Thị trường carbon - cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng
Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (GGSC) và Tiểu ban Tài chính Bền vững (SFSC) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Khóa đào tạo thị trường tín chỉ carbon và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh
Khóa đào tạo nhằm trang bị thông tin về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Thị trường tín chỉ carbon, cũng như tác động của các cơ chế này đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tại thành phố nói riêng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang EU (27 nước) đạt 34,08 tỷ USD, tăng 17,5%, tương ứng tăng 5,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu từ EU (27 nước) đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,1%, tương ứng tăng 1,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta (xếp theo thứ tự gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc). Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo (điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép…) nắm giữ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Ngoài ra, những năm gần đây, nhóm hàng nông sản cũng có dấu hiệu tăng mạnh.
Châu Âu hiện trở thành thị trường khó tính bậc nhất với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về bảo vệ môi trường, trong đó có việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM). Đây là một công cụ chính sách được đề xuất nhằm giảm lượng khí thải carbon từ hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).
Cơ chế CBAM sẽ áp dụng một mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có lượng khí thải carbon cao hơn so với hàng hóa sản xuất tại EU, từ thời điểm sản xuất hàng hóa cho đến khi nhập khẩu những hàng hóa đó vào lãnh thổ hải quan của EU. Mức thuế này sẽ được sử dụng để bù đắp cho lượng khí thải carbon do sản xuất hàng hóa trong EU gây ra.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, tác động của CBAM đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng là rất lớn. Các doanh nghiệp có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại thị trường này do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các chính sách xanh.
Vì vậy, đòi hỏi việc ban hành khung pháp lý để thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.
Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về giảm phát thải và Net Zero. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.