Thế khó của Bộ GTVT trong xử lý 8 dự án BOT đường bộ thua lỗ

Bộ GTVT vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hàng loạt giải pháp nhằm xử lý các khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông đường bộ gặp khó về phương án tài chính hoàn vốn.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 là một trong số 5 dự án được đề xuất Nhà nước mua lại để chấm dứt hợp đồng.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 là một trong số 5 dự án được đề xuất Nhà nước mua lại để chấm dứt hợp đồng.

Sau gần 6 tháng rốt ráo thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Thông báo số 1834/TB-TTKQH ngày 28/11/2022) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 324/TB-VPCP ngày 11/10/2022), Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 4405/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Theo đó, Bộ GTVT hiện đang quản lý 54 dự án đang thu phí BOT, lũy kế doanh thu đến năm 2022 có 7 dự án cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%.

Đáng chú ý, có 8 dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ mặc dù cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư đã tìm giải pháp nhưng không khả thi.

Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng: Xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, Bộ cho biết có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn Nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó, Nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.

5 dự án được đề xuất mua lại gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi Nhà nước bố trí ngân sách mua lại.

Ngoài ra, 3 dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ đồng vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.

Thực hiện nguyên tắc “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ” khi xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cung cấp tín dụng có giải pháp phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư, như cho phép ngân hàng khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất vốn vay đối với khoản vay tín dụng…

Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nguyên tắc, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, trong tổ chức thực hiện; cho ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý.

Đối với nguồn vốn Nhà nước để xử lý khó khăn, bất cập đối với 8 dự án BOT (ước khoảng 10.342 tỷ đồng), Bộ GTVT đề xuất người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT cân đối nguồn vốn phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện.

Giữa năm 2022, Bộ GTVT đã trình Chính phủ giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT sau khi đã thống nhất với nhà đầu tư. Nguồn vốn Nhà nước dự kiến cần để mua lại các dự án này là 13.115 tỷ đồng.

Việc xử lý vướng mắc của dự án BOT vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT do phải bố trí vốn Nhà nước để thay thế quyền thu phí hoặc để thanh toán cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Do vậy, Bộ phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định.

Thế khó của Bộ GTVT trong xử lý 8 dự án BOT giao thông là hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối hết cho từng danh mục dự án cụ thể. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn, việc bố trí vốn xử lý cho 8 dự án BOT giao thông rất có thể phải chuyển sang sau năm 2025.

Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi thời gian chờ xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT nói trên đã kéo dài nhiều năm qua, khiến các nhà đầu tư rơi vào tình cảnh rất khó khăn về tài chính, thậm chí, mấp mé bờ vực phá sản.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-kho-cua-bo-gtvt-trong-xu-ly-8-du-an-bot-duong-bo-thua-lo.html