Thế mạnh sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Qua gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đã góp phần hoàn thiện hơn cho các sản phẩm sản xuất tại các hộ gia đình, cơ sở, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp...
Khi sản phẩm đạt Chứng nhận các sao OCOP sẽ được nhiều khách hàng biết đến nên việc kinh doanh của chủ thể OCOP thuận lợi hơn, góp phần tăng thu nhập cho các chủ thể và người tiêu dùng cũng yên tâm khi chọn mua các sản phẩm đạt các sao OCOP.
Trong đợt 1 năm 2021, Hội đồng Đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức Hội thi xếp hạng OCOP cấp tỉnh. Qua đó, có 40 sản phẩm OCOP của 30 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được UBND tỉnh cấp chứng nhận các sao OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 36 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 139 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 27 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 111 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Kết quả trên cho thấy, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã nỗ lực lớn trong việc triển khai chương trình đến người dân, cùng sự tham gia nhiệt tình của các chủ thể OCOP, để đạt các sao OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đồng thời, sản phẩm OCOP khi đạt các sao OCOP đều mang tính đặc trưng riêng của từng địa phương và rất mới lạ, thu hút được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Chị Trần Thị Hải Liên, ấp Biển Trên A, phường Vĩnh Phước, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - chủ thể sản phẩm nước mắm Thiên Thanh đạt chứng nhận 3 sao OCOP, bộc bạch: “Xuất phát từ việc tự tay mình chế biến nước mắm để cho người thân dùng trong gia đình hàng ngày, nhằm đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình nhưng khi được ngành chuyên môn hỗ trợ trong các khâu thủ tục cần thiết, tham gia vào Chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để đưa sản phẩm nước mắm do mình sản xuất đến tay người tiêu dùng, bởi đây là loại nước mắm làm hoàn toàn bằng hạt đậu nành nên người ăn chay, ăn mặn đều dùng được. Sau khi sản phẩm nước mắm đạt 3 sao OCOP vào năm 2020, tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất và quảng bá hình ảnh nước mắm chay ra thị trường. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao nên tạo động lực để tôi phát triển quy mô sản xuất".
Cũng theo chị Liên, thường mỗi tháng chị sử dụng khoảng 3 tấn đậu nành tươi dành cho sản xuất nước mắm. Để nước mắm đạt chất lượng tốt nhất, những hạt đậu nành được lựa chọn kỹ, toàn bộ là hạt chắc to, độ lớn đồng đều nhau và được sơ chế kỹ kết hợp thực hiện qua nhiều công đoạn ủ đậu, khoảng 6 tháng sau mới thu được thành phẩm là những giọt nước mắm ngon, có hương vị riêng của hạt đậu nành nguyên chất. Hiện tại, lượng nước mắm do chị sản xuất lên đến cả ngàn lít, dự trữ sẵn cung ứng thị trường. Hướng tới, chị sẽ đầu tư thiết bị chuyên dùng để sản xuất lượng nước mắm nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng...
Giám đốc HTX Thanh Long Hoàng Vũ Lê Hùng Dũng, ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: “HTX có diện tích chuyên canh cây thanh long hơn 13ha, sản lượng hơn 520 tấn/năm, toàn bộ số lượng trái sau thu hoạch được các công ty ở Vĩnh Long, Tiền Giang thu mua hết, phục vụ thị trường xuất khẩu. Thời điểm trước dịch bệnh Covid-19, giá thanh long được các công ty thu mua từ 15.000 - 60.000 đồng/kg nên người dân trồng thanh long thu về lợi nhuận rất tốt. Thanh long của HTX bán giá tốt, vì chất lượng ngon ngọt, mang hương vị riêng của vùng đất biển, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và trái thanh long đã đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh đợt 1 (năm 2021). Đây được xem là cơ hội để trái thanh long của HTX tiếp tục mở rộng hơn vào các cửa hàng cao cấp trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh trái thanh long ruột đỏ của xứ biển Vĩnh Châu đến khách hàng gần xa...”.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Hoàng Thuấn thông tin: “Mục tiêu của Chương trình OCOP là nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như phát triển các sản phẩm, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Qua đó, để Chương trình OCOP lan tỏa rộng khắp đến người dân, đơn vị đã phối hợp địa phương tổ chức tuyên truyền, cấp phát tài liệu về nội dung Chương trình OCOP và hỗ trợ hướng dẫn chủ thể OCOP đưa các sản phẩm thi xếp hạng sao OCOP. Với thành quả là có nhiều sản phẩm đạt 3, 4 sao OCOP cấp tỉnh, trong đó tỉnh Sóc Trăng có sản phẩm gạo ST24 đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia. Để ngày càng có nhiều sản phẩm đạt các sao OCOP cấp tỉnh, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP và tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân tại các địa phương bằng cách lắp đặt các pano tuyên truyền Chương trình OCOP cũng như hỗ trợ chủ thể OCOP cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm, giúp sản phẩm OCOP nâng cao giá trị, sức cạnh tranh…”.