Thể chế hóa chính sách hỗ trợ công chức đi làm xa khi sáp nhập tỉnh

Bên lề hành lang Quốc hội, sáng 12/5, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chia sẻ, cần thiết thể chế hóa chủ trương hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nơi ở đến làm việc ở trung tâm hành chính mới.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: LV

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: LV

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội:

Trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, chính quyền địa phương nơi được chọn làm trụ sở của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động. Mục đích là giúp họ nhanh chóng ổn định điều kiện làm việc tại trụ sở mới, sau khi sáp nhập.

Cán bộ, công chức chuyển về ở trung tâm tỉnh ủy mới, xa gia đình, xa nhà có những khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, ổn định đời sống. Vì vậy, chắc chắn các cơ quan chuyên môn, công tác tổ chức cần nghiên cứu các chế độ chính sách.

Trước hết, về vấn đề nhà ở đối với những công chức ở xa có thể hỗ trợ các phương tiện đưa đón hằng ngày và cần phải tính toán cụ thể trong điều kiện cho phép, không vi phạm các quy định hiện hành, đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ và cuộc sống của công chức thuận lợi nhất.

Về việc rút ngắn thời gian của Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp hoàn toàn hợp lý. Hiện nay, lấy Đại hội Đảng toàn quốc làm mốc để tiến hành Đại hội của các tổ chức đoàn thể, sau đó bầu cử Quốc hội liền phù hợp với thực tiễn. Hàng năm, vào tháng 1 tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, nhưng đến tháng 6, tháng 7 mới kiện toàn thông qua kỳ họp Quốc hội chắc chắn không kịp thời.

Trước đó, Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 4 và kiện toàn bộ máy vào tháng 7, nhưng hai khóa vừa rồi Đại hội vào tháng 1, nên việc rút ngắn bầu cử Quốc hội để hoàn thiện các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cần thiết.

Video Đại biểu Nguyễn Văn Riễn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương chia sẻ:

Đại biểu Nguyễn Văn Riễn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương:

Về việc sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu vào TP Hồ Chí Minh nếu được thông qua sẽ tạo ra siêu thành phố, với dân số khoảng 14, 2 triệu người, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm chính trị, tài chính, khoa học, dịch vụ; Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp; Bà Rịa-Vũng Tàu có thế mạnh của du lịch, dầu khí...

Tuy nhiên, việc hợp nhất sẽ có nhiều cán bộ, công chức phải đi làm xa. Do đó, cần tính đến phương tiện đi lại, nơi ở. Chẳng hạn, Bình Dương có những vùng như Dầu Tiếng đi tới TP Hồ Chí Minh phải 70-80 km hoặc từ Vũng Tàu lên TP Hồ Chí Minh cũng từ 100-120 km. Có nhiều người không thể đi về trong ngày, nên chắc chắn phải có cơ sở để ở lại và có thể hỗ trợ tiền xăng dầu, tiền trọ hoặc nhà công vụ...

Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/the-che-hoa-chinh-sach-ho-tro-cong-chuc-di-lam-xa-khi-sap-nhap-tinh-20250512131014944.htm