Thi công ngày đêm khắc phục sạt lở hầm Chí Thạnh, phấn đấu thông tàu trong ngày 26/5

Đơn vị thi công đã tăng ca, kíp, ngày đêm khắc phục sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên), phấn đấu thông tàu trong ngày 26/5.

Thi công ngày đêm, phấn đấu thông tàu trong ngày 26/5

Ngày 25/5, trực tại hiện trường sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, các đơn vị chức năng đang phấn đấu thông tàu trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo ông Cảnh, khó khăn nhất hiện nay trong quá trình khắc phục sạt lở hầm Chí Thạnh là phạm vi hố sụt rất lớn, khối lượng đất sụt lên đến 260m3 và phạm vi hố sụt rộng hơn nhiều so với hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) nên khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều.

"Nhận chỉ đạo của Bộ GTVT, suốt những ngày qua, chúng tôi vẫn bám công trường khắc phục sạt lở hầm Chí Thạnh. Chúng tôi đang cố gắng, nỗ lực hết sức và nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, sẽ phấn đấu cho thông tàu sớm hơn theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT", lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam nói và cho biết, đang tập trung tối đa để phấn đấu đến hết ngày 26/5 sẽ thông tàu.

Công tác khắc phục sạt lở hầm Chí Thạnh đang được tiến hành khẩn trương, phấn đấu sớm thông tàu. Ảnh: Quang Đạt

Công tác khắc phục sạt lở hầm Chí Thạnh đang được tiến hành khẩn trương, phấn đấu sớm thông tàu. Ảnh: Quang Đạt

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại hiện trường, đơn vị thi công vẫn đang xử lý khối lượng đất đá bị sạt lở án ngữ giữa hầm Chí Thạnh cả phía cửa hầm Bắc và cửa hầm Nam. Mỗi ca, có khoảng hơn 10 công nhân làm việc khẩn trương trong điều kiện khó khăn vì thời tiết rất nóng bức, bụi mù mịt và thiếu ánh sáng.

Các công nhân đang sử dụng khoan neo tạo ô vào phía sau vỏ hầm để bơm vữa gia cố lớp đất đá phía sau vỏ hầm; lắp dựng khung chống bằng thép hình uốn tỳ vào vỏ hầm, phun bê tông để gia cố kết cấu vỏ hầm. Từ đó phun vữa xi măng từ các lỗ khoan vào khối sụt bở rời phía trên đỉnh hầm để cố kết đất đá rời rạc có xu hướng sụt xuống hầm. Sau khi bê tông neo và kết cấu vỏ hầm được gia cố chắc chắn sẽ tiến hành đào khối đất sụt vận chuyển ra.

Hiện tại, nhà thầu đã tăng cường tối đa thiết bị, nhân lực, bố trí tối thiểu hai đoàn tàu công trình đủ hai dây chuyền mỗi ca, tiến hành thi công đồng thời từ đầu Bắc và đầu Nam vào. Nhà thầu cũng đã cho thi công cả ngày lẫn đêm để xử lý dứt điểm vị trí sạt lở.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trực tiếp vào hầm Chí Thạnh để kiểm tra, chỉ đạo quá trình khắc phục sự cố sạt lở. Ảnh: Quang Đạt

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trực tiếp vào hầm Chí Thạnh để kiểm tra, chỉ đạo quá trình khắc phục sự cố sạt lở. Ảnh: Quang Đạt

Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã trực tiếp tới hiện trường sạt lở hầm Chí Thạnh kiểm tra, chỉ đạo quá trình khắc phục.

Sau khi kiểm tra hiện trường, trao đổi với tư vấn, các chuyên gia, Bộ GTVT đã có công điện chỉ đạo nhà thầu tăng cường tối đa thiết bị, nhân lực, xử lý dứt điểm vị trí sạt lở và khôi phục lại chạy tàu.

Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công thường xuyên có mặt tại hiện trường để huy động tối đa các lực lượng tập trung khắc phục sạt lở. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ về nhân lực, máy móc thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ trong quá trình khắc phục sạt lở. Đồng thời đảm bảo các điều kiện an toàn về phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ chuyển tải hành khách, hàng hóa do dừng tàu. Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra công tác an toàn đường sắt qua hầm trước, trong và sau khi khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Nhiều hầm đã xuống cấp, sẽ sớm được sửa chữa

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM có 27 hầm thuộc địa phận từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Khánh Hòa. Các hầm này được xây dựng và đưa vào khai thác cách đây gần 100 năm (xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến năm 1936), được thiết kế, thi công theo các tiêu chuẩn và công nghệ đơn giản trong giai đoạn đó.

Trong kháng chiến, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM nói chung, các công trình hầm trên tuyến nói riêng bị tàn phá, có thời kỳ không hoạt động được. Tình trạng chung hiện nay là vỏ hầm bằng bê tông hoặc đá hộc xây bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khai thác chạy tàu.

Nhiều hầm đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM đã xuống cấp, sớm được sửa chữa để đảm bảo an toàn tàu chạy. Ảnh: Quang Đạt

Nhiều hầm đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM đã xuống cấp, sớm được sửa chữa để đảm bảo an toàn tàu chạy. Ảnh: Quang Đạt

Thời gian gần đây, một số hầm trên tuyến đã từng bước được gia cố, cải tạo như hầm số 6, số 8 đã được sửa chữa bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm dành cho đường sắt. Hầm số 7, số 9, số 10, số 13 đã được sửa chữa năm 2003 trong Dự án Cải tạo hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân (chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa, hư hỏng bằng vỏ hầm mới kết hợp mở rộng kích thước hầm đảm bảo khổ giới hạn).

Năm 2016, Bộ GTVT đã báo cáo, được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để sửa chữa 9 hầm xung yếu. Do đặc thù của đường sắt vừa thi công vừa chạy tàu và không được thi công đồng thời các công trình trong một khu gian nên thời gian thi công thực tế chỉ được khoảng 2,5 tiếng/ngày (dừng tàu chỉ được 4 tiếng/ngày), đến nay mới hoàn thành 5/9 hầm.

"Thực tế triển khai, hầu hết các hầm đều có sạt lở nhưng với quy mô nhỏ, riêng các hầm khu vực Nam Trung Bộ như hầm Bãi Gió, Chí Thạnh có địa chất phức tạp nên sạt lở lớn hơn. Hiện còn 12 hầm cũng đã bị xuống cấp nhưng ở mức độ nhẹ hơn, dự kiến sẽ được sửa chữa vào kỳ trung hạn tới", lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, riêng hầm Chí Thạnh có chiều dài khoảng 325m, đã hoàn thành gia cố 300m vỏ hầm. Trong quá trình thi công phá dỡ vỏ hầm cũ, vào lúc 10h5 ngày 21/5 đã xảy ra sụt lở đất đá trên đỉnh vỏ hầm với khối lượng khoảng 260m3.

Nguyên nhân ban đầu được các cơ quan, tư vấn, các chuyên gia đánh giá sụt lở ở hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh có nhiều điểm tương đồng như về kết cấu bê tông vỏ hầm đã xuống cấp; địa chất là đá phong hóa mạnh đến phong hóa hoàn toàn thành cát lẫn sỏi phía sau vỏ hầm. Thời điểm thi công khu vực có xảy ra mưa lớn, nhiều ngày làm nước ngấm vào gây phân rã liên kết đất đá, tăng áp lực lên kết cấu vỏ hầm cũ, cộng với sự tác động của ô tô nặng chạy trên đỉnh hầm gây sụt lở (tại vị trí sụt lở đều có đường bộ đi trên đỉnh hầm, có nhiều xe chở vật liệu tải trọng nặng khai thác).

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thi-cong-ngay-dem-khac-phuc-sat-lo-ham-chi-thanh-phan-dau-thong-tau-trong-ngay-26-5-192240525154918211.htm