'Thêm gió' cho cánh diều làng Bá Dương Nội
Hội diều làng Bá Dương Nội đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao giá trị làng nghề, phát triển du lịch nông thôn địa phương.
Chiều 12/4, UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội”; Bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”.
Nâng cao giá trị làng nghề làm sáo diều Bá Dương Nội
Làng Bá Dương Nội (còn có tên là Bá Giang), xưa có tên nôm là Kẻ Bá. Đầu thế kỷ thứ XIX làng Bá Giang thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, thị trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đây vốn là vùng đất cổ bên dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), có bãi phù sa và nhiều gò, đống và cây cối rậm rạp.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” cho huyện Đan Phượng, xã Hồng Hà và nhân dân làng Bá Dương Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Từ xa xưa, người dân làng Bá Dương Nội đều thành thạo trong việc chế tác ra những chiếc diều sáo với đủ kích cỡ. Điểm độc đáo, nổi bật (duy nhất) ở Hội diều làng Bá Dương Nội là lễ hội thi thả diều gắn với một di tích (miếu Diều) thờ Thần Linh Châu Thổ, được thực hiện đầy đủ theo nghi thức tế lễ truyền thống.
Lễ hội thả diều gồm các nghi lễ chính như: Lễ phong môn giải y, dịch phục; lễ dịch phục; lễ tuyên sắc; tế Chính tịch; lễ trình diều; lễ cầu phong (cầu gió) và tiến hành thả diều. Con diều nào đạt giải Nhất sẽ được mang vào miếu tế Thần Linh Châu Thổ…
Trước kia, làm diều sáo ở Bá Dương Nội chỉ mang tính tự phát, thỏa mãn niềm đam mê (chủ yếu là chơi hoặc biếu, tặng) và gìn giữ bản sắc truyền thống của di sản. Những năm gần đây, do nhu cầu thú chơi thả diều sáo được nhiều người ở các nơi đam mê tìm hiểu và đặt mua hàng với giá trị của từng cánh diều từ một đến vài trăm nghìn đồng đến vài, ba triệu đồng trở lên (tùy thuộc vào kích cỡ sáo lớn hay nhỏ, sáo đôi hay sáo ba..) theo sở thích của người mua.
Người làng Bá Dương Nội đã mang diều sáo truyền thống tham gia nhiều lễ hội lớn trong nước cũng như quốc tế như: Festival diều Quốc tế tại Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu; đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Festival diều Quốc tế tổ chức tại các nước Thái Lan (2010; 2014), Trung Quốc (2012); Cộng hòa Pháp (2012), Malaysia (2014)… được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của cánh diều Việt Nam.
Với những giá trị đặc sắc, Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL ngày 21/02/2024 và UBND TP. Hà Nội công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội tại Quyết định số 2982/ QĐ-UBND ngày 07/6/2024 đó là sự ghi nhận của các cấp, ngành với chính quyền địa phương và nhân dân đã luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hội diều làng Bá Dương Nội, Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội.
Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng - cho biết, thời gian qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, đặc biệt là hội diều và nghề làm diều sáo của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, chủ động vận dụng, cụ thể hóa sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của thành phố về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghề truyền thống vào điều kiện, tình hình thực tiễn ở cơ sở.
Việc đón nhận danh hiệu nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; khẳng định giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội”. Đồng thời, tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị di sản văn hóa độc đáo “Hội diều làng Bá Dương Nội” và di tích miếu Diều trên địa bàn huyện với du khách trong và ngoài thành phố.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch nông thôn
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Hồng Hà - cho biết, hiện tại làng Bá Dương Nội có 134 hộ gia đình làm diều sáo truyền thống. Làng có 3 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (loại hình Tri thức dân gian) gồm: 01 Nghệ nhân Nhân dân là ông Nguyễn Hữu Kiêm và 02 Nghệ nhân Ưu tú là ông Phạm Văn Mai và ông Nguyễn Gia Độ.
Việc truyền dạy cách làm và chơi diều không chỉ trong làng mà còn lan tỏa đến nhiều nhóm đối tượng khác như: Vào các dịp Tết Trung thu hoặc Quốc tế Thiếu nhi mùng 1/6, hay trong các hoạt động ngoại khóa của các trường học và các sự kiện khác của TP. Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác các nghệ nhân trong làng đã tham gia giới thiệu, hướng dẫn các cháu thiếu nhi, các bạn trẻ về trò chơi dân gian này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” cho chính quyền và nhân dân địa phương. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Để tôn vinh cũng như phát triển làng nghề trong những năm tới, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, địa phương tiếp tục quảng bá, đẩy mạnh phát triển nghề diều sáo gắn với phát triển du lịch, các dịch vụ mới, hấp dẫn phục vụ lễ hội, mang tính biểu tượng văn hóa di sản, hướng đến mục tiêu Hội diều làng Bá Dương Nội và nghề làm diều sáo trở thành một điểm tham quan, du lịch góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà ngày càng phát triển.
Sau Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội”, xã Hồng Hà đã khai mạc Lễ hội thả diều truyền thống.
Năm nay, Hội diều làng Bá Dương Nội thu hút 72 con diều dự thi. Theo thể lệ truyền thống, những con diều đủ điều kiện thi có chiều dài tối thiểu 2,2m, rộng tối thiểu 0,6m, có đủ 3 sáo (đường kính sáo phải từ 2,5cm trở lên), cánh diều không được dán bằng giấy bóng trắng… sẽ được thả trên cánh đồng làng. Những con diều có sáo hay nhất, lên cao nhất và đứng im nhất... sẽ là con diều chiến thắng.

Những con diều đủ tiêu chuẩn được đánh số thứ tự, chuẩn bị tham gia thi.
Lễ hội thi thả diều diễn ra tại miếu Diều, là nơi thờ Thần Linh Châu Thổ, nằm giữa không gian sản xuất canh tác của cư dân nông nghiệp nơi đây. Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội mang ý thức cầu phong (gió) với khát vọng cầu mưa thuận gió hòa để sản xuất canh tác mong có một mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ.
Lễ hội phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ven sông Hồng - con sông lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có sức ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của cư dân vùng hạ du, góp phần hình thành nên dòng chảy văn hóa, văn minh sông Hồng.
Thông qua bối cảnh lịch sử, nguồn gốc của Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội cho thấy kinh nghiệm dân gian trong quan sát thời tiết, độ gió, hướng gió để thả diều đã được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Lễ hội đã góp phần giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn, định hướng văn hóa ứng xử của con người với tự nhiên và các mối quan hệ xã hội, hình thành nên giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường tự nhiên.
Đồng thời, lễ hội là sợi dây kết nối cộng đồng trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết tương thân tương ái, giúp nhau trong cuộc sống; giữ gìn thuần phong, mỹ tục của địa phương.
Trong khuôn khổ của sự kiện còn có các hoạt động khác như: Trang trí con đường diều sáo “Hành trình kết nối”; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô; trưng bày triển lãm diều sáo, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về diều sáo; trưng bày giới thiệu các cây cảnh nghệ thuật; tổ chức Hội nghị tổng kết tu bổ, tôn tạo miếu Diều;…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/them-gio-cho-canh-dieu-lang-ba-duong-noi-382653.html