Thêm tiếng Hàn, tiếng Đức vào chương trình phổ thông: Tăng sự lựa chọn cho học sinh
Bộ GD-ĐT vừa có Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, từ ngày 9-2-2021, tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3-12.
Hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông trên toàn quốc đang có 5 ngoại ngữ được xem là ngoại ngữ 1 - ngoại ngữ bắt buộc, đó là: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Nhật. Nay Bộ GD-ĐT bổ sung 2 ngoại ngữ nữa là tiếng Hàn và tiếng Đức. Như vậy, đến nay có 7 ngoại ngữ được chính thức giảng dạy trong chương trình phổ thông.
* Nhiều ý kiến trái chiều
Quyết định này của Bộ GD-ĐT đang gây tranh cãi trong giới phụ huynh. Có ý kiến cho rằng, điều đó là rất nên bởi đa dạng các môn ngoại ngữ là thêm cơ hội chọn lựa cho học sinh; còn ý kiến khác lại nói, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nên tập trung cho học sinh thông thạo ngoại ngữ căn bản này, còn em nào có nhu cầu học thêm ngoại ngữ nào thì sẽ tự trang bị, chỉ cần thông thạo ngoại ngữ cơ bản là tiếng Anh vẫn là chuẩn nhất...
Ông Phạm Văn Thành (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có con đang học lớp 10 tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định này của Bộ GD-ĐT, vì giúp học sinh được lựa chọn và đa dạng hóa môn ngoại ngữ trong trường học. Hiện Việt Nam mở cửa giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới thì học để hiểu tiếng của họ là cần thiết. Điều đó còn giúp ta hiểu hơn về văn hóa của họ cũng là điều hay. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT đã giải thích rõ, đây là sự chọn lựa của học sinh chứ không phải ép buộc. Ngoại ngữ là môn học không thể ép buộc, có yêu thích, học mới tốt”.
Là một học sinh đang học lớp 8 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa), em Võ Anh Thư cho hay: “Lâu nay tụi em chỉ được học tiếng Anh, nếu giờ có thêm những ngoại ngữ khác thì rất hay. Dù đã 5 năm học tiếng Anh nhưng em không thích nên học cũng không giỏi. Em thích Hàn Quốc nên đang tự học tiếng Hàn tại một trung tâm ngoại ngữ. Nếu được học trong trường và miễn phí thì quá tốt”.
Trong khi đó, bà Trần Thị Liên Hoa (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), phụ huynh của một học sinh Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế cơ bản mà thời nào cũng cần. Tiếng Anh hiện được rất nhiều quốc gia đang sử dụng trong học tập, làm việc và giao tiếp. Cho nên chương trình phổ thông chỉ nên tập trung giảng dạy thật tốt môn tiếng Anh để học sinh tốt nghiệp THPT là có thể sử dụng được tiếng Anh cho những giao tiếp thông thường trong học tập và làm việc là được. Còn sau này lên đại học, em nào học ngành gì, đi du học nước nào, thích học ngoại ngữ gì thì tùy nhu cầu. Tổ chức giảng dạy nhiều ngoại ngữ trong một trường sẽ khiến học sinh phân tâm trong lựa chọn”.
* Nhiều khó khăn phía trước
Về quyết định đưa thêm 2 ngoại ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, đây là một định hướng tốt của ngành GD-ĐT, học sinh sẽ có thêm lựa chọn bên cạnh những ngôn ngữ như: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật. Hiện nay, ngoại ngữ phổ biến nhất toàn cầu vẫn là tiếng Anh, nhưng nhiều học sinh có nhu cầu du học ở những nước không nói tiếng Anh nên việc chuẩn bị ngôn ngữ là điều rất quan trọng. Đặc biệt là một số ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Nhật là những ngoại ngữ khó, cho học sinh tiếp cận càng sớm, khả năng tiếp thu càng tốt.
Trước nhiều ý kiến trái chiều về quyết định bổ sung tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình giáo dục phổ thông, ông Võ Ngọc Thạch nói thêm, việc đưa các ngoại ngữ mới vào giảng dạy từ bậc phổ thông là rất đúng đắn, phụ huynh không nên lo lắng khi con học những thứ tiếng khác sẽ mất cơ hội học tiếng Anh, mà các em vẫn có quyền chủ động chọn lựa ngoại ngữ theo sở thích cũng như cần thiết cho mình để học, nhà trường không ép buộc. Như vậy, sự bổ sung thêm 2 ngoại ngữ mới vào chương trình học là không gây khó khăn gì cho học sinh. Tuy nhiên, triển khai thế nào mới là vấn đề mà ngành đang lo lắng.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Trịnh Phương Ngọc cho hay, bà hoàn toàn ủng hộ việc đưa thêm tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Bởi trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, hiện có nhiều doanh nghiệp của nhiều quốc gia đầu tư trên địa bàn, nên biết thêm ngoại ngữ ngoài tiếng Anh là rất cần thiết, hơn nữa nó cũng cho học sinh có nhiều cơ hội chọn lựa ngoại ngữ theo khả năng và sở thích của mình. Tuy nhiên, còn có rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước.
Theo bà Ngọc, trong số giáo viên dạy ngoại ngữ tại Đồng Nai thì giáo viên tiếng Anh khá nhiều; tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật không nhiều nhưng không quá khan hiếm, riêng tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga thì không hề dễ kiếm. Chưa kể, giả sử có đủ nguồn giáo viên giảng dạy thì vẫn còn rất nhiều vấn đề mà Bộ GĐ-ĐT cần lãm rõ khi đưa ra quyết định này. Ví dụ như nguồn nhân lực này lấy từ đâu; hợp đồng, hợp tác giảng dạy thế nào; trách nhiệm này của bộ, của sở hay tự thân các trường; hợp đồng giảng dạy dưới hình thức nào, tăng định suất biên chế hay hợp đồng thời vụ; nguồn trả lương cho các giáo viên này từ đâu; có thu tiền của học sinh hay không; cơ sở, trang thiết bị để dạy ngoại ngữ lấy ở đâu...
“Dạy ngoại ngữ là mục tiêu mang tính dài hơi. Trước những khó khăn trên, trường mong rằng Bộ GD-ĐT đề ra thì cần phải có lộ trình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến tài liệu học tập và rất nhiều vấn đề phía trước cần giải quyết... Đặc biệt là công tác đào tạo và đáp ứng đủ nguồn nhân lực giảng dạy các ngoại ngữ này cho các trường phổ thông trên cả nước, trong đó có trường chúng tôi” - bà Ngọc nói.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT tuy đã có hiệu lực từ ngày 9-2-2021 nhưng để triển khai còn rất nhiều việc phải chuẩn bị. Trong thời gian chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể, Sở sẽ có những buổi làm việc với phòng GD-ĐT các huyện, thành phố và các trường phổ thông để nghe ý kiến về vấn đề này như thế nào, nhằm cùng nhau tìm ra hướng đi tốt nhất trong việc triển khai quyết định trên của Bộ GD-ĐT.