Thế giới đang bùng phát 'dịch bệnh thầm lặng', cứ 4 người lớn thì có 1 người mắc phải

Dịch bệnh thầm lặng mang tên cô đơn, một đại dịch âm thầm tàn phá sức khỏe toàn cầu.

Sự gia tăng của cô đơn trong thời đại kết nối

Cô đơn - tưởng chừng là cảm giác thoáng qua - lại đang trở thành một "đại dịch thầm lặng" tác động sâu sắc đến sức khỏe tinh thần toàn cầu.

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, xem cô đơn như một mối đe dọa khẩn cấp đối với sức khỏe, khi các chuyên gia Hoa Kỳ cho biết, ảnh hưởng của nó tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Theo số liệu khảo sát gần đây, ước tính cứ 4 người lớn thì có một người rơi vào tình trạng cô lập xã hội, trong khi từ 5% đến 15% thanh thiếu niên thường xuyên cảm thấy cô đơn. Đặc biệt, thế hệ Millennials và Gen Z - những người lớn lên cùng mạng xã hội và công nghệ kết nối - lại đang đối mặt với sự cô lập nhiều hơn bao giờ hết.

Cuộc sống siêu kết nối, nỗi cô đơn vẫn bao trùm

Christopher Choy, một doanh nhân 39 tuổi tại Singapore, chia sẻ rằng mình đã cảm thấy cô đơn suốt 5 năm qua, kể từ khi tự mở cửa hàng thú cưng và xây dựng công việc kinh doanh. Bên cạnh công việc chăm sóc mèo và duy trì hoạt động của cửa hàng, anh chủ yếu làm việc một mình, thường ăn trưa một mình và hiếm khi gặp bạn bè do lịch trình bận rộn của mọi người. Dù đôi lúc kết bạn trực tuyến để lấp đầy khoảng trống, nhưng anh chia sẻ rằng các mối quan hệ này thường mờ nhạt và dễ tan biến.

Sống trong một xã hội siêu kết nối nhưng lại cô đơn, anh Choy không phải là trường hợp cá biệt. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách, những người trong độ tuổi từ 21 đến 34 cảm thấy bị cô lập xã hội nhiều nhất. Hơn một nửa trong số họ cho biết, đôi khi cảm thấy lo lắng khi trò chuyện trực tiếp và thấy việc giao tiếp trực tuyến dễ dàng hơn. Thế nhưng, những tương tác kỹ thuật số chỉ làm tăng thêm cảm giác cô đơn, thay vì xoa dịu nó.

Cô đơn - mối đe dọa âm thầm đối với sức khỏe tâm lý

Các chuyên gia tâm lý cho biết, tình trạng cô đơn có thể gây ra hàng loạt vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, lo âu và suy giảm chức năng nhận thức. Tiến sĩ Sanveen Kang từ phòng khám Psych Connect chia sẻ, cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn làm suy giảm khả năng tư duy và ra quyết định. Những người trẻ gặp phải tình trạng này thường phải đối diện với cảm giác vô vọng và lo âu.

Những câu chuyện cá nhân càng tô đậm thêm sự khó khăn khi vượt qua cô đơn. Toby Gail, một nhà thiết kế trẻ, cho biết, cô cảm thấy bị cô lập khi phải chăm sóc người bà bị mất trí nhớ. Trong khi đó, kỹ sư dịch vụ Kieran De Souza rơi vào cảnh cô đơn nghiêm trọng khi ly hôn, mất nhà cửa và phải vật lộn với tài chính vào năm 2021. Những hoàn cảnh này khiến họ xa lánh xã hội, không muốn chia sẻ những khó khăn với người khác.

Kết nối ảo - Liều thuốc chữa lành hay chỉ là “con dao hai lưỡi”?

Mặc dù nhiều người cố gắng tìm kiếm bạn bè qua mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, nhưng cảm giác cô đơn vẫn không được xoa dịu. Các chuyên gia cho rằng, sự kết nối trực tuyến tuy dễ dàng, nhưng thường thiếu đi chiều sâu cảm xúc, chỉ dừng lại ở các tin nhắn ngắn gọn hay lượt thích hời hợt.

Ông Haikal Jamil, nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết, mối quan hệ trực tuyến có xu hướng hời hợt và dễ tan vỡ. Chúng không mang đến sự thỏa mãn về mặt cảm xúc, thậm chí có thể làm tăng thêm cảm giác ngắt kết nối với thực tại. Trong khi đó, nhân viên bảo vệ Arif Ong cho biết, anh đã nhiều năm không gặp bạn bè và dành hầu hết thời gian rảnh cho các trò chơi trực tuyến, nhưng nhận ra rằng những mối quan hệ này rất dễ “biến mất” khi ai đó offline.

Văn hóa "tự lực cánh sinh" và hệ lụy của cô đơn

Các nhà tâm lý cũng nhận thấy xu hướng tự lực cánh sinh đang đẩy con người xa cách nhau hơn. Trong một xã hội coi trọng tự lực, nhiều người tự gồng mình vượt qua khó khăn mà không dám tìm đến sự giúp đỡ vì sợ bị coi là yếu đuối. Tiến sĩ Kang nhấn mạnh, dù việc tự lực có thể giúp tăng cường khả năng phục hồi, nhưng lại khiến mọi người khó mở lòng, tạo ra những "bức tường" ngăn cản mối quan hệ sâu sắc với người khác.

Chẳng hạn, anh Choy, chủ cửa hàng thú cưng, thường né tránh chia sẻ khó khăn về tài chính với bạn bè vì sợ bị đánh giá tiêu cực. Thay vì cởi mở, anh quyết định tự tìm niềm vui và kết nối mới qua các hoạt động xã hội, như tham gia một ban nhạc jazz.

Giải pháp lâu dài - Liệu có lối thoát cho “đại dịch cô đơn”?

Dù là “đại dịch thầm lặng” với sức phá hủy đáng sợ, nhưng cô đơn vẫn có thể vượt qua. Chìa khóa nằm ở sự chia sẻ và kết nối thực sự trong cuộc sống thực, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tương tác trực tuyến. Các chuyên gia khuyến nghị, việc xây dựng những mối quan hệ thân thiết, tham gia các hoạt động chung và vượt qua cảm giác sợ hãi khi mở lòng có thể giúp chúng ta thoát khỏi sự cô lập, để cùng nhau vượt qua đại dịch thầm lặng này.

Thiên Di

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/the-gioi-dang-bung-phat-dich-benh-tham-lang-202410281124470423.html