Thị trường carbon: Thách thức nhiều, cơ hội lắm!

Tham gia thị trường carbon, các doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức đồng thời cũng có được nhiều lợi ích, do đó rất cần sự vào cuộc của các bên.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: L.G

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: L.G

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công Thương” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 4-9.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), phát triển thị trường carbon là giải pháp quan trọng đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây còn là cơ hội huy động nguồn vốn của xã hội tham gia vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mỗi một tấn CO2 đạt tiêu chuẩn của thị trường được coi là một tín chỉ carbon và được giao dịch trên thị trường.

Hiện, Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa thị trường tín chỉ carbon vào vận hành. Theo đó, từ nay đến 2028, các bộ, ngành, địa phương sẽ chuẩn bị cơ sở pháp lý, điều kiện kỹ thuật và triển khai thí điểm, năm 2029 sẽ vận hành chính thức.

Việt Nam đang ở giai đoạn tiếp cận để xây dựng thị trường tín chỉ carbon và từng bước vận hành, do đó còn rất nhiều việc phải làm. Khung khổ pháp lý cao nhất đã có, nhưng những quy định cụ thể trong quá trình vận hành thị trường carbon vẫn đang được triển khai. Tín chỉ carbon hay hạn ngạch phát thải carbon nếu muốn đạt những tiêu chuẩn chất lượng cao đòi hỏi những quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) chỉ ra những thách thức của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đó là về nhân lực, phương thức, tài chính và máy móc, công nghệ. "Đây là những thách thức không hề nhỏ, tuy nhiên chúng ta là thị trường tín chỉ carbon non trẻ nên có nhiều dư địa để phát triển. Vấn đề là các bên liên quan cần cùng quyết tâm và ngồi lại với nhau để tìm được mô hình thị trường hiệu quả”, ông An nói.

Quy trình sản xuất xi măng được liên tục đổi mới để giảm phát thải. Ảnh: Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Quy trình sản xuất xi măng được liên tục đổi mới để giảm phát thải. Ảnh: Hiệp hội Xi măng Việt Nam

PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng là một trong những ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn, khoảng 62 đến 70 triệu tấn CO2/năm, trong 5 năm gần đây. Hiện cả nước có 60 nhà máy sản xuất xi măng và đều nhận thức rõ sẽ phải thực hiện hạn mức phát thải ở từng nhà máy xi măng từ năm 2026.

Giải pháp được doanh nghiệp xi măng triển khai là giảm chi phí nhiên liệu để giảm phát thải, sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, giảm chi phí điện, đồng thời thu giữ và chôn lấp CO2 trong quá trình sản xuất clinker xi măng.

Tuy nhiên theo ông Long, hiện việc tính toán lượng phát thải trong ngành xi măng mới chỉ mang tính kỹ thuật mà chưa được luật hóa. Do đó, ông Long kiến nghị, cần đưa ra các công cụ, tiêu chuẩn tính toán, đo lường, đánh giá lượng phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp có căn cứ tính toán.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-carbon-thach-thuc-nhieu-co-hoi-lam-676704.html