Thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim

Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim nhằm thiết lập cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ công tác bảo tồn đất ngập nước và sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Vườn Quốc gia Tràm Chim từng thu hút nhiều sếu đầu đỏ về trú ngụ. (Nguồn ảnh: TTXVN phát)

Vườn Quốc gia Tràm Chim từng thu hút nhiều sếu đầu đỏ về trú ngụ. (Nguồn ảnh: TTXVN phát)

Sáng 22/2, thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết tổ chức này đang phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, tiến hành xây dựng và triển khai thí điểm “Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước” tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước nhằm thiết lập cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ công tác bảo tồn đất ngập nước và sinh kế cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng sinh sống xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim.

Tọa lạc tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim trải rộng trên hơn 7.300 hécta (gồm hệ sinh thái rừng tràm và đất ngập nước) là một trong những vùng đất ngập nước còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, bao gồm Sếu đầu đỏ (Grus antigone) - loài chim quý hiếm và biểu tượng của vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo UNDP Việt Nam, trong những năm gần đây, Vườn quốc gia Tràm Chim đã và đang đối mặt với nhiều thách thức như suy thoái sinh cảnh và khai thác tài nguyên quá mức, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể số lượng các loài đặc hữu cũng như một số loài di cư như Sếu đầu đỏ.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt “Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022-2032” với mục tiêu khôi phục quần thể sếu và cải thiện sinh cảnh sống của loài.

Tuy nhiên, hiện nay, tài chính dành cho bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới và tại Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu thực tế. Theo các báo cáo quốc tế, khoảng cách tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm, trong khi nguồn lực hiện có chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

“Tại Việt Nam, theo các nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, mặc dù thời gian qua đã có sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước và viện trợ quốc tế, nhưng kinh phí cho các chương trình bảo tồn vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý bền vững hệ sinh thái và bảo vệ các loài nguy cấp. Nguyên nhân chủ yếu là bởi sự ưu tiên chưa cao trong chính sách tài khóa, cơ chế huy động vốn còn hạn chế và sự tham gia của khu vực tư nhân chưa mạnh mẽ,” đại diện UNDP Việt Nam thông tin.

 (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, theo UNDP Việt Nam, cần có những chiến lược tài chính sáng tạo, như áp dụng chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thu hút đầu tư xanh và tăng cường hợp tác công - tư nhằm tạo nguồn lực bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Trước mắt, Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim xác định các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng do Tràm Chim cung cấp (bao gồm lọc nước, điều tiết lũ, hấp thụ carbon và các dịch vụ văn hóa như du lịch sinh thái và giải trí). Theo mô hình đề xuất, các tổ chức và cá nhân hưởng lợi từ những dịch vụ này (bao gồm các doanh nghiệp du lịch và cơ sở nuôi trồng thủy sản) sẽ đóng góp tài chính để hỗ trợ công tác bảo tồn vườn quốc gia.

Theo UNDP Việt Nam, đây là mô hình đầu tiên về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước được vận hành theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, mở ra cơ hội nhân rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, thành công của đề án phụ thuộc vào sự đồng thuận và tham gia tích cực của các bên liên quan.

Về phía địa phương, ông Bùi Thanh Phong - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cũng nhấn mạnh Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam. “Mặc dù sẽ còn nhiều thách thức, song chúng tôi hy vọng việc thực hiện đề án sẽ đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy cơ chế tài chính bền vững cho công tác bảo tồn tại vườn,” ông Phong nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-diem-chi-tra-dich-vu-he-sinh-thai-dat-ngap-nuoc-tai-vuon-quoc-gia-tram-chim-post1013711.vnp