Thêm chính sách ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi thất nghiệp, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện nay, việc trục lợi BHTN vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân…
Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm đều tăng
Tổng kết Luật Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hàng năm tăng 14,3%. Số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, diện bao phủ BHTN ngày càng được mở rộng.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về BHTN; có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, việc trục lợi BHTN một phần do Luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.
Nhiều trường hợp người lao động bị phát hiện sau khi đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong quá trình giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp, chốt sổ BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH phát hiện. Vì vậy, việc giải quyết thu hồi tiền trợ cấp đối với người lao động thường mất nhiều nguồn lực, thời gian và tồn tại qua nhiều năm.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, có trường hợp trục lợi BHTN do Trung tâm Dịch vụ việc làm phát hiện khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp... Một số trường hợp theo kết quả kết luận của thanh tra, kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan BHXH, phát hiện người lao động có việc làm, được đóng BHXH nhưng vẫn hưởng BHTN mà không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Lao động vi phạm trục lợi BHTN hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất. Đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nắm vững quy định về pháp luật lao động, để tư vấn cho người lao động, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng quy định.
Cần chính sách bịt lỗ hổng
Ngoài việc Luật Việc làm chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động thì các chế độ BHTN hiện nay còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp; chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Ngoài ra, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Luật Việc làm chỉ quy định các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong khi đó, Bộ luật Lao động lại quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động và một số trường hợp không cần báo trước với người sử dụng lao động, nên trong trường hợp người lao động bị sa thải, tự ý bỏ việc không báo trước… vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, không phù hợp với mục đích của chính sách BHTN, nhằm hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, để góp phần hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHTN, trong đề nghị sửa đổi Luật Việc làm, Bộ đã đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng.
Đồng thời, bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người đang hưởng lương hưu...
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khi một chính sách bị thực hiện không đúng sẽ gây ra những hệ lụy. Đầu tiên là thất thu phần đóng (số người được hưởng tăng lên). Ngay từ đầu không ai muốn thất nghiệp để được hưởng BHTN, nhưng khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm, có người lao động sẽ nghĩ đến việc một lúc được hưởng 2 chế độ (bảo hiểm thất nghiệp và tiền lương) khi vẫn đi làm công việc khác.
Bên cạnh đó, nếu trong quá trình thực hiện, còn có những vướng mắc, thông tin không minh bạch, rõ ràng có thể khiến thất thoát quỹ. Chưa kể, cũng có trường hợp, người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không "thiết tha" với 3 chế độ đầu, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, với những người có kinh nghiệm lao động, gánh nặng mưu sinh lớn, nếu không tái hòa nhập thị trường lao động, mà chỉ nhìn thấy lợi nhỏ trước mắt thì có khả năng sẽ làm sai lệch, không phát huy được vai trò của chính sách BHTN.