Thế giới vẫn đóng cửa với Taliban
Sau hơn một năm nắm quyền trở lại, Taliban vẫn chưa thể 'khai thông' nhiều lối nghẽn trên con đường tiến tới sự công nhận của cộng đồng quốc tế.
“Tại sao thế giới vẫn không thể công nhận ngay cả khi chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện do họ đưa ra”, ông Suhail Saheen - phát ngôn viên thường trú của Taliban tại Doha, Qatar và cũng là người được phong trào này bổ nhiệm làm đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc - từng bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2.
Trải qua một năm kể từ ngày giành được chính quyền và thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, xây dựng vị thế quốc tế vẫn là một bài toán nan giải cho các nhà lãnh đạo của phong trào Hồi giáo này.
Dù đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi nhằm tìm kiếm sự công nhận từ cộng đồng quốc tế, chưa nước nào trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với chính quyền mới tại Kabul.
Mặc dù vậy, những người đứng đầu của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan (tên gọi mới của Afghanistan do chính quyền Taliban tự tuyên bố sau ngày 15/8) hoàn toàn có quyền hy vọng vào những nỗ lực của mình khi một số quốc gia đã “đánh tiếng” về việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Mức độ thành công của quá trình “đấu tranh ngoại giao” của chính quyền mới tại Kabul sẽ rất khó đoán định, phụ thuộc hoàn toàn vào sự khôn khéo trong chiến lược đối ngoại.
Ngay sau khi lật đổ thành công chính quyền cũ tại Kabul, các nhà lãnh đạo của Taliban đã “khởi động” các hoạt động đối ngoại bằng cách tiến hành thu phục toàn bộ 65 cơ quan đại diện ngoại giao của Afghanistan tại nước ngoài. Theo đó, hàng loạt các nhà ngoại giao thuộc biên chế của chính quyền cũ đã được kêu gọi về nước để nhận công tác trong bộ máy ngoại giao mới.
Đáng chú ý, hầu hết trong số họ đều tỏ thái độ chống đối, không chịu nhượng bộ trước những yêu cầu của chính quyền Taliban. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp tự động rời bỏ nhiệm sở để nhường chỗ cho các nhân vật mới do Taliban đơn phương bổ nhiệm mà chưa hề có sự chấp thuận của chính quyền các nước sở tại, theo Foreign Policy.
Hiện tại, chỉ có một vài quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, Turkmenistan, Pakistan đã chấp nhận các đại biện Lâm thời do Taliban tiến cử để thay thế cho các đại sứ thuộc chính quyền cũ.
Ngoài ra, một số cơ quan lãnh sự của Afghanistan đặt tại các quốc gia chung đường biên giới cũng được bàn giao lại cho thành viên phong trào này để đảm bảo vấn đề cung cấp dịch vụ lãnh sự cho công dân.
Mặc dù vậy, bản thân chính phủ các quốc gia sở tại đều khẳng định điều này không đồng nghĩa với sự công nhận chính thức về mặt ngoại giao.
Bên cạnh đó, người đứng đầu bộ máy đối ngoại của chính quyền Taliban cũng rất tích cực triển khai các chuyến thăm viếng tới một số quốc gia trong khu vực.
Vào tháng 10/2021, phái đoàn Taliban do Phó thủ tướng chính phủ lâm thời Afghanistan Abdul Salam Hanafi dẫn đầu đã tới thủ đô Moscow của Nga để tham dự cuộc đàm phán giữa sáu nước có liên quan, đánh dấu hoạt động đối ngoại chính thức đầu tiên của phong trào này.
Một tháng sau đó và vào đầu tháng 1 năm nay, quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi tiếp tục tiến hành các chuyến thăm tới hai quốc gia láng giềng quan trọng là Pakistan và Iran.
Đáp lại các động thái từ phía Taliban, phía Trung Quốc và Nga - hai cường quốc được cho là đang cố gắng tái thiết lập ảnh hưởng tại Afghanistan dưới thời Taliban - đều cử dàn lãnh đạo cấp cao tới thăm quốc gia Nam Á này.
Ngay trong tháng 3 vừa qua, chính quyền lâm thời tại Kabul đã được tiếp đón Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov.
Những chuyến thăm trên đã đem lại những kết quả thiết thực khi ngày càng có nhiều quốc gia “đánh tiếng” một cách không chính thức về việc tiến tới công nhận chính quyền lâm thời do phong trào này nắm giữ.
Chỉ vài ngày sau chuyến công du tới Afghanistan, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định trong một buổi họp báo ngày 1/4: “Trung Quốc tin rằng khi có phản ứng mạnh mẽ hơn (từ phía Taliban) đối với các mối quan tâm của tất cả các bên, việc công nhận ngoại giao đối với chính phủ Afghanistan sẽ là một hành động tuân theo lẽ tự nhiên”.
Hôm 13/3, khi phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng cho rằng những gói viện trợ nhân đạo là không đủ để giải quyết những vấn đề tại Afghanistan, và thay vào đó các quốc gia nên cân nhắc dành sự công nhận về mặt ngoại giao cho Tiểu Vương quốc Hồi giáo.
Một mặt, những động thái ngoại giao từ Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ... cùng với những nội dung được công bố trong các buổi làm việc đã cho thấy những toan tính lâu dài về lợi ích kinh tế và chính trị mà các cường quốc khu vực mong muốn khai thác được từ Afghanistan nằm dưới một chính quyền mới, không còn thân phương Tây.
Mặt khác, những lo ngại về an ninh chung như quan hệ mập mờ giữa Taliban và các tổ chức khủng bố trong khu vực, các đường dây tội phạm xuyên biên giới, hay dòng người tị nạn khổng lồ cũng là động lực thúc đẩy các nước này theo đuổi con đường ngoại giao mềm dẻo với chính quyền mới do phong trào này nắm giữ.
Không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ không chính thức với các “đồng minh” tiềm năng, các nhà lãnh đạo Taliban cũng chủ động tham gia vào các cơ chế đối thoại với phương Tây nhằm giải quyết bất đồng giữa hai bên.
Vào tháng 1, ông Muttaqi dẫn đầu phái đoàn ngoại giao tham dự vòng đàm phán với các quan chức đến từ Anh, Pháp và Mỹ tại Oslo, Na Uy. Đây được coi là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo phong trào này tới châu Âu kể từ sau khi giành được chính quyền.
Dù không đạt được kết quả như mong đợi, thông qua các cuộc đàm phán kéo dài ba ngày, cả hai bên đều đã hiểu rõ được những yêu cầu, điều kiện từ phía còn lại đối với vấn đề công nhận chính thức. “Đã có một số chuyển biến rõ rệt và ngày càng gia tăng từ cả hai phía”, một nhà quan sát từ Oslo nhận định với AFP.
Thông qua những hoạt động đối ngoại sôi nổi, Taliban đang dần khẳng định vị thế lãnh đạo chính thức đối với Afghanistan. Tuy nhiên, con đường tiến tới sự công nhận đầy đủ của cộng đồng quốc tế vẫn còn rất nhiều chông gai và thử thách.
Đầu tiên, để “hợp thức hóa” danh nghĩa chính phủ đại diện duy nhất cho Afghanistan, phong trào này rất cần thu phục được các cơ quan đại diện của Afghanistan tại nước ngoài. Trên thực tế, ngay cả trong thời kỳ nắm giữ chính quyền lần đầu tiên từ năm 1996 đến 2001, Taliban cũng chưa thể hiện thực hóa được mục tiêu này.
Hiện tại, hầu hết đại sứ quán và lãnh sự quán của Afghanistan trên toàn thế giới vẫn treo lá cờ của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan.
Phần lớn các viên chức ngoại giao vẫn bày tỏ sự trung thành với chính phủ đã sụp đổ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, cho dù họ không còn đủ nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động theo đúng chức năng và chỉ có thể tiếp tục vận hành nhờ vào nguồn thu từ phí lãnh sự.
Taliban đã từ chối cung cấp kinh phí cho các cơ quan đại diện tại nước ngoài do không chịu tham gia đối thoại với chính quyền mới và quay trở về nước để bàn giao công tác. Trớ trêu thay, bộ máy lãnh đạo của phong trào này cũng không có khả năng làm được điều đó do phía Mỹ đã tiến hành phong tỏa tài khoản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan.
Việc cạn kiệt nguồn ngân sách có thể sẽ buộc các viên chức ngoại giao thuộc biên chế chính quyền cũ đưa ra nhượng bộ với Taliban.
Tuy nhiên, điều này sẽ không diễn ra trong thời gian ngắn khi bản thân nhiều chính quyền sở tại ở các nước phương Tây vẫn ủng hộ các cơ quan ngoại giao của Afghanistan tiếp tục vận hành trên danh nghĩa đại diện cho chính quyền cũ, cũng như không ngần ngại đưa ra các gói hỗ trợ về tài chính.
Tiếp theo, Taliban cũng gặp nhiều trở ngại trong việc đáp ứng các điều kiện về công nhận mà phía phương Tây đang đặt ra, trong đó có các yêu cầu liên quan tới việc đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em, cũng như ngăn chặn các tổ chức khủng bố có mặt trên lãnh thổ Afghanistan.
Trong khi vấn đề quyền phụ nữ và trẻ em đã có một số chuyển biến tích cực khi so sánh với thời kỳ cầm quyền trước đây, quan hệ mập mờ của Taliban với một số nhóm khủng bố quốc tế vẫn là điều khiến phương Tây e ngại.
Chỉ vài tuần trước, hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận Washington đã tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri trong một cuộc không kích bất ngờ bằng máy bay không người lái tại thủ đô Kabul.
Cuộc không kích, theo đánh giá của một số học giả quốc tế, là một hành động gây bẽ mặt đối với chính quyền do Taliban lãnh đạo.
Một mặt, việc quân đội Mỹ đơn phương tấn công vào mục tiêu tại Afghanistan là một hành động gây tổn hại nghiêm trọng đối với tính chính danh của Taliban, cụ thể là với những tuyên bố của chính quyền mới trước người dân Afghanistan về việc sẽ không để tái diễn tình trạng quân đội nước ngoài xâm phạm và hoạt động trên lãnh thổ.
Mặt khác, việc để cho một tên trùm khủng bố xuất hiện và sinh sống tại ngay giữa lòng thủ đô cũng là dấu hỏi lớn cho những cam kết về ngăn chặn khủng bố mà tổ chức này đã hứa hẹn ngay từ những ngày đầu nắm quyền.
Khả năng giải quyết khủng hoảng của Taliban cũng tiếp tục bộc lộ hạn chế khi mới đây nhất, phong trào này đã hoàn toàn rơi vào lúng túng trong công tác khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng xảy ra tại khu vực miền Đông Afghanistan vào cuối tháng 7, dẫn tới cái chết của ít nhất 1.000 nạn nhân.
Khi không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối nội của mình, chính quyền mới do Taliban nắm giữ chắc chắn sẽ không thể đảm bảo được sự ủng hộ từ phía người dân cũng như sự tin tưởng từ cộng đồng quốc tế để đạt được các mục tiêu đối ngoại.
Về bản chất, quá trình công nhận quốc tế đối với một chính phủ mới lên nắm quyền tại một quốc gia có chủ quyền là một tiến trình chính trị xen lẫn với pháp lý.
Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện chính trị do cộng đồng quốc tế đặt ra cũng như các điều kiện pháp lý đã được ghi nhận trong luật pháp quốc tế, chính phủ của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ giành được sự công nhận, từ đó có thể được hưởng các quyền và nghĩa vụ quốc tế gắn với sự công nhận đó.
Về mặt pháp lý, một chủ thể được coi là chính phủ của một quốc gia nếu có khả năng kiểm soát một cách hiệu quả, độc lập và liên tục đối với lãnh thổ quốc gia, có thẩm quyền được công nhận (không nhất thiết có sự ủng hộ) bởi người dân, và không có sự tồn tại song song của một chính quyền hiệu quả khác. Đây là những điều kiện Taliban đã đạt được tại Afghanistan.
Như vậy, về mặt pháp lý, Taliban đáp ứng đủ các điều kiện là chính phủ trên thực tế (de facto) của Afghanistan. Chính Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định sự thật này trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 9/2021.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là các điều kiện tiên quyết nếu Taliban mong muốn có được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Khả năng đáp ứng các yêu cầu còn lại về chính trị, như tôn trọng nhân quyền, chống khủng bố, xây dựng chính phủ toàn diện... mới là những nhân tố mang tính quyết định.
Trong ngắn và trung hạn, khả năng Taliban có được sự công nhận quốc tế chưa thực sự khả quan. Sau một năm kể từ ngày giành chính quyền, chưa có quốc gia nào thiết lập quan hệ chính thức với chính phủ mới.
Trái lại, trong thời kỳ từ năm 1996 tới 2001, tới ba quốc gia công nhận Tiểu Vương quốc Hồi giáo, bao gồm Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Thế nhưng về dài hạn, triển vọng đạt được sự công nhận của công nhận đầy đủ là hoàn toàn có thể, khi bộ máy lãnh đạo Taliban vẫn đang tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại - một dấu hiệu cho thấy phong trào này đang thực sự cố gắng hội nhập với thế giới, thay vì tự cô lập và đóng cửa với bên ngoài như trước đây.
Ngoài ra, bản thân nhiều quốc gia khác trong khu vực, cho dù có những toan tính địa chính trị ẩn sau, cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xem xét nghiêm túc về vấn đề công nhận.
Quá trình triển khai các mục tiêu đối ngoại của chính quyền mới do Taliban nắm giữ sẽ là một con đường không hề bằng phẳng khi tổ chức này thiếu vắng những bài học kinh nghiệm cần thiết về ngoại giao.
Ngoài ra, với những khó khăn và khủng hoảng chồng chất trong nước, việc cân bằng nguồn lực cho cả các mục tiêu đối nội cũng sẽ gây cản trở không nhỏ tới tiến trình giành lại sự công nhận của cộng đồng quốc tế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-van-dong-cua-voi-taliban-post1345810.html