Thêm dân cho đô thị Phan Thiết
Có thể hình dung khi các khu dân cư, đô thị trên hình thành thì sẽ khỏa lấp được khoảng trống dân số của đô thị loại 1 Phan Thiết. Nhưng đồng thời cũng cho thấy câu chuyện phát triển dân số như trên cũng là câu chuyện của phát triển kinh tế theo hướng đô thị, vì liên quan tương hỗ lẫn nhau.
Những cái khó cuối cùng
Thực hiện mở rộng thành phố, Phan Thiết có thêm diện tích, từ 211km2 lên hơn 305 km2, và cả thêm dân số từ điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam vào. Điều đáng chú ý, dù đã được nâng từ 290.000 người lên hơn 334.000 người từ cuộc bổ sung trên, nhưng nếu theo chỉ tiêu dân số của đô thị loại 1, Phan Thiết vẫn chưa đạt được chỉ tiêu cận dưới là 350.000 người, chiếm 70% của chỉ tiêu, tức 500.000 người. Do đó, cũng còn rất xa để đạt chỉ tiêu cận trên là 700.000 người so với tiêu chuẩn nhiều hơn hoặc bằng 1 triệu người theo quy định. Tương tự, mật độ dân số khu vực nội thị, Phan Thiết mới đạt 2.657 người/km2, trong khi chỉ tiêu cận dưới của đô thị loại I đã bắt buộc phải tới 7.000 người/km2, còn cận trên 8.400 người/km2. Đó là các con số tương ứng chiếm 70% so với tiêu chuẩn đặt ra, lần lượt là 10.000 người và nhiều hơn hoặc bằng 12.000 người. Vì đối với đô thị là trung tâm du lịch, mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu phải đạt 70% quy định. Từ kết quả trên, cho thấy tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Phan Thiết cũng chưa đạt yêu cầu đề ra, khi chỉ mới 0,66%, so với 1,6% chỉ tiêu cận dưới và lớn hơn hoặc bằng 2% chỉ tiêu cận trên.
Một tiêu chuẩn liên quan rất khó khác là thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước, theo quy định với dân ở đô thị loại 1 là 1,75 lần với chỉ tiêu cận dưới, 2,1 lần với chỉ tiêu cận trên, còn người dân Phan Thiết chỉ mới đạt 1,10 lần. Trong khi đó, nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường thì Phan Thiết còn chưa đạt ở mật độ đường cống thoát nước chính. Cụ thể, chỉ mới đạt 3,19km/km2, trong khi chỉ tiêu cận dưới phải đạt 4km/km2 và chỉ tiêu cận trên phải đạt 4,5km/km2. Các tiêu chuẩn về thu gom, xử lý nước thải, chất thải, Phan Thiết còn 2 tiêu chuẩn: Nhà tang lễ và tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, hiện đang ở trạng thái chưa có gì.
Với hàng loạt tiêu chí đô thị loại I, qua rà soát, đánh giá tiêu chuẩn, thành phố Phan Thiết đã đạt cơ bản với 78,43 điểm. Còn lại, có 3/5 tiêu chí chưa đạt và 7/58 tiêu chuẩn chưa đạt. Đó được xem như những cái khó cuối cùng mà hiện nay, UBND thành phố đang phấn đấu hoàn thành sớm trong chặng đường đến năm 2030, mốc thời gian cuối mà Quy hoạch tỉnh đặt ra với Phan Thiết.
Mũi tên cho nhiều đích
Không phải ngẫu nhiên, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, riêng lĩnh vực khu dân cư, khu đô thị, Phan Thiết được quy hoạch xây quá nhiều ở 2 đầu du lịch thành phố và cả khu vực vùng ven đô. Tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, theo trục đường Võ Nguyên Giáp, tức tuyến 706 B dẫn qua sân bay Phan Thiết, sẽ hình thành đến 5 khu đô thị - thương mại dịch vụ mới Hàm Tiến – Mũi Né được đánh số từ I đến V. Ngoài ra, còn có khu đô thị ven sông Nam Phan Thiết, khu đô thị sân bay Phan Thiết, khu đô thị Bắc kênh thoát lũ, khu đô thị mới Hàm Kiệm – Tiến Thành... Có thể hình dung khi các khu dân cư, đô thị trên hình thành thì sẽ khỏa lấp được khoảng trống dân số của đô thị loại 1 Phan Thiết. Nhưng đồng thời cũng cho thấy câu chuyện phát triển dân số như trên cũng là câu chuyện của phát triển kinh tế theo hướng đô thị, vì liên quan tương hỗ lẫn nhau.
Đô thị Phan Thiết. Ảnh: N.Lân
Bí thư Thành ủy Phan Thiết Phạm Văn Nam phân tích, hiện tại cự ly và giao thông kết nối với các tỉnh phía Nam của Bình Thuận đã tốt hơn rất nhiều, lại giáp ranh với 2 tỉnh thu ngân sách thuộc tốp 10 của cả nước. Bên cạnh, tỉnh đã ban hành các nghị quyết phát triển trên các lĩnh vực, trong đó có phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp… cùng những điều kiện cho đầu tư đã hội tụ nên sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến trong thời gian tới. Đô thị Phan Thiết là hạt nhân, là trung tâm của tỉnh nên chắc chắn tập trung nhiều nhà đầu tư. Theo đó, thu hút lao động về thành phố Phan Thiết làm việc, sinh sống nên sẽ gia tăng dân số, đáp ứng tiêu chí của đô thị loại 1.
Trong thời gian này, rất nhiều các công trình trọng điểm của tỉnh đều nằm trên địa bàn thành phố và khi các dự án này hoàn thành, có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và chỉnh trang đô thị của Phan Thiết. Có thể kể, đó là Cảng Hàng không Phan Thiết, Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), Chung cư sông Cà Ty, Cầu Văn Thánh, Đường ĐT.719, Đường Hàm Kiệm - Tiến Thành… Bên cạnh là các công trình chỉnh trang đô thị như dự án: Cải tạo mặt đường, vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Thủ Khoa Huân; Cải tạo đảo giao thông tại nút giao đầu tuyến ĐT.706B và tuyến ĐT.716; Chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đường Nguyễn Tất Thành…
Tất cả đang góp thêm để đô thị Phan Thiết ngày một đàng hoàng hơn. Nói cách khác, đó là vốn đầu tư công, vốn mồi để thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào thành phố nhiều hơn trong thời gian tới. Đó được ví như mũi tên bắn trúng nhiều đích. Với Phan Thiết, không chỉ là tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế đô thị, nâng cao mức thu nhập người dân mà còn gia tăng được dân số… từ đó, đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn hiện chưa đạt để về đích đô thị loại 1 trong thời gian sớm của 6 năm còn lại.
Qua rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn của tiêu chí đô thị loại I thành phố Phan Thiết đạt 78,43 điểm. Trong đó, có 03/05 tiêu chí chưa đạt và 07/58 tiêu chuẩn chưa đạt. Tiêu chí chưa đạt là vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số. Tiêu chuẩn chưa đạt là thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước; tỷ lệ tăng dân số hàng năm; dân số toàn đô thị; mật độ dân số khu vực nội thị; mật độ đường cống thoát nước chính; nhà tang lễ; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/them-dan-cho-do-thi-phan-thiet-118160.html