Thị trường biến động, doanh nghiệp tàu dầu 'kẻ khóc, người cười'

Thị trường vận tải xăng dầu biến đổi nhanh, thiếu ổn định trong đầu năm 2025 khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải cũng dao động.

Nơi báo lỗ, nơi lợi nhuận "tí hon"

Sau một thời gian luôn "rủng rỉnh", kết thúc quý I/2025, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) ghi nhận có sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận. Báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp cho thấy, tổng doanh thu trong quý cán mốc hơn 476,6 tỷ đồng, giảm tới hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tàu dầu có nhiều biến động nên lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải cũng có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh họa).

Thị trường tàu dầu có nhiều biến động nên lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải cũng có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh họa).

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ 54,1 tỷ đồng. Trong kết quả kinh doanh hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp của Vosco lỗ hơn 53,8 tỷ đồng.

Vốn kinh doanh trong thế "kiềng ba chân" bao gồm cả vận tải tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu sản phẩm, theo Vosco, sự sụt giảm về thị trường đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể trong quý I, thị trường tàu hàng khô rất ảm đạm, khởi đầu từ mức nền rất thấp cuối năm 2024 và lao dốc xuống đáy quanh Tết Nguyên Đán (BDI chạm mốc khoảng 715 điểm), được ghi nhận là tồi tệ hơn cả giai đoạn đầu Covid - 19.

Sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nguồn cung tàu dư thừa và nhu cầu hàng hóa khan hiếm đã đẩy giá cước thuê tàu Supramax (các tàu có trọng tải từ 50.000 – 60.000 DWT) xuống còn khoảng 4.000-5.000 USD/ngày, thậm chí có chuyến chỉ còn 2.500 - 3.000 USD/ngày. Trong khi, phân khúc Small Handy (tàu có trọng tải toàn phần từ 25.000 - 40.000 DWT) cũng chịu cảnh cạnh tranh khốc liệt với lượng hàng rất ít ỏi.

Bên cạnh đó, thị trường tàu dầu sản phẩm quý cũng có nhiều diễn biến phức tạp và không ổn định, với một số thời điểm khá ảm đạm như tại kỳ nghỉ lễ hoặc cuối tháng 3. Do đó, doanh thu của đội tàu khô và tàu dầu đều bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tốc tác động tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như việc trích khấu hao nhanh đội tàu để có thêm dòng tiền phục vụ công tác đầu tư phát triển đội tàu. Đồngthời, Vosco cũng có nhiều tàu trọng tải lớn lên đà/sửa chữa định kỳ, không có doanh thu và công ty vẫn phải chịu chi phí ngày tàu.

Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific) cũng có kết quả sản xuất kinh doanh trong quý I có phần giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty có doanh thu thuần ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 12,8%, đạt 421,1 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 51,9 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 11% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40,3 tỷ đồng.

Theo lý giải của PVTrans Pacific, doanh thu trong quý tăng so với Quý I/2024 do có sự đóng góp thêm từ tàu đầu tư mới Pacific Pride đã đưa vào khai thác kể từ tháng 10/2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sụt giảm do giá cước đang có xu hướng giảm và chi phí giá vốn tăng so với cùng kỳ.

Tương tự, báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco trong 3 tháng đầu năm ghi nhận mức doanh thu đạt 284,97 tỷ đồng, tăng 6,27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng 13,76% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 19,2 tỷ đồng, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường vẫn nhiều biến động

Trong bức tranh tài chính có phần ảm đạm của các doanh nghiệp vận tải tàu dầu, Công ty CP Vận tải xăng dầu Vipco lại có mức tăng trưởng khả quan. Trong quý 1, Vipco có mức doanh thu thuần đạt hơn 149 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng hơn 31%, cán mốc hơn 25,1 tỷ đồng.

Theo lý giải của Vipco, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ so với cùng kì năm trước do năm 2025, đội tàu khai thác định hạn ổn định với tổng cước thuê định hạn đội tàu là 49.600 USD/ngày (cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 47.800 USD/ngày.

Có thể nói, những dư địa của thị trường trong quý 1/2025 đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp vận tải tàu dầu có sự phân hóa. Thị trường vẫn tiếp tục biến động, tạo nên nhiều thách thức cho các doanh nghiệp.

Thực tế theo các chuyên gia, kể từ tháng 7/2024, giá cước vận tải xăng dầu đã có nhiều biến động. Những bất ổn địa chính trị, xung đột vũ trang, các mâu thuẫn chính trị đã tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu, khiến giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Theo Hellenic shipping News, thị trường tàu chở dầu đã suy yếu trong suốt tháng qua. Sự phát triển trong các biện pháp trừng phạt và thuế quan đã khiến giá cước vận chuyển giao ngay gần với mức trung bình trong 5 năm, mặc dù vẫn thấp hơn thời điểm năm 2022 và 2023.

Hoàng Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thi-truong-bien-dong-doanh-nghiep-tau-dau-ke-khoc-nguoi-cuoi-19225042915410575.htm