Thêm nhiều phát hiện mới tại Di sản Thế giới Thành nhà Hồ

Sau gần 2 năm tiến hành khai quật đường Hoàng gia-Thành nhà Hồ (từ tháng 11-2021 đến tháng 7-2022), Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện thêm nhiều điểm mới. Qua đó, làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành qua các thời kỳ lịch sử.

Thành nhà Hồ. Ảnh: Báo Lao Động

Thành nhà Hồ. Ảnh: Báo Lao Động

Con đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi, nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc-Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông. Qua cuộc khai quật thấy rõ dấu tích đường Hoàng Gia còn lại được kè đá xanh và lát đá phiến, nằm chính giữa cổng Nam Thành nhà Hồ, hướng Bắc-Nam (Bắc lệch Tây 400), nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.

Về vật liệu kiến trúc, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long; nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây. Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần-Hồ.

Về gốm sứ, các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.

Bước đầu, các nhà khảo cổ học nhận định cuộc khai quật này đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành. Con đường này có lẽ chỉ có một làn đường, rộng khoảng gần 5 m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam. Mục tiêu lớn nhất trong cuộc khai quật nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ là nghiên cứu con đường Hoàng Gia, nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô thời nhà Hồ.

Đến nay, các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô, như dấu tích con đường Hoàng Gia, cụm kiến trúc nền Vua, cụm kiến trúc con Rồng…

Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết, khu di sản này được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới năm 2011, trên cơ sở 2 tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh-Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ: Từ cuộc khai quật lần này đã phát hiện nhiều dấu tích, kiến trúc quan trọng của kinh đô thời nhà Hồ. Với những phát hiện này, đã đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử. “Qua các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của Kinh đô, dấu tích con đường Hoàng gia, cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu. Từ đó có thể bước đầu nhận diện mặt bằng Thành nhà Hồ ở khu vực trục trung tâm nội thành”-ông Linh chia sẻ.

TUỆ NGUYÊN (tổng hợp)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12382/202207/them-nhieu-phat-hien-moi-tai-di-san-the-gioi-thanh-nha-ho-5784510/