Thế giới đang biến đổi ra sao trước chính sách thuế quan của Mỹ?
Chính sách thuế của Tổng thống Trump đang thúc đẩy làn sóng điều chỉnh chuỗi cung ứng và chiến lược thương mại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Tháng 5, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận thương mại với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng. Đây được coi là bước đột phá và hình mẫu để các đối tác khác tham khảo. Tuy nhiên, trong gần hai tháng sau đó, không có quốc gia nào tiếp bước, còn bản thân thỏa thuận với Anh vẫn thiếu chi tiết và chưa được công bố đầy đủ.
Anh hiện tìm cách xin miễn thuế thép, nhưng Mỹ có thể áp lại mức thuế 50% nếu đánh giá quốc gia này chưa giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính sách thuế mới của Mỹ đã tạo ra những biến động ban đầu. Trong tháng 5, ngân sách liên bang Mỹ thu hơn 24 tỷ USD từ thuế nhập khẩu, tăng gần bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc giảm 43%. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc thay đổi chính sách liên tục khiến doanh nghiệp khó đưa ra quyết định dài hạn. Neil Shearing nhận định, không ai có thể lên kế hoạch khi tình hình thay đổi từng tuần.
Sau khi Tổng thống Trump công bố áp thuế vào ngày 2/4, chỉ một tuần sau, ông bất ngờ tuyên bố tạm hoãn thực hiện trong 90 ngày. Động thái này giúp giảm bớt lo ngại ban đầu, nhưng vẫn khiến giới kinh doanh rơi vào trạng thái bất an. Khi hạn chót đàm phán 9/7 đang đến gần, nhiều quốc gia và doanh nghiệp gấp rút lên kế hoạch đối phó. Một số chọn tạm ngừng, trong khi số khác tích trữ hàng và tăng sử dụng kho bảo thuế, dù chi phí đã cao gấp bốn lần kho thường.

Một tàu chở hàng cập bến container tại Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Việc doanh nghiệp ồ ạt đưa hàng vào kho khiến hệ thống cảng biển chịu áp lực lớn hơn. Tại cảng Rotterdam - cảng biển lớn nhất châu Âu - lãnh đạo cảng cảnh báo giá hàng hóa có thể tăng do chi phí vận chuyển và lưu trữ leo thang.
“Tôi ngạc nhiên trước tốc độ các công ty điều chỉnh luồng vận chuyển. Tàu có chân vịt và bánh lái, nên có thể đổi hướng bất cứ lúc nào” - giám đốc điều hành cảng nhận xét.
Tác động của chính sách thuế quan không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mà còn lan rộng sang lĩnh vực đầu tư và mua bán - sáp nhập. Nhiều thương vụ đang bị tạm dừng do tâm lý thận trọng.
Đọc thêm: Đức chịu sức ép viện trợ Ukraine khi Mỹ tạm hoãn giao vũ khí
Theo chuyên gia Mats Persson, việc điều chỉnh cơ sở sản xuất cần thời gian và chi phí lớn, nhưng trở ngại lớn hơn là sự thiếu chắc chắn về chính sách. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư không biết nên tiếp tục đàm phán hay tạm hoãn kế hoạch để chờ diễn biến rõ ràng hơn.
Từ năm 2018, khi Mỹ bắt đầu áp thuế với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là các công ty Mỹ, đã tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia được xem là đối tác thân thiện hơn về chính trị. Tuy nhiên, việc đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ không hề đơn giản.
Một khảo sát do Bain & Company - công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở tại Mỹ - thực hiện cho thấy dù 80% lãnh đạo doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng trong vòng ba năm tới, chỉ 2% đã triển khai thành công.
Theo chuyên gia chuỗi cung ứng Simon Geale, khó khăn chủ yếu nằm ở việc nhiều công ty cùng hướng đến một số ít địa điểm thay thế, dẫn đến tình trạng thiếu lao động lành nghề và hạn chế về cơ sở hạ tầng.
Tùy từng loại hàng hóa mà khả năng chuyển nguồn cung khác nhau. Chẳng hạn, pin lithium-ion dễ tìm nơi sản xuất thay thế hơn máy tính xách tay. Áo phông dễ thay hơn tất. Các công ty đang tính toán làm sao để chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, thay vì chỉ chạy theo chi phí thấp nhất.
Bên cạnh thuế quan, một số quy định mới cũng tạo sức ép lớn hơn. Ví dụ, từ năm 2027, ô tô bán tại Mỹ không được chứa phần mềm sản xuất tại Trung Quốc. Đối với các ngành có quy định chặt chẽ như dược phẩm, việc chuyển sản xuất sang Mỹ vừa tốn kém vừa dễ gây gián đoạn. Một số hãng lớn đã tích trữ hàng tại Mỹ đề phòng chính sách mới có hiệu lực.
Chính quyền Mỹ đang xem xét áp thuế với dược phẩm theo từng nhóm hàng, trong đó có đề cập đến các cơ sở sản xuất tại Ireland - nơi đặt nhiều nhà máy của các tập đoàn dược lớn.
Các hãng như Merck, Roche, Johnson & Johnson đều đang tăng đầu tư tại Mỹ nhưng vẫn giữ sản xuất tại châu Âu vì chưa rõ mức thuế có đủ mạnh để buộc họ chuyển đổi hay không. Theo chuyên gia Lawrence Lynch tại Dublin, chính sự không rõ ràng khiến các kế hoạch đầu tư bị chậm lại.
Một khảo sát gần đây của PwC cho thấy 30% doanh nghiệp đã tạm ngưng hoặc điều chỉnh các thương vụ vì không chắc chắn về thuế quan. Trong đó có các giao dịch lớn trong ngành hàng không và bảo hiểm. Các công ty đầu tư tư nhân hiện giữ khoảng 1 nghìn tỷ USD chưa thể đưa trở lại thị trường vì chưa rõ rủi ro chính sách sẽ đi đến đâu.
Ngay cả khi thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi phần nào sau ngày 2/4, các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và OECD vẫn cắt giảm dự báo tăng trưởng vì lo ngại chính sách thương mại gây ảnh hưởng.
Theo Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, mức thuế trung bình của Mỹ hiện là 15,8%, cao nhất kể từ năm 1936. Những mặt hàng như đồ chơi, chuối và thiết bị điện đang bắt đầu chịu tác động vì thiếu nguồn thay thế.
Một ví dụ rõ nét là quyết định tăng gấp đôi thuế thép lên 50% từ ngày 3/6. Mức thuế này đã làm tăng giá thép tại Mỹ, khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước chịu thêm chi phí.
Chuyên gia Wayne Winegarden cho rằng: “Việc tăng thuế có thể khiến một số nước gặp khó, nhưng Mỹ cũng chịu thiệt hại lớn”.
Ông nhắc lại đợt tăng thuế năm 2018 chỉ tạo ra khoảng 1.000 việc làm trong ngành thép, nhưng lại khiến hơn 75.000 việc làm ở các ngành khác bị mất. Theo nhà kinh tế Atakan Bakiskan, những thay đổi liên tục về chính sách đang ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp. Một số chỉ số về đầu tư và đơn đặt hàng mới đã giảm sau thông báo áp thuế hồi tháng 4.