm chúng tôi vui hơn và thầm mong trong tương lai không xa, cuộc sống của bà con nơi đây sẽ thêm phần khởi sắc.

Thầy Nhiệt quê ở xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sinh ra trong gia đình có 5 anh, chị em, nhưng chỉ có duy nhất thầy Nhiệt theo nghề của bố. “Bố tôi trước đây dạy học tại huyên Bá Thước (Thanh Hóa). Sau khi lập gia đình, ông chuyển về công tác tại tỉnh Hòa Bình. Lúc đầu tôi cũng không xác định theo nghề của ông mà đi vào miền Nam để tìm kiếm công việc bên ngoài. Sau bố tôi có gọi điện, khuyên nhủ, tôi mới theo học sư phạm” – thầy Nhiệt kể.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/thay-hieu-truong-biet-tuot-o-hua-bum-aK4IUS97R.html